|
Tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. |
Thông tư của hai đời Thống đốc
Sau nhiều tranh biện, cuối cùng Ngân hàng Nhà nước cũng đã chốt được Thông tư sửa đổi Thông tư 36, một văn bản mà tự thân sự ra đời của nó đã nội tiềm yếu tố “chuyển giao”: lên ý tưởng dưới thời nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhưng lại được quyết và ban hành trong nhiệm kỳ của người kế nhiệm, tân Thống đốc Lê Minh Hưng.
Dự thảo trước đó (dưới thời ông Bình), với hai điểm sửa đổi quan trọng là giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (1) và tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 250% (2), đã vấp phải phản ứng gay gắt từ nhiều phía.
Mạnh mẽ và công khai nhất là khối các doanh nghiệp bất động sản (lực lượng thị trường có tiếng nói lớn, nhờ mối quan hệ mật thiết với giới truyền thông). Kín đáo hơn, nhưng quyền lực không kém, là nhóm các nhà đầu tư BOT, BT.
“Dung hòa”, đó là từ mà nhiều người đã sử dụng để nói về Thông tư 06/2016/TT-NHNN – văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng - vừa được NHNN ban hành vào chiều 27/05.
So với dự thảo ban đầu, nội dung chính thức của Thông tư 06 có 2 điều chỉnh lớn khác.
Thứ nhất, quy định hệ số quy đổi rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản là 200% từ thời điểm 1/1/2017, thay vì 250% như trong dự thảo.
Thứ hai, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm theo lộ trình từ 60% xuống 50% từ 1/1/2017 và 40% từ 1/1/2018, thay vì giảm ngay như trong dự thảo.
Ở khía cạnh tích cực, sự ra đời của Thông tư 06 với những sửa đổi dung hòa, trước hết, phản ánh sự "lắng nghe" của nhà điều hành với các phản biện thị trường. Nó cũng thể hiện quan điểm điều hành điềm đạm, ôn hoà, có lộ trình của SBV; giúp các tân lãnh đạo SBV - những người điều hành hệ thống tiền tệ quốc gia - vốn vẫn là mảng “nóng” và nhạy cảm bậc nhất nhất – ghi điểm trong lòng những đối tượng chịu tác động điều chỉnh của thông tư.
Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, hành động dung hòa của NHNN, ở một giác độ nào đó, lại bộc lộ thái độ thỏa hiệp, né tránh đối đầu của nhà điều hành trước các nhóm đối tượng bị đụng chạm lợi ích.
Đã có ý kiến nêu ra, rằng gần đến lộ trình áp dụng các giới hạn trong thông tư 06, thị trường lại tiếp tục ý kiến, liệu NHNN có lại bị “lung lạc” (?!).
Nên nhớ, lập trường ban đầu của NHNN khi đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là rất cương quyết; SBV dưới thời Thống đốc Bình – nhà lãnh đạo được công chúng ghi nhận là kỹ trị và quyết đoán – luôn đã tỏ ra cứng rắn trong các luận điểm của mình để bảo vệ các nội dung dự thảo sửa đổi Thông tư 36.
Cương quyết “kín”
“Liệu chúng ta có muốn lịch sử lặp lại? Liệu chúng ta có tiếp tục đặt sự tồn vong, tiền đồ của hệ thống ngân hàng và đặt cược tiền gửi của nhân dân vào rủi ro của thị trường bất động sản?”, người viết vẫn còn nhớ phát biểu của một lãnh đạo SBV khi bảo vệ quan điểm điều hành trước phản ứng dữ dội của các doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản với Dự thảo sửa đổi Thông tư 36, vào đầu tháng 3/2016.
Không lo sao được khi tín dụng trung, dài hạn đã tăng phi mã đến 29% và vươn lên chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng.
Không lo sao được khi tổng dư nợ của các TCTD cho lĩnh vực BĐS cuối năm 2015 đã là 478 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn.
