Bài học của một người trở thành Giám đốc Điều hành ở tuổi 20 và kiếm được 77 triệu USD trong 10 năm qua

VietTimes – Suhail Doshi là người sáng lập và cựu CEO của Mixpanel – một công ty phân tích dữ liệu đã kiếm được 77 triệu USD trong 10 năm. Trở thành một CEO không hề dễ dàng. Suhail đã tiết lộ những bài học đáng giá mà anh có được từ việc điều hành công ty.
(ảnh minh họa: Medium)
(ảnh minh họa: Medium)

Theo Suhail, công việc của một CEO là giúp đỡ người khác thông qua các cuộc họp và trao quyền cho họ để đưa ra các quyết định. Bạn nên dành 90% thời gian để lắng nghe và 10% thời gian để trò chuyện trao đổi.

- Đừng tránh đối đầu - nhưng hãy nhớ rằng bạn đang giải quyết vấn đề chứ không phải mọi người - và hãy chắc chắn rằng bạn xin lỗi khi bạn mắc lỗi.

- Hãy tìm cho mình một người cố vấn, một chuyên gia tâm lý và một nhóm bạn CEO để giúp bạn vượt qua tất cả những thách thức mà bạn sẽ phải đối mặt.

Suhail Doshi (ảnh: Business Insider)
 Suhail Doshi (ảnh: Business Insider)

VietTimes xin trích đăng bài chia sẻ kinh nghiệm của anh Suhail Doshi trên tạp chí Business Insider:

Năm 20 tuổi, tôi trở thành một CEO . Tôi đã bỏ học Đại học. Trước đó, tôi đã có một thời gian thực tập tại một công ty phần mềm. Tôi không thể tưởng tượng được hành trình của mình sẽ bắt đầu bằng việc coding (lập trình) cả ngày cho đến khi gây dựng được một công ty có 300 nhân viên. Tôi đã may mắn - tôi đã làm hỏng rất nhiều, nhưng đã được nhiều người giúp đỡ.

Đây là những gì tôi học được trên hành trình của mình:

Lúc đầu, tôi cảm thấy mọi kỹ năng đều quan trọng. Nhưng bạn không thể giỏi mọi thứ. Theo thời gian, tôi đã học được tầm quan trọng chủ kiến và những thứ cần phải từ bỏ. Nếu không học được điều này, bạn sẽ không thể mở rộng được quy mô công ty, ngược lại còn khiến nó sụp đổ.

Các Phó giám đốc – những người phụ tá của bạn sẽ không nói cho bạn điều này đâu. Chính vì vậy mà tôi phải tự đánh giá lại bản thân sau vài năm.

Tôi đã học được rằng mình không thể sửa đổi mọi thứ của bản thân. Khi tôi cố gắng cải thiện nhiều thứ cùng một lúc, tôi cảm thấy quá sức. Thay vào đó, tập trung vào hai đến ba thứ mỗi năm. Hầu hết các CEO mới sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để trở nên ăn ý hơn với đội ngũ của họ khi công ty phát triển. Hãy nói với mọi người rằng bạn đang làm việc này và điều đó sẽ giúp tạo thêm niềm tin.

Theo thời gian, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tất cả những gì mình đang làm là dành thời gian cho các cuộc họp và không hoàn thành bất kỳ công việc thực sự nào. Bạn đừng lo. Hãy nhớ rằng công việc của bạn bây giờ là giúp đỡ người khác thông qua các cuộc họp. Đừng chống lại nó - hãy nắm lấy nó. Bây giờ là lúc để làm cho các cuộc họp trở nên thú vị và hiệu quả.

Bạn nên làm theo phương châm này: "Bạn cần xây dựng một đội ngũ có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không cần bạn”. “Trao quyền cho những người khác trong nhóm của bạn sẽ giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng trong thời gian dài”. “Khi bạn quên, hãy tự hỏi tại sao bạn bắt đầu làm việc này”. Bạn muốn tiền bạc, sức mạnh hay thể hiện cái tôi?

