Theo The Wall Street Journal, một bản nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải, Lục, Không quân Hoàng gia (Royal United Services Institute for Defence and Security Studies, RUSI) – một tổ chức tư vấn về Quốc phòng và an ninh ở London công bố đầu tháng 7 nhận định: “Thực tế hiện nay việc mỗi quốc gia quyên tặng một loại vũ khí riêng đang nhanh chóng trở thành cơn ác mộng hậu cần đối với quân đội Ukraine, bởi mỗi lô vũ khí đều cần có các kênh đào tạo, bảo dưỡng và hậu cần riêng biệt”.
Theo báo cáo, chỉ riêng các loại pháo của phương Tây mà quân đội Ukraine đang tiếp nhận đã bao gồm lựu pháo kéo M777 của Mỹ, Australia và Canada’; cũng như các loại pháo tự hành bao gồm Caesar của Pháp, PzH-2000 của Đức, pháo tự hành M109 của Mỹ và AHS Krab của Ba Lan. Về lý thuyết, các loại pháo xe kéo hay pháo tự hành này đều sử dụng đạn cho cỡ nòng 155mm, tình hình thực tế lại không đơn giản như vậy.
Pháo tự hành bọc thép PzH-2000 Đức viện trợ cho Ukraine (Ảnh: DPA). |
Ông Jack Wattlin, nhà nghiên cứu ở RUSI nói: “Quân đội Ukraine đau đầu vì quá nhiều chủng loại vũ khí khác nhau”. Ông đề nghị các nước phương Tây cần hạn chế về chủng loại các hệ thống vũ khí chở đến Kiev.
Báo cáo cũng cho biết Ukraine không chỉ nhận được nhiều loại vũ khí khác nhau. Quân đội nước này cũng phải học cách sử dụng và bảo trì các loại vũ khí của phương Tây, vốn đã vận hành và bảo trì phức tạp hơn so với các loại vũ khí hệ Xô Viết mà họ đã sử dụng cho đến nay.
Báo cáo chỉ ra rằng Ukraine phải đối mặt với một danh sách không đầy đủ các vấn đề khi họ sử dụng các hệ thống pháo khác nhau, một số thuộc hệ thống cỡ nòng 39, một số hệ thống cỡ nòng 52 nên tầm bắn khác nhau. Chúng có các phụ tùng thay thế và các yêu cầu bảo trì khác nhau, các hệ thống nạp đạn khác nhau và cả các loại đạn khác nhau. Mỗi loại lại có thể chỉ sử dụng máy tính chuyên dụng riêng, gây ra sự cố về truyền dữ liệu và một số lại chỉ sử dụng loại đạn riêng. Việc vận hành và bảo trì có các yêu cầu đào tạo khác nhau, chuỗi cung ứng phụ tùng thay thế cũng khác nhau.
Pháo tự hành Caesar Pháp cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Sohu). |
Một vấn đề khác là phụ tùng thay thế. Đối với vũ khí thời kì Liên Xô, người Ukraine có thể tháo dỡ từ các thiết bị cũ hoặc bỏ đi để thay thế hoặc sửa chữa. Nhưng đối với các thiết bị của phương Tây, "không có phụ tùng thay thế nào khác ngoài những thứ họ nhận được".
Theo báo cáo, một số hệ thống pháo hiện đang được sử dụng ở Ukraine đặc biệt có tính thách thức, nhất là loại lựu pháo PzH-2000 của Đức, có những yêu cầu rất cụ thể về hệ thống nạp đạn. Các pháo thủ Ukraine phải mất khoảng 40 ngày huấn luyện để vận hành và bảo trì hệ thống này. Ngoài ra, loại pháo tự hành bọc thép này nặng tới 57 tấn, nặng hơn hầu hết các thiết bị cùng loại theo hệ Liên Xô. Điều này có nghĩa là một số cây cầu không thể chịu được trọng lượng của nó, từ đó gây phức tạp cho việc vận chuyển hay cơ động của nó tới chiến trường.
Mặt khác, mỗi loại vũ khí lại được giao kiểu nhỏ giọt, không đồng bộ. Có loại pháo mỗi lần giao mấy khẩu, có loại giao súng nhưng không đủ cơ số đạn khiến việc sử dụng chúng rất hạn chế, nếu không nói là vô tác dụng.
Pháo tự hành AHS Krab Ba Lan cung cấp cho Ukraine (Ảnh:Ukrainetoday). |
Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Công ty nghiên cứu RAND Corporation của Mỹ cho biết: “Khi chuyển sang một nền tảng không phải do Liên Xô sản xuất, họ bắt đầu phải xử lý rất nhiều thứ mà trước đây chưa từng có”.
Ông Scott Boston đã chỉ ra những thách thức khác đối với quân đội Ukraine khi sử dụng các hệ thống vũ khí do phương Tây sản xuất. Ông nói: “Ở Ukraine, người ta có thể sửa một chiếc ô tô 40 năm tuổi bằng búa, cờ lê, vũ lực, dầu bôi trơn và thậm chí những lời cầu nguyện. Nhưng để sửa một chiếc ô tô hiện đại của phương Tây, phải cần có máy tính xách tay được kết nối với các cảm biến để đọc các thông tin bên trong xe. Đó là hai vấn đề rất khác nhau. Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra hư hỏng, cần phải sử dụng các phụ tùng, linh kiện nhập khẩu từ phương Tây khiến mọi thứ càng trở nên phức tạp”.