Ông Park đang xây dựng ĐT Việt Nam “phiên bản 3.0”?

VietTimes -- Trong chương trình thể thao của VTV người ta đang thấy ông Park và các cộng sự trong đại dịch Covid-19 vẫn đang miệt mài xây dựng các phương án chiến thuật mới cho đội tuyển Việt nam.
ĐT Việt Nam “phiên bản 3.0”? Ảnh VPF
ĐT Việt Nam “phiên bản 3.0”? Ảnh VPF

Không lâu sau khi đến Việt Nam, ông Park đã thành công với sơ đồ 3 hậu vệ tại VCK U23 châu Á 2018, Asian Games 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, SEA Games 2019,  VCK U23 châu Á 2020 và Vòng loại World Cup 2022. Chủ yếu các đội tuyển thi đấu với sơ đồ 3-4-3 quen thuộc và biến thể thành 5-4-1 khi phòng ngự.

Dấu ấn sơ đồ 3 trung vệ

Ông thầy người Hàn Quốc cho rằng, với thể hình bất lợi, nếu không sớm ngăn chặn đối phương, gây khó khăn cho các ngòi nổ thì hàng hậu vệ 4 người vẫn không thể cản phá được đối phương. Ông cân nhắc và quyết định rút 1 cầu thủ phòng ngự tuyến dưới, tăng cường thêm lực lượng cho khu vực giữa sân, đá với 3 trung vệ.

“Ngay trong đợt dịch Covid-19, tôi và BHL đội tuyển hàng ngày vẫn đến trụ sở VFF để phân tích, thảo luận các chiến thuật cho đội tuyển, cùng nhau xem băng ghi hình các trận đấu để chọn lựa nhân sự”. Ảnh VPF
“Ngay trong đợt dịch Covid-19, tôi và BHL đội tuyển hàng ngày vẫn đến trụ sở VFF để phân tích, thảo luận các chiến thuật cho đội tuyển, cùng nhau xem băng ghi hình các trận đấu để chọn lựa nhân sự”. Ảnh VPF

Tất cả các đội tuyển dưới sự chỉ đạo của ông Park đều chủ trương “nhường bóng, không nhường sân”. Thời gian cầm bóng của đội tuyển Việt Nam thường thấp hơn đối phương, nhưng Tuấn Anh, Hùng Dũng và các cầu thủ được yêu cầu không để cho đối thủ tiếp cận khung thành của đội nhà.

Với lối đá này, khi tấn công chúng ta có 3 trung vệ, còn khi phòng ngự thì sẽ có 5 hậu vệ. Mấu chốt của lối chơi này là phải giữ được cự ly đội hình 8-10m, để hỗ trợ bọc lót cho nhau. Một lối đá đòi hỏi các cầu thủ phải tập trung suốt 90 phút, bởi 1 mắt xích nào bị chùng xuống là khung thành chao đảo ngay lập tức. Phút cuối trận đấu với chủ nhà Thái Lan tại Vòng loại World Cup 2022, Supachok Sarachart đã có cú đi bóng bên cánh trái thót tim người hâm mộ Việt nam.

Đến SEA Games 2019, ông Park đã dùng “phiên bản 2.0” khi quyết định chuyển sang đá 3-5-2 khi Quang Hải chấn thương, ông buộc phải dùng Tiến Linh, Đức Chinh. Chúng ta vô địch  SEA Games 30, mà chỉ để thủng lưới 4 bàn, 2 trong số đó đến từ lỗi trực tiếp của thủ môn. Nhưng chỉ 1 tháng sau đó, phiên bản này đã xuất hiện lỗi tại VCK U23 châu Á 2020, gặp cái đối thủ có trình độ cao hơn. 3 trận đấu chúng ta chỉ ghi được 1 bàn thắng trong trận thua Triều Tiên 1-2 và bị loại ngay vòng bảng. 

