|
Giáo sư Tiêu Công Tần cho rằng, trách nhiệm khiến quan hệ Trung - Mỹ lâm vào tình trạng tồi tệ hiện nay thuộc về những người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích ở Mỹ và thế lực chống Trung Quốc cực đoan ở Mỹ (Ảnh: China Times). |
Giáo sư Tiêu Công Tần viết: “Kể từ khi Hạ viện Mỹ thông qua “Luật Đảm bảo Đài Loan” với tỷ lệ phiếu 414:0 vào tháng 9/2019, tái khẳng định cam kết thực hiện “Luật Quan hệ Đài Loan”, trong mắt nhiều người Mỹ đã hiểu lầm Trung Quốc giống như Nhật Bản trước Sự kiện Trân Châu Cảng.
Mọi người sẽ đặt ra câu hỏi rằng trong thế chiến thứ Hai, Nhật Bản là nước phát xít xâm lược Trung Quốc và xuống phía nam xâm lược Việt Nam, do đó đe dọa đến lợi ích của Mỹ, nên mới khiến Mỹ phản công; bây giờ Trung Quốc không xâm lược các nước khác, chỉ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền của chính mình, Mỹ có lý do gì để đàn áp Trung Quốc như thế này? Theo tôi (Tiêu Công Tần-ND), có ba nhân tố lớn khiến Mỹ đối đầu với Trung Quốc.
Trước hết, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến Mỹ lo ngại về vị thế bá chủ thế giới của họ bị thách thức, nhiều nhà nghiên cứu giữ quan điểm này. Đây thực sự là một nhân tố, nhưng nó không phải là quan trọng nhất... Sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể gây ra sự lo lắng trong tiềm thức của một số người Mỹ, đặc biệt là những người bảo thủ chống Trung Quốc cực đoan, nhưng đó không thể là lý do chính đáng để nhiều người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù.
|
Ngày 14/7/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Luật tự trị Hồng Kông, bãi bỏ chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho Hồng Kông để đáp trả việc Trung Quốc ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông (Ảnh: AP).
|
Thứ hai, là sau sự kiện Crimea, Trung Quốc hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ cho Nga trong tình thế khốn khó vì lệnh cấm vận. Hợp đồng mua dầu 270 tỷ USD là sự cứu giúp kịp thời cho Nga. Hành động thân thiện của Trung Quốc với nước láng giềng, nhưng bị phương Tây coi là sự xuất hiện của “trục ma quỷ”. Ngoài ra, các mối quan hệ kinh doanh của Trung Quốc với Iran bị Mỹ coi là “nghi phạm hạt nhân”; sự hợp tác của Trung Quốc với các nước bị Mỹ thù địch như Zimbabwe và Venezuela; Trung Quốc đã thúc đẩy việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa El Salvador ở Nam Mỹ với Đài Loan và thuê cảng biển bị nhầm lẫn có thể sử dụng cho mục đích quân sự ở nơi sân sau của Mỹ. Mỹ đã phản ứng thái quá và rút đại sứ Mỹ về nước. Những điều này cộng lại càng khiến người Mỹ lầm tưởng rằng Trung Quốc đang thực hiện một cuộc bành trướng toàn diện ra bên ngoài và cố tình thách thức Mỹ, từ đó tin rằng Trung Quốc đã thay thế Nga trên toàn cầu và trở thành kẻ thách thức số một đối với Mỹ. Lý do này quan trọng hơn lý do đầu tiên.
Thứ ba, và cũng quan trọng nhất, là Mỹ cho rằng Trung Quốc không chỉ trỗi dậy mạnh mẽ, mà còn trỗi dậy bằng sức mạnh được trang bị khoa học công nghệ hiện đại, với tư thế “đế chế Đỏ”, để phá vỡ trật tự quốc tế hiện hành.
Trong chính trị tư tưởng của Mỹ, hàng loạt hành động của Trung Quốc trong những năm gần đây, như thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, đẩy nhanh quá trình đưa Đài Loan về và chấn chỉnh tình hình hỗn loạn ở Hồng Kông, đều bị coi là hành động bành trướng ra bên ngoài của “Đế chế Đỏ” và từ đó nhận định Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa cho các khu vực dân chủ xung quanh và trật tự văn minh thế giới do Mỹ đứng đầu.
