|
Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được coi là nhân vật tiêu biểu của "ngoại giao chiến lang" (Ảnh: Toutiao). |
Bài báo viết, Trung Quốc đã xuất khẩu số lượng lớn khẩu trang ra thế giới dùng để đối phó với đại dịch COVID-19, nhưng hành động này đã không cải thiện được hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới. Theo một khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Angus Reid Institute ở Canada, chỉ có 14% người Canada có thái độ tích cực với Trung Quốc và hơn 80% người Canada cho rằng chính phủ Trung Quốc không trung thực khi thông báo việc bùng phát dịch bệnh do virus Corona mới. Tại Nhật Bản, số người có thiện cảm với Trung Quốc chỉ là 22%. Một báo cáo vừa được Trung tâm nghiên cứu Pew công bố cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới có thái độ tốt về Mỹ, nhưng có đánh giá tiêu cực về Trung Quốc. Một cuộc thăm dò dân ý do Hoa Kỳ công bố hôm thứ Tư 13/5 cho thấy hầu hết người Mỹ được hỏi đều cho rằng chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus Corona mới (SARS-CoV-2).
|
Báo Pháp Le Monde: Trung Quốc gửi 28 tỷ khẩu trang tới 130 quốc gia nhưng không cải thiện được hình ảnh của họ (Ảnh: Đa Chiều).
|
Báo Le Monde của Pháp đưa tin rằng Trung Quốc cũng có thể cảm thấy khó xử. Bắc Kinh khoe khoang sẽ cứu thế giới bằng cách gửi 28 tỷ chiếc khẩu trang cho 130 quốc gia trên thế giới, nhưng thay vì nhận được những lời khen ngợi, hình ảnh của họ lại càng đen tối hơn. Mọi người cũng chú ý đến hiện tượng nhiều người trẻ ham mê học tiếng Trung trên mạng xã hội và các chuyên gia từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu vốn bị thu hút bởi Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc hiện lại là những người chỉ trích Bắc Kinh nặng nề nhất.
Về việc làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc, nhiều nhà quan sát cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đóng một vai trò hàng đầu trong thực tế này. Thứ ngôn ngữ thô lỗ và hành động gây hấn được các nhà ngoại giao này sử dụng gây ra một nỗi khiếp sợ. Kiểu ngoại giao “chiến lang” (Wolf Warrior - sói chiến tranh) này không hề giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc.
Tờ The Globe and Mail của Canada đưa tin, Đại sứ Canada tại Trung Quốc Dominic Barton vào tuần trước đã tuyên bố thẳng thừng trước Hội đồng Quốc tế Canada rằng các hành động của Bắc Kinh đã phá hoại sức mạnh mềm của Trung Quốc trên toàn cầu. Ông chỉ ra rằng sức mạnh mềm mà Trung Quốc tích lũy hiện đang ở tình trạng số âm. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đe dọa tẩy chay Australia và ra sức quảng bá việc tặng một số khẩu trang cho một số nước EU, nhưng lại yêu cầu EU không đề cập đến các vật tư y tế EU tặng họ khi dịch bệnh ở Trung Quốc đang tồi tệ. Ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, nhận xét rằng đại quân ngoại giao hung hăng của Trung Quốc đang khiến phần còn lại của thế giới xa lánh với Bắc Kinh. Cách tiếp cận ngoại giao được gọi là “chiến lang” này thậm chí khiến các nước châu Âu trước đây còn do dự thì giờ cũng phản cảm với Trung Quốc.
|
Đại sứ Canada tại Trung Quốc Dominic Barton: hành động của Trung Quốc đã phá hoại sức mạnh mềm của họ (Ảnh: thelegendmedia).
|
Trung Quốc đã giành được thành công về kinh tế, Trung Quốc cũng có một công cụ đầu tư toàn diện là sáng kiến “Vành đai, con đường”, nhưng báo Le Monde của Pháp nói với ông Geoff Raby, cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc, chỉ ra rằng “Trung Quốc không có sức mạnh mềm”, nói đúng ra Trung Quốc không có cách gì làm cho họ trở nên đáng yêu trong mắt mọi người. Mọi người có thể đánh giá cao những thành tựu kinh tế và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, nhưng họ không hâm mộ lối sống của người Trung Quốc, chứ đừng nói đến việc tới Trung Quốc để sống.
