Gần đây, bắt đầu từ dư luận bóng đá Thái Lan cho rằng ông Park Hang-seo đã hết bài, rồi HLV A. Nishino đã khắc chế được lối đá 3 trung vệ của Việt Nam. Khi những hình ảnh trong buổi phân tích chuyên môn của BHL đội tuyển được ống kính VTV ghi lại, thì mọi chuyện lại càng nóng lên. Truyền thông Thái Lan lại “hí hửng” cho rằng ông Park “lộ bài”, không ít cổ động viên Việt Nam lo lắng.
Miễn là chiến thắng
Thực ra, trên lịch sử sân cỏ thế giới chứng minh cả có một sơ đồ chiến thuật nào ưu việt tuyệt đối và chả có lối đá nào tồn tại vĩnh viễn ở một đội bóng. Trải theo năm tháng, tính hợp lý và lô-gich của chiến thuật bóng đá ngày càng được phân tích kỹ lưỡng hơn. Nhưng cũng không ít đội bóng vẫn quay lại áp dụng những sơ đồ cổ điển ra đời từ những thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước.
Sự “trao đi, đổi lại” của truyền thông 2 nước sẽ khiến cho những cuộc đối đầu giữa đội tuyển 2 nước thêm quyết liệt, căng thẳng. Ảnh VOV
|
Các CLB lớn như Real Madrid, Barca, MU, Juve cũng phải liên tục cập nhật tình hình và luôn có sự thay đổi lối đá cho phù hợp thực tế. MU dưới thời Ole vẫn đá với sơ đồ 4-4-2 truyền thống nhưng cách vận hành cũng khác xa thời ông thầy Sir Alex Ferguson. Đúng là, các HLV có thể áp dụng bất cứ sơ đồ nào, miễn là có chiến thắng.
Bản thân 2 ông thầy ngoại thành công với bóng đá Việt Nam nhất là HLV H.Calisto và Park Hang-seo cũng chơi với 2 sơ đồ chiến thuật khác nhau. Thậm chí ông H.Calisto còn cho thấy, nếu biết vận hành thì dùng 2 tiền vệ “công nhân” Minh Châu, Tài Em trong sơ đồ 4-4-2 vẫn có thể vô địch AFF Cup 2008. Khi đó, rất nhiều nhà chuyên môn chê ông thầy Bồ Đào Nha khi không biết sử dụng Thành Lương, một cầu thủ được cho là kỹ thuật tốt hơn nhiều.
Bản thân chúng ta đã có 2 kỳ vào chung kết SEA Games và đều thất bại trước người Thái bằng chính sơ đồ 3 hậu vệ. Việc ông Park Hang-seo sử dụng sơ đồ 3 trung vệ cũng khônng phải là vấn đề quá mới mẻ với đội tuyển. Ngay từ SEA Games năm 1995 ở Chiangmai, Thái Lan, HLV Karl-Heinz Weigang cũng thường dùng bộ 3 trung vệ Mạnh Cường, Hữu Thắng và Anh Dũng. Rồi ông thầy người Áo Riedl tại SEA Games năm 1999 tại Bruinei, cũng ra sân với 3 trung vệ Đỗ Khải, Phạm Như Thuần, Mai Tiến Dũng đấy thôi.
Thực tế thì SEA Games 1995, chủ nhà Thái Lan quá mạnh. Các hậu vệ biên trong sơ đồ 5-3-2 là Công Minh, Chí Bảo (hoặc Đức Tuấn) đều không thể lên bóng. Đối phương đã ép cho chúng ta ngột thở và không thể lên bóng, thế trận diễn ra 1 chiều, để rồi thua cuộc 4-0. Nhưng đây vẫn là thành tích tốt nhất, kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập khu vực.
Lối đá 3 trung vệ thời ông Park Hang-seo cũng khác xa với sơ đồ 3-5-2 mà chúng ta đã sử dụng tại các kỳ SEA Games trước đây. Ảnh VPF
|
4 năm sau tại SEA Games 1999, chúng ta đã không thủng lưới bàn nào cho đến trước trận chung kết gặp Thái Lan và để thua 2-0. Không thể nói Triệu Quang Hà hay Đức Thắng là những hậu vệ biên có chuyên môn tồi, nhưng khi đó Thái Lan có những cầu thủ như Chukiat, Surachai, Kiatisak…vượt trội khu vực. Thái Lan không hề dấu diếm đội hình ra sân, công bố trước vài ngày mà các đội thủ cũng chẳng làm gì nổi. Thậm chí người Thái còn ngạo mạn: “Nếu cả khu vực Đông Nam Á thành lập 1 đội tuyển đá với Thái Lan vẫn thua như thường”.
Niềm tin vào ông Park
Nhiều năm nay, khi nhắc đến đội tuyển là người ta nói đến bộ đội Tuấn Anh, Xuân Trường của HAGL, nhưng khi đá với đội hình 3-4-3 và lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 ông lại cho thấy cái tài tình khi tin dùng Hùng Dũng, Huy Hùng. Ông Park cũng biết sử dụng Văn Đức một cách kỳ tài khi đối đầu với Malaysia trong trận chung kết.
Lối đá 3 trung vệ thời ông Park Hang-seo cũng khác xa với sơ đồ 3-5-2 mà chúng ta đã sử dụng tại các kỳ SEA Games trước đây. Các tiền vệ biên Trọng Hoàng, Văn Hậu cũng di chuyển khác đàn anh trước kia, 3 trung vệ cũng thường xuyên hỗ trợ tấn công hơn.
Ông Park họp bàn chiến thuật với các cộng sự (ảnh VTV)
|
Hơn ai hết, những người “có nghề” như ông H.Calisto và Park Hang-seo biết được tại từng thời điểm, đội tuyển quốc gia nên đá với sơ đồ nào và cần gọi những cầu thủ nào lên tuyển. Việc đội tuyển đá 3 hay 4 hậu vệ, hay ông Park sẽ gọi ai lên tuyển được quyết định sau hàng chục năm trải nghiệm trong nghề của ông thầy người Hàn Quốc và các cộng sự.
Không ai có quyền ngăn cản truyền thông Thái Lan và cả chúng ta bàn luận về đội tuyển, chính sự “trao đi, đổi lại” sẽ khiến cho những cuộc đối đầu giữa đội tuyển 2 nước thêm quyết liệt, căng thẳng. Nhưng việc gần đây báo chí Thái Lan liên tục “soi” đội tuyển Việt Nam cũng vì họ không còn vị trí thống trị tuyệt đối như trước đây. Vậy hãy vui đi, mọi việc cứ để ông Park lo!