Được xúi giục bởi các chính trị gia Mỹ, những người bảo thủ đã thành công trong việc biến đánh giá sai lầm này thành sự đồng thuận xã hội chủ đạo. Mặc dù hai đảng ở Mỹ có sự khác biệt lớn về nhiều vấn đề, thậm chí có những chia rẽ xã hội nghiêm trọng, nhưng nhận thức này của họ về Trung Quốc hiện nay lại nhất trí cao.
Nhiều người trong nước chúng ta luôn lầm tưởng Mỹ là một xã hội tư bản và một dân tộc chỉ biết lợi nhuận, người Mỹ chỉ nghĩ cách làm ăn để kiếm nhiều tiền; thực ra đây là sự hiểu lầm về văn hóa truyền thống Cơ đốc giáo mạnh mẽ ở Mỹ. Trong khi người Mỹ chạy theo lợi nhuận, họ cũng là một dân tộc có khuynh hướng tư tưởng mạnh mẽ, có điều, khi xem xét lợi ích và ý thức hệ, một khi hai thứ chồng chéo lên nhau, họ mới lựa chọn hành động thù địch trực tiếp.
Ông Đặng Tiểu Bình khi trước đã cố gắng hết sức để tránh người Mỹ đánh giá Trung Quốc theo cách này. Ông luôn nói: “Trung Quốc không phải là người dẫn đầu, chúng ta không đủ khả năng để làm người dẫn đầu”, ông cũng nói “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời), và ông luôn nhấn mạnh “không hỏi tính chất là tư bản hay xã hội chủ nghĩa”, để tránh khơi dậy ở Mỹ tìm hiểu về ý thức hệ của Trung Quốc. Bằng cách này, trong một thời gian đáng kể, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đã được gia tăng thành công trong quá trình hợp tác cùng có lợi và tránh được những mâu thuẫn, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ có thể gây ra bởi sự phát triển của Trung Quốc.
|
Ngày 23/7/2020,Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chính sách tiếp cận Trung Quốc đã thất bại, kệu gọi thành lập Liên minh dân chủ toàn cầu chống Trung Quốc (Ảnh: AP).
|
Với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc, tình cảm dân tộc chủ nghĩa quá khích trong nước đã dần tăng lên. Trong những năm gần đây, để tăng cường sự gắn kết chính trị trong nước và quét sạch tham nhũng quyền lực, Trung Quốc đã tăng cường công khai và giáo dục “gene đỏ” và niềm tin cộng sản trong nước, đồng thời tổ chức kỷ niệm lớn Cách mạng Tháng Mười. Những hoạt động đó bị Mỹ hiểu lầm là nền chính trị Trung Quốc quay trở lại “thời đại chuyên chế Cách mạng Văn hóa”.
Hai điều “không quên lý tưởng ban đầu” được Trung Quốc đưa ra những năm gần đây, mặc dù đã có những giải thích có thẩm quyền từ các nhà lãnh đạo tại Đại hội 19, đó là “không quên mưu cầu hạnh phúc cho người dân Trung Quốc và không quên tìm kiếm phục hưng cho dân tộc Trung Hoa”. Tuy nhiên, nó vẫn bị Mỹ hiểu sai là Đảng Cộng sản Trung Quốc quay trở về với lý tưởng cách mạng ban đầu là “cách mạng bạo lực” và “xóa bỏ quyền tư hữu”... ....
Gần đây, trong bài diễn văn về chính sách Trung Quốc do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu vào ngày 23/7/2020, ông ta đã nói rõ hơn rằng “Trung Quốc cộng sản đã ở trong biên giới của chúng ta. Nếu thế giới tự do không thay đổi Trung Quốc cộng sản, Trung Quốc cộng sản sẽ thay đổi chúng ta”.
Điều này thực sự cho thấy giới tinh hoa bảo thủ ra quyết sách của Mỹ, theo lập trường “đúng đắn về chính trị” của hệ tư tưởng tự do phương Tây, đã định vị sai về “Đế chế Đỏ” Trung Quốc. Những người nắm quyền ở Mỹ đã coi Trung Quốc là kẻ thù không đội trời chung. Thật không may, tình huống này đã nhận được sự ủng hộ từ bộ phận đáng kể công chúng ở Mỹ.