HLV Akira Nishino và các cầu thủ Thái Lan đã hóa giải được lối đá của ông Park và các cầu thủ Việt Nam. Ảnh VFA
HLV Akira Nishino và các cầu thủ Thái Lan đã hóa giải được lối đá của ông Park và các cầu thủ Việt Nam. Ảnh VFA

Điểm yếu của đội tuyển Việt Nam và U23 VN đã bộc lộ, đó là cả sơ đồ 3-4-3 lẫn 3-5-2 đều không thể tạo ra đủ áp lực trên phần sân đối phương. Nếu tại thời điểm đó, trong tay ông Park không có được cầu thủ có phong độ ghi bàn xuất sắc và sai lầm cá nhân của đối phương thì bàn thắng là điều xa xỉ.

Vòng loại World Cup 2022, ĐT Việt Nam đã thi đấu 5 trận nhưng chỉ để thủng lưới 1 bàn nhưng số bàn thắng của ĐT Việt Nam chỉ dừng ở con số 5. Trong khi Malaysia có 8 bàn thắng, Thái Lan có 6 pha lập công, UAE có 8 bàn thắng. Các chân sút của ĐT Việt Nam chỉ chơi khá hơn đội cuối bảng Indonesia (3 bàn thắng). Sử dụng 3 trung vệ cho hàng thủ, Việt Nam khắc phục điểm yếu phòng thủ lúc bị phản công khi mà 2 hậu vệ biên dâng cao. Nhưng khi đá với đội dưới cơ thì chúng ta bị thừa người, muốn bắt việt vị cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Đối phương hóa giải

Hai trận đấu gặp Thái Lan, đều có kết quả hòa 0-0 nhưng rõ ràng HLV Akira Nishino đã hóa giải được lối đá của ông Park và các cầu thủ Việt Nam. Thậm chí trận lượt về trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Thái Lan còn cầm bóng 61%, tung được 8 cú sút về phía khung thành thủ môn Văn Lâm. Chắc chắn Indonesia, Malaysia và các đội bóng khu vực sẽ nghiên cứu “bài vở” của Thái Lan để khắc chế lối đá của Việt Nam. Đổi mới về nhân sự, lối đá sau hơn 2 năm thành công đã là điều bắt buộc của ông Park và các cộng sự.

Không biết đội tuyển Việt nam “phiên bản thời Covid” sẽ được vận hành như thế nào, nhưng tạm thời người hâm mộ tin rằng, nó sẽ có nhiều sự thay đổi để phát triển. Ảnh AT
Không biết đội tuyển Việt nam “phiên bản thời Covid” sẽ được vận hành như thế nào, nhưng tạm thời người hâm mộ tin rằng, nó sẽ có nhiều sự thay đổi để phát triển. Ảnh AT

Việc có 3 trung vệ và 1 thủ môn nên hàng tiền vệ có đến 4 lựa chọn khác nhau khi chuyền về, gần đây các đội U22 VN +3 và U23 VN đang có xu hướng lạm dụng đường chuyền về khi bị đối phương pressing tầm cao. Lối đá 3 trung vệ khiến 2 cầu thủ chạy cánh phải liên tục lên công về thủ khiến thể lực bào mòn rất nhiều, do đó, rất hay bị hổng cánh. Điều này tại SEA Games 30 đã bộc lộ rõ nét và đã bị khai thác.

Đổi mới để nâng cấp

Trong bối cảnh thiếu tiền đạo giỏi, lại sở hữu khá nhiều tiền vệ có kỹ thuật cá nhân tốt, Tuấn Anh cũng đã cải thiện khá nhiều kỹ năng phòng ngự cho phép ông Park nghĩ đến việc thay đổi lối đá của hàng tiền vệ, cải thiện khả năng cầm bóng. Trả lời VTV ông Park cho biết: “Ngay trong đợt dịch Covid-19, tôi và BHL đội tuyển hàng ngày vẫn đến trụ sở VFF để phân tích, thảo luận các chiến thuật cho đội tuyển, cùng nhau xem băng ghi hình các trận đấu để chọn lựa nhân sự”.

Không biết đội tuyển Việt nam “phiên bản thời Covid” sẽ được vận hành như thế nào, nhưng tạm thời người hâm mộ tin rằng, nó sẽ có nhiều sự thay đổi để phát triển. Vài khuôn mặt như Phi Sơn, Xuân Nam (TP.HCM), Mạc Hồng Quân, Xuân Tú (Than Quảng Ninh)… đang được kỳ vọng.