Không lo sao được khi dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng dành cho lĩnh vực bất động sản chưa từng giảm, kể cả giai đoạn khó khăn nhất, khi thị trường BĐS đóng băng.
Không lo sao được khi cấu trúc tín dụng BĐS hiện nay đang mang rủi ro “lửa cháy hai đầu”, khi mà ngân hàng vừa là nhà tài trợ vốn cho bên cung, vừa là nhà tài trợ vốn cho bên cầu, trong khi các lĩnh vực khác vẫn đói vốn triền miên…
Nhưng nói thế không có nghĩa là, SBV dưới thời tân Thống đốc Lê Minh Hưng không nhìn thấy “sự tồn vong, tiền đồ của hệ thống ngân hàng” trong cấu trúc tín dụng bất động sản có phần méo mó hiện nay. Điều chỉnh “dĩ hòa” trong Thông tư 06 cũng không có nghĩa là Thống đốc Hưng và các cộng sự của ông chấp nhận điều chỉnh quyết tâm thiết lập lại kỷ cương và lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng.
NHNN không chỉ có riêng Thông tư 06 để siết tín dụng BĐS...
Trước tiên, phải khẳng định, các mục tiêu cuối cùng trong Dự thảo điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 36 được đưa ra dưới thời Thống đốc Bình vẫn cơ bản được đảm bảo trong Thông tư 06 mà tân Thống đốc Lê Minh Hưng vừa mới ban hành.
Cụ thể như việc điều chỉnh giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, NHNN giãn lộ trình nhưng vẫn bảo toàn tỷ lệ 40%; Còn hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản (một phần tử số dùng trong việc tính toán tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ) giảm nhẹ từ 250% dự kiến về còn 200%, và được áp dụng ngay từ đầu năm 2017.
Thứ hai và quan trọng hơn, rằng bên cạnh các văn bản quy phạm, NHNN vẫn còn rất nhiều công cụ hữu hiệu khác để phục vụ hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của mình.
Nếu để ý Chỉ thị đầu tiên của Thống đốc Lê Minh Hưng kể từ ngày chuyển sang phụ trách NHNN, Chỉ thị số 04/CT-NHNN ban hành cùng ngày với Thông tư 06/2016/TT-NHNN, có thể thấy một chi tiết rất đáng lưu ý, là liên quan đến chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, tới từng tổ chức tín dụng.
Cần biết rằng, sau những năm tín dụng tăng trưởng chật vật, đây là lần đầu tiên yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng được nhấn mạnh như vậy. Sự chặt chẽ ở đây gắn với quan điểm không nhượng bộ với an toàn hoạt động.
Chỉ thị nêu rõ yêu cầu các đầu mối giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Dù không đề cập cụ thể, nhưng có thể hiểu việc giám sát chặt chẽ sẽ đi cùng với các yêu cầu khác, chế tài xử lý khác, nếu tổ chức tín dụng nào đó cho vay quá nhiều đối với những đối tượng, lĩnh vực đã được cảnh báo.
Hay nói cách khác, về mặt hình thức, với sự ra đời của Thông tư 06, NHNN “lắng nghe” thị trường, chấp thuận giãn lộ trình và điều chỉnh mức độ siết lại các tỷ lệ an toàn vốn cho hoạt động cấp tín dụng trung dài hạn.
Nhưng trên thực tế, với “van” quota tín dụng (phân bổ tới từng NH), và hàng loạt công cụ điều hành khác trong tay (như quyền cấp phép mở rộng mạng lưới giao dịch, xét duyệt cho vay tái cấp vốn,…), SBV sẽ vẫn hoàn toàn chủ động về phương hướng điều hành. Nhưng theo cách lặng lẽ và kín đáo hơn nhiều.
Sẽ không có gì bất ngờ nếu lúc này, các đoàn thanh kiểm tra của NHNN đã tới từng ngân hàng để đánh giá cơ cấu cũng như chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản, để từ đó đưa ra những “chỉ đạo riêng”….
Ninh Giang