Đừng tránh né những quyết định khó khăn - hãy đối đầu trực tiếp với nó. Tránh làm mọi thứ trở nên căng thẳng sẽ khiến các mối quan hệ trở nên bất ổn. Bạn phải thực sự khéo léo trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn.

Đối với các nhân viên trong công ty của bạn, đôi khi bạn sẽ không công bằng, hoặc bạn sẽ hành động sai. Những người bị ảnh hưởng có thể không thích bạn trong một thời gian dài. Những từ "Tôi xin lỗi, tôi đã làm hỏng" là một trong những thứ tốt nhất mà bạn có thể nói với ai đó. Nhưng những từ đó không phải lúc nào cũng khắc phục được vấn đề.

Bạn nên dành 90% thời gian để lắng nghe, 10% để nói chuyện. Sau chín năm rưỡi làm CEO, giải pháp tốt nhất tôi rút ra được là viết ra những điều trong cuộc họp. Nó khiến tôi tập trung vào những gì người khác đang nói, và cho thấy tôi đang lắng nghe.

Kiểm soát tâm trạng của bạn trong các cuộc họp với nhân viên và với đối tác. Đôi khi bạn sẽ có một cuộc họp tồi tệ, nhưng hãy cố gắng nhớ rằng đối tác tiếp theo mà bạn gặp gỡ có thể rất phấn khích hoặc căng thẳng khi gặp bạn.

(ảnh minh họa: Video Blocks)
 (ảnh minh họa: Video Blocks)

Trực giác của bạn về khách hàng và thị trường sẽ trở nên tồi tệ hơn khi công ty của bạn phát triển mạnh và bạn càng trở nên xa cách với người tiêu dùng. Hãy tiếp tục trao quyền cho nhóm cộng sự của bạn để đưa ra quyết định - nhưng hãy làm cho họ có trách nhiệm với quyết định đưa ra. Nên dành thời gian học hỏi từ họ.

Khám phá sự thật trở nên khó khăn hơn khi công ty phát triển. Nó cũng trở thành điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi bạn lãnh đạo công ty. Hãy tôn trọng sự thật và sử dụng nó để đưa ra quyết định, đây là một phần của văn hóa công ty. Tôi đã làm điều này bằng cách liên tục hỏi mọi người về thực tế của công ty.

Quyền lực tương đương với trách nhiệm. Trở thành một CEO có thể cô đơn. Bạn không được phép bị tổn thương. Để giúp bản thân vượt qua điều này, hãy tìm những người sáng lập khác để học hỏi kinh nghiệm. Ăn tối với họ và chia sẻ vấn đề một cách cởi mở. Tôi đã được giúp đỡ trong thời điểm khó khăn, và nó đã tạo ra sự khác biệt.

Tìm một người cố vấn tuyệt vời. Hãy chọn một người vực bạn dậy khi bạn xuống dốc, và kéo bạn xuống khi bạn quá tự tin. Lý tưởng nhất là người này đã từng là CEO/người sáng lập, vì vậy họ có thể đồng cảm với bạn. Hãy nhớ rằng: Người cố vấn cung cấp hướng dẫn, không phải cung cấp một kịch bản cho bạn.

Chúng ta đều là con người và có những bất an của riêng mình, vì vậy hãy tìm đến một chuyên gia tâm lý hoặc một bác sỹ trị liệu để giúp bạn điều hòa. Nếu bạn cảm thấy trị liệu là một cái gì đó không cần thiết, hồi xưa tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi đã sai. Tôi ước tôi đã làm điều đó sớm hơn trong cuộc sống. Nó sẽ là vô giá.

Cuối cùng, tiếp tục làm việc chăm chỉ để cải thiện công việc. Bạn không thể sửa chữa sai lầm của quá khứ nhưng bạn có thể làm tốt hơn trong tương lai. Đừng từ bỏ: Khi bạn phải đưa ra quyết định khó khăn, bạn hãy nghĩ đến những giá trị và nguyên tắc nào mà bạn cho là đúng.

Điều đó làm cho cuộc hành trình của bạn có giá trị!