Về mặt nhận xét hoang dã kiểu ngoại giao “chiến lang”, đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu là người đầu bảng. Mối quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc nhanh chóng xấu đi, Thụy Điển đã đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử, không thể không nói rằng việc này có liên quan đến việc đại sứ Trung Quốc đã nhiều lần gây áp lực cho Thụy Điển một cách vô lý. Trung Quốc từ lâu đã giam cầm Quế Dân Hải, chủ nhà sách ở Causeway Bay, Hồng Kông. Thụy Điển đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc thả công dân của họ; nhưng Trung Quốc đã tuyên bố rằng Quế Dân Hải, người đang bị họ giam giữ, đã tự nguyện từ bỏ quốc tịch Thụy Điển và xin nhập quốc tịch Trung Quốc rồi. Vào tháng 1, đài truyền hình Thụy Điển đã phỏng vấn Đại sứ Quế Tùng Hữu. Ông ta đe dọa giới truyền thông Thụy Điển “chớ có chỉ trích Trung Quốc”. Ông ta mô tả truyền thông Thụy Điển là “võ sĩ hạng ruồi 48 kg lại muốn thách đấu võ sĩ hạng nặng 86 kg Trung Quốc, hãy chờ xem!”. Bộ Ngoại giao Thụy Điển ngày 21/1 đã triệu tập vị đại sứ này tới và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển chỉ trích những lời lẽ của ông này là “sự đe dọa không thể dung thứ”.
|
Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu (thứ 2, phải qua) người đã bị Bộ Ngoại giao Thụy Điển triệu tập đến vì đe dọa giới truyền thông nước chủ nhà (Ảnh: internet)
|
Một số học giả Trung Quốc cũng đã bắt đầu lo lắng về hiện tượng “ngoại giao chiến lang” đang ngày càng đi xa hơn này. Tờ South China Morning Post tại Hồng Kông đưa tin, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua một số cơ quan truyền thông tự phát và chính thức tuyên truyền ưu thế chống dịch của Trung Quốc. Được dẫn dắt bởi hệ thống ngoại giao và truyền thông chính thức của Trung Quốc, tại Trung Quốc đang trỗi dậy một làn sóng mới của chủ nghĩa dân tộc. Ông Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), một học giả nổi tiếng về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói tại một hội thảo trực tuyến tại trường này hồi tuần trước rằng phương pháp này ban đầu nhằm làm nổi bật tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc và địa vị lãnh đạo của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu, nhưng thực tế vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Học giả này cho rằng hệ thống ngoại giao và các phương tiện truyền thông chính thức không thấy hết được sự phức tạp, cách làm này không được suy tính kỹ. Cách tiếp cận vội vã và cao giọng dẫn đến phản tác dụng, làm sâu sắc thêm hố ngăn cách giữa Trung Quốc và các nước khác. Ông Thời Ân Hoằng cho rằng nên thay đổi cách làm này càng sớm càng tốt để giảm bớt tình cảm chống Trung Quốc đang gia tăng. Ông Chu Phong (Zhu Feng), Giám đốc “Trung tâm nghiên cứu đổi mới hợp tác Nam Hải” (tức Biển Đông) của Đại học Nam Kinh, đã chỉ rõ trong một cuộc thảo luận trực tuyến do nhà trường tổ chức hôm 10/5: thủ pháp ngoại giao “chiến lang” nói trên đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Ông kêu gọi chính quyền hãy làm dịu bớt tình hình căng thẳng này và điều chỉnh chính sách đối ngoại.
|
Học giả quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng cho rằng cách tuyên truyền hiện nay dẫn đến phản tác dụng, làm sâu sắc thêm hố ngăn cách giữa Trung Quốc và các nước khác (Ảnh: Đa Chiều).
|
Ông Antoine Bondaz, một học giả của Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp cho rằng, những lời nói và hành động của một số nhà ngoại giao Trung Quốc rõ ràng đã nhận được hiệu quả ngược, có thể được coi là “quan hệ công chúng kiểu tự sát”. Ông cho rằng Bắc Kinh khuyến khích làm như thế đã phản ánh sự bất an của chính quyền. Theo quan điểm của ông Jean-Pierre Cabestan, một nhà Hán học người Pháp hiện giảng dạy tại Hồng Kông, Bắc Kinh đang buộc mọi người chấp nhận quan điểm của họ ở khắp mọi nơi. “Cuộc đại đấu giá tuyên truyền của Trung Quốc đã phá hủy cả thông điệp mà họ muốn bày tỏ lẫn độ tin cậy của thông điệp”.
The New York Times dẫn lời bà Susan L. Shirk, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ 21 tại phân hiệu San Diego, Đại học California phân tích, Bắc Kinh khuyến khích các nhà ngoại giao Trung Quốc hành xử quyết liệt. Bà nói rằng việc đề bạt ông Triệu Lập Kiên làm người phát ngôn và những phát ngôn của ông ta về quân đội Hoa Kỳ đã “gửi tín hiệu đến tất cả mọi người ở Trung Quốc rằng đây là đường lối chính thức, do đó có hiệu ứng khếch đại”. Bà cũng chỉ ra rằng, điều này cũng làm cho mọi cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.