Chiều ngày 13/5, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tại cuộc họp báo: “Lập trường của Trung Quốc kiên quyết phản đối nước ngoài bán vũ khí cho Đài Loan hoặc trao đổi về an ninh quân sự với Đài Loan là nhất quán và rõ ràng”. Triệu Lập Kiên cũng nói: “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Pháp tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, hủy bỏ kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, tránh làm tổn hại quan hệ Trung – Pháp”.
Trước đó, ngày 12/5, Trung Quốc đã hối thúc Pháp hủy bỏ kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan và bày tỏ quan ngại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp đã trả lời vào sáng sớm ngày 13/5 rằng, “đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, tất cả sự chú ý và nỗ lực của chúng tôi đều tập trung vào việc chống lại dịch bệnh. Trong khuôn khổ Tuyên bố Pháp - Trung năm 1994, Pháp thực hiện chính sách một Trung Quốc, tiếp tục kêu gọi đối thoại giữa hai bên eo biển Đài Loan và Pháp cũng tuân thủ chặt chẽ các cam kết hợp đồng đã ký kết với Đài Loan, vốn không hề thay đổi kể từ năm 1994”.
Được biết, điều này có liên quan đến đến hợp đồng nâng cấp và bảo trì của quân đội Pháp cho các chiến hạm Lafayette được bán cho Đài Loan vào năm 1991. Khi đó vụ bán vũ khí này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và Paris. Đây lại là một vụ căng thẳng ngoại giao mới giữa hai nước 1 tháng sau khi xảy ra vụ Trung Quốc nhận xét về đại dịch COVID-19 khiến chính phủ Pháp phải triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Pháp tới, một hành vi được cho là hiếm thấy.
Bắc Kinh luôn phản đối mọi quốc gia bán vũ khí, thiết bị quân sự cho Đài Loan (Ảnh: AFP).
|
Năm 1991, Pháp và Đài Loan đã ký hợp đồng mua bán vũ khí thiết bị quân sự trị giá 2,8 tỷ USD, trong đó có 6 tàu chiến Lafayette. Sau khi ký hợp đồng, mối quan hệ giữa Pháp và Trung Quốc đại lục bước vào thời kỳ băng giá. Cho đến năm 1994, một tuyên bố chung giữa Pháp và Trung Quốc được ban hành và mối quan hệ mới trở lại bình thường.
Hợp đồng vũ khí này sau đó đã dẫn tới một vụ bê bối hoa hồng khổng lồ, liên quan đến bên môi giới và một số chính trị gia Pháp, nhưng cuộc điều tra tư pháp Pháp giống như mọi lần đã dừng lại trước các điều khoản quy định về bí mật quốc phòng. Một vụ kiện rúng động nhưng cuối cùng đã đi tới kết luận không khởi tố. Tại Đài Loan, một số người liên quan đến vụ án đã bị kết án tù vì tham nhũng, và một số cái chết đáng ngờ đã làm sâu sắc thêm “Vụ án Lafayette”.
Thỏa thuận mua bán vũ khí năm 1991 đó đã được hoàn thành dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Pháp F. Mitterrand, vào thời điểm đó đã gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Trung Quốc. Để trả thù, Bắc Kinh đã ngay lập tức đóng cửa Tổng lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu.
Ngày 7/4/2020 Bộ Tư lệnh Hải quân Đài Loan tuyên bố trong một thông cáo báo chí ngắn rằng hệ thống phóng đạn gây nhiễu của tàu Lafayette đã được sử dụng trong hơn 25 năm. Xem xét đến quyền sở hữu trí tuệ và nguồn cung cấp hàng hóa có thể bị mất, họ đã quyết định mua và xử lý kéo dài tuổi thọ hệ thống từ phía Pháp để đáp ứng nh cầu hoạt động tác chiến.
Những người quen thuộc với vấn đề này nói với AFP rằng hợp đồng thực sự đã được ký bởi cả Đài Loan và Pháp, nhằm mục đích nâng cấp hệ thống gây nhiễu của 6 tàu chiến. Theo truyền thông Đài Loan, số tiền hợp đồng tương đương 24,6 triệu euro, (tuy nhiên, theo trang tin Đa Chiều thì tổng giá trị hợp đồng nâng cấp, bảo trì là 800 triệu USD, hoàn thành vào năm 2023).
Bây giờ, cuộc cãi vã giữa Pháp và Trung Quốc đang tăng trở lại. Một tháng trước, trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng bài chỉ trích Pháp và EU về một số biện pháp đối phó với dịch bệnh COVID-19. Người Pháp cho rằng một số chi tiết trong bài viết không đúng sự thật và không phù hợp nghiêm trọng với hành vi của nhà ngoại giao. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã tới để phản đối. Trong mấy thập kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Trung Quốc, việc Pháp cho triệu đại sứ Trung Quốc tới là rất hiếm thấy.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã, người bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập đến phản đối về những lời lẽ bình luận "không ngoại giao " về công tác phòng chống dịch bệnh của Pháp (Ảnh: AFP).
|
Về bề ngoài, mỗi khi có “sự cố” trong quan hệ giữa hai nước, Trung Quốc lại nhấn mạnh “tình hữu nghị Trung-Pháp” là chủ đạo để giải quyết. Lần này, mặc dù Pháp đang rất cần khẩu trang của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch, nhưng đây là cuộc đối đầu ngoại giao thứ hai chỉ trong vòng một tháng qua giữa hai bên.
Trọng tâm của tranh chấp giữa hai bên lần này liên quan đến Đài Loan. Đài Loan là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Bắc Kinh cho rằng hòn đảo 23 triệu dân này là một tỉnh của Trung Quốc, mọi quan hệ chính thức giữa các nước với Đài Loan đều bị Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ.
Nhưng liên quan đến khoản bảo trì vũ khí này, theo Bộ Ngoại giao Pháp không có bất kỳ vấn đề gì. Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố, “theo khuôn khổ được thiết lập trong Tuyên bố chung Pháp-Trung năm 1994, Pháp đã thực hiện chính sách một Trung Quốc và tiếp tục kêu gọi đối thoại giữa hai bên eo biển Đài Loan”.
Ông Goldmont, một chuyên gia châu Á tại Viện nghiên cứu Montien ở Paris, đã phân tích: "Không còn nghi ngờ gì nữa, kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu lại, các chủ đề liên quan đến Đài Loan đã trở nên rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh".
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Bondaz, một chuyên gia về các vấn đề của Trung Quốc tại Viện Chiến lược Paris, việc Trung Quốc xử lý hợp đồng giữa Pháp và Đài Loan "khó khăn nằm ở cách Bắc Kinh tìm thấy sự cân bằng phù hợp giữa việc phản ứng và phản ứng thái quá".
Điều này dường như không dễ dàng đối với Bắc Kinh. Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các hoạt động ngoại giao nhưng ít ngoại giao mang tên “Ngoại giao Chó sói (War Wolf)” trong những tháng gần đây. AFP bình luận: Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch khoe khoang rằng mô hình Trung Quốc vượt trội so với phương Tây trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Mỹ và nhiều đồng minh ở phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc không hành động kịp thời và hiệu quả ngay từ đầu khi bùng phát dịch bệnh và hạ thấp sự nguy hại của virus.
Điều khiến Bắc Kinh tức giận nhất là hơn một chục quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, đang phát động một hành động nhằm khôi phục vị thế quan sát viên của Đài Loan tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hy vọng rằng Đài Loan với những thành tựu trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này đã được toàn thế giới công nhận sẽ được tham gia Đại hội WHO thế giới tổ chức tại Geneva trong 2 ngày 18 và 19/5 tới đây.