Theo báo Hàn Quốc thì ông Donald Trump phát động chiến tranh thương mại là nhằm áp chế ông Tập Cận Bình và hiện nay Trung Quốc đang ở thế thủ. Tuy nhiên, dù liên tiếp bị thương song Trung Quốc vẫn tỏ ra quyết tâm “trường kỳ kháng chiến” và đang bận rộn tìm kiếm đối sách. Báo này phán đoán cuộc chiến mậu dịch này có khả năng sẽ dẫn đến 3 loại kết cục.
Khả năng thứ nhất, Trung Quốc sẽ thỏa hiệp trong cuộc chiến thuế quan.
Sau khi hai nước tăng thuế đánh vào 50 tỷ USD hàng hóa của nhau trong giai đoạn đầu, Mỹ tiếp tục tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong khi Trung Quốc chỉ có thể đáp trả bằng việc tăng thuế đối với 60 tỷ USD sản phẩm Mỹ, thể hiện họ phải tìm cách thỏa hiệp.
Nếu Trung Quốc đồng ý yêu cầu của Mỹ về việc cải thiện vấn đề chênh lệch cán cân thương mại bất lợi cho Mỹ thì thiệt hại sẽ không nhỏ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm ít nhất 17%, đặc biệt là ngành chế tạo các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện tử, phụ tùng xe hơi, mạch bán dẫn… sẽ bị giáng đòn nặng nề. Nếu giảm một nửa lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ, lĩnh vực đầu tư kỹ thuật bị hạn chế, sẽ khiến chính sách ngành nghề của chương trình “Made in China 2025” bị kìm hãm.
Ông Trump họp báo tại Nhà Trắng, tuyên bố sẽ tăng thuế đánh vào 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Trung Quốc trả đũa biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ
|
Khả năng thứ hai, Trung Quốc đánh thuế đối với toàn bộ sản phẩm Mỹ nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là sẽ dẫn đến việc Mỹ tiếp tục tăng thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Mỹ còn lại. Điều này có nghĩa là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục đến cùng.
Nếu vậy, các biện pháp như hạn chế đầu tư và trao đổi nhân viên cũng sẽ được đưa ra. Nếu cuộc chiến thuế quan không có tác dụng, sẽ có thể dẫn đến việc ra đời các chính sách hạn chế khẩn cấp việc nhập khẩu các hàng hóa đặc biệt. Việc xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu như điện tử, nhu yếu phẩm và vật liệu xây dựng sẽ bị hạn chế, dẫn đến việc cung cấp của ngành công nghiệp chế tạo xảy ra biến đổi lớn,các công ty nước ngoài sẽ lần lượt rời khỏi Trung Quốc, đồng Nhân dân Tệ mất giá và tiền vốn cũng chảy ra ngoài.
Các tỉnh chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Quảng Đông, Phúc Kiến và các công ty xung quanh Thượng Hải sẽ lâm vào nguy cơ phá sản. Ít nhất 5 triệu người mất việc làm, gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí của lãnh đạo Trung Quốc.
Khả năng thứ ba là điều mà Trung Quốc lo ngại nhất. Đó là cuộc chiến tranh Mỹ - Trung không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mậu dịch mà sẽ tiếp tục lan sang trừng phạt trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, thị trường vốn, thậm chí sang lĩnh vực tỷ giá ngoại hối.
Nếu như thế rất có khả năng dẫn đến việc xuất hiện các tình huống như đóng băng tài sản và cấm mua bán một số hàng hóa đặc biệt trên bình diện quốc tế.
Xuất hiện khả năng này là bởi Mỹ nắm trong tay hai hệ thống tài chính lớn có thể khống chế thanh toán mậu dịch và giao dịch ngoại hối, là hệ thống khống chế tài chính toàn cầu và hệ thống thanh, kết toán tiền tệ. Bộ Tài chính Mỹ có thể thông qua việc khống chế tài sản hải ngoại để tiến hành trừng phạt Trung Quốc về tài chính. Nếu Mỹ lấy cớ an ninh quốc gia để đưa Trung Quốc vào phạm vi trừng phạt tài chính và tiến hành khống chế thị trường vốn của họ, thì kinh tế đối ngoại của Trung Quốc sẽ lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Thực tế cho thấy, vào lúc này khả năng thứ hai có vẻ đang trở thành hiện thực khi ngày 9.10, tại cuộc họp báo tổ chức tại Nhà Trắng, ông Donald Trump khi nhắc đến chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã nói, Trung Quốc vẫn chưa chuẩn bị cho việc đạt được một hiệp nghị mậu dịch với Mỹ, hai bên đã hủy bỏ nhiều cuộc hội đàm và cảnh báo: "nếu Trung Quốc có hành động đáp trả đối với biện pháp tăng thuế đối với 200 tỷ USD mà Mỹ áp dụng thì Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc".
Theo truyền thông Mỹ, ông Donald Trump nói rằng: “Trung Quốc hy vọng đạt được một hiệp nghị, nhưng tôi thấy rõ họ vẫn chưa chuẩn bị tốt. Mỹ đã hủy bỏ nhiều cuộc hội đàm với Trung Quốc vì tôi nhận thấy họ căn bản chưa chuẩn bị tốt”.
Khi có phóng viên hỏi, nếu Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa thì Mỹ có tiếp tục gia tăng đánh thuế hay không? Ông Trump đã nói ngay: “Nhất định rồi! 100% sẽ như thế!”. Ông nói thêm, các số liệu nhập siêu của Mỹ trong cán cân xuất nhập khẩu với Trung Quốc những ngày gần đây cho thấy Trung Quốc đã ra tay trả đũa.
Nếu Trung Quốc không đưa ra những nhượng bộ thì cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 11 tới sẽ không diễn ra.
|
Ông Trump nói thêm: “Nhiều năm qua, Trung Quốc mỗi năm lấy đi của Mỹ 200 tỷ, 300 tỷ, 400 tỷ, thậm chí 500 tỷ USD. Chúng ta đã giúp tái thiết Trung Quốc. Nếu chúng ta không làm như thế thì Trung Quốc đâu có được vị trí ngày hôm nay. Nay thì chúng ta không thể tiếp tục làm như thế nữa”. Tổng thống Mỹ khẳng định: “Không thể chỉ có một bên được lợi, cần phải có lợi ích cho cả hai bên. 25 năm qua đi con đường một chiều, nay chúng ta cần phải biến nó thành con đường hai chiều. Chúng ta cũng phải được lợi. Đúng không?”
Trong khi đó, tờ “Financial Times” dẫn lời hai quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ cho biết, nếu Trung Quốc không đưa ra danh sách những nhượng bộ đối với Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ không hội đàm về mậu dịch với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tới đây.