Bãi bỏ Quyết định 55 về room 49%, rộng cửa cho nhà đầu tư ngoại

Mở room được xem là bước đột phá lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài và chắc chắn đây sẽ là động lực thúc đẩy các tổ chức giải ngân. Hoạt động M&A (mua bán, thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất) trên sàn sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn bỏ vốn vào các công ty đại chúng của Việt Nam nhưng bị hạn chế bởi quy định room (tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài) quá hạn hẹp. Nay thì hạn chế đó đã được tháo gỡ bằng Nghị định 60 vừa ban hành
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn bỏ vốn vào các công ty đại chúng của Việt Nam nhưng bị hạn chế bởi quy định room (tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài) quá hạn hẹp. Nay thì hạn chế đó đã được tháo gỡ bằng Nghị định 60 vừa ban hành

Quyết định 55/2009/QĐ –TTg ngày 15-4-2009 về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (room) trên thị trường chứng khoán giới hạn 49% tồn tại từ 8 năm nay đã chính thức bị bãi bỏ bằng Nghị định 60 ngày 26-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo Nghị định 60, room được qui định cụ thể như sau:

1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có qui định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;

2. Trường hợp công ty đại chúng trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật liên quan có qui định room, thì thực hiện theo qui định về pháp luật đó (thí dụ ngành ngân hàng qui định room 30%, thì các ngân hàng thực hiện theo qui định này – NV);

3. Công ty đại chúng trong các ngành nghề có qui định khác nhau về room, thì room không được vượt quá mức thấp nhất trong các ngành nghề có qui định room, trừ trường hợp quốc tế có qui định khác;

4. Đối với công ty đại chúng không thuộc 3 điểm trên, room là không hạn chế, trừ trường hợp điều lệ công ty có qui định khác;

5. Doanh nghiệp cổ phần hoá thì room thực hiện theo qui định pháp luật về cổ phần hoá (tức là room do cơ quan phê duyệt phương án cổ phần hoá quyết định, phụ thuộc vào từng doanh nghiệp cụ thể - NV).   

Một điểm mới khác là “nước ngoài được thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu không hạn chế vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán; được thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán 100% vốn nước ngoài”.

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), điều này phù hợp với các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO là từ 1-1-2015 nước ngoài được sở hữu 100% công ty kinh doanh chứng khoán ở Việt Nam.

Sáng nay ngày 27-6-2015 Bộ Tài chính, SSC đã có cuộc họp về triển khai các bước tiếp theo của việc thực hiện Nghị định 60, đồng thời rà soát việc chuẩn bị cho chương trình xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại Mỹ trong tuần tới. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Tài chính dẫn đầu cùng với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và nhiều công ty niêm yết, chuẩn bị IPO sẽ có cuộc đối thoại, gặp gỡ , trao đổi cơ hội đầu tư tại Việt Nam với khoảng 130 doanh nghiệp, quỹ đầu tư Mỹ.

Ông Bằng cho biết thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60 sẽ được ban hành trong tuần tới và các doanh nghiệp niêm yết có thể tiến hành đại hội cổ đông, lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, sửa đổi điều lệ công ty ngay sau đó. “Nghị định 60 có hiệu lực từ ngày 1-9-2015 và hai tháng là đủ thời gian cho các công ty trên sàn chuẩn bị cho thực hiện room mới” – ông Bằng nói.

Giới đầu tư, đặc biệt các quỹ nước ngoài, tỏ ra phấn khích trước qui định mới về room. Ngày hôm qua một số quỹ còn băn khoăn về Quyết định 55 do dự thảo Nghị định 60 trước đó không có đề cập đến điểm này. Tuy nhiên văn bản chính thức của Nghị định 60 đã bãi bỏ Quyết định trên. Sự băn khoăn đã được giải toả.

Đại diện SSC nhấn mạnh sau thị trường Mỹ, Bộ Tài chính sẽ tổ chức roadshow về chứng khoán Việt Nam và qui định mới về room tại một số nước khác trong khu vực và có thể cả ở châu Âu nhằm thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. “Mục tiêu và quyết tâm của chúng tôi trong năm nay là tạo sự tăng trưởng thanh khoản cho thị trường, nhằm tạo tiền đề nâng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi” – ông Bằng nói.

Theo TBKTSG