Thực tế phũ phàng hơn là Kiron Skinner, cựu giám đốc Văn phòng thiết kế chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, từng có bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 4/2019. Bà công khai cho rằng Trung Quốc với tư cách là chủng tộc da vàng, không thể chấp nhận quan niệm nhân quyền và tự do của người da trắng; chỉ có người Nga là những người da trắng mới có thể chấp nhận điều này.
Một tín hiệu chính trị rõ ràng mà bà ta gửi đi là các nhà lãnh đạo Mỹ nên vận động người da trắng, trong đó có Nga, cùng ứng phó với cuộc chiến văn hóa của “những kẻ da vàng độc tài” Trung Quốc. Các chính trị gia Mỹ đã công khai kêu gọi người Nga và Mỹ chung tay với Mỹ để đối phó Trung Quốc, “cường quốc thứ hai” mới trên thế giới.
Theo cách này, việc liên thủ với Nga chống Trung Quốc không chỉ có lý do ý thức hệ chủ nghĩa tự do và “thuyết lợi ích của Mỹ trên hết”, mà còn mang sắc thái phân biệt chủng tộc nghiêm trọng.
Mặc dù quan điểm phân biệt chủng tộc cực đoan này cũng đã bị nhiều người am hiểu ở Mỹ đặt câu hỏi, nhưng về lâu dài, nếu quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục xấu đi, nó có thể trở thành một lựa chọn quan trọng cho chiến lược liên minh với Nga chống Trung Quốc của Mỹ trong tương lai.
Trung Quốc và Mỹ hiện đã bước vào thời kỳ đỉnh cao của xung đột ý thức hệ. Theo cách giải thích này của ý thức hệ Mỹ, cuộc đối đầu giữa họ và Trung Quốc được coi là cuộc đọ sức giữa “quốc gia chính nghĩa” và “quốc gia tà ác”, đưa quan hệ giữa hai nước vào một giai đoạn đầy nguy cơ lớn.
|
Ngày 26/4/2020, Trung Quốc đưa bộ phim "Lợi hại thay, đất nước chúng ta" có nội dung kích động chủ nghĩa dân tộc vào chiếu trong các trường học (Ảnh: CCTV).
|
Chủ nghĩa dân tộc quá khích làm trầm trọng thêm sự hiểu lầm của người Mỹ về Trung Quốc
Các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ hiện nay ở Mỹ đều đã rõ ràng coi Trung Quốc là “kẻ thù số một” của Mỹ sau nước Nga Xô viết trước đây. Giới tinh hoa Mỹ đang làm mọi cách để Trung Quốc quay trở lại tình trạng “bế quan tỏa cảng” trước khi Trung Quốc thực sự hùng mạnh, lâm vào tình trạng cô lập như họ mong muốn, để có thể ngăn cản Trung Quốc thách thức nước Mỹ đã lâm vào cảnh khốn khó.
Điều tệ hại hơn là, trong những năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc quá khích ở Trung Quốc ngày càng lan rộng, từ “Trung Quốc có thể nói không” và “Trung Quốc không vui”, chủ trương “kinh doanh bằng kiếm” vài năm trước, cho đến “Lợi hại thay đất nước chúng ta”; có thể thấy quỹ tích trào lưu suy nghĩ này đang dần mở rộng.
Một số nhà dân tộc chủ nghĩa quá khích ở Trung Quốc đã quay trở lại với những lời lẽ tư tưởng chống đế quốc “Chủ nghĩa đế quốc sẽ không bao giờ chết”, cùng trào lưu và tư tưởng dân tộc quá khích dân gian tương tác và củng cố lẫn nhau. Vị trí ưu thế của phái cao giọng quá khích (“Chiến lang”) Trung Quốc trong việc tuyên truyền dư luận đã khiến Mỹ phải nghiêm túc cảnh giác.
Những kẻ nổi tiếng trên mạng này không ngừng rêu rao những luận điệu như “Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trong tương lai gần” và “Mỹ và Trung Quốc tất sẽ xảy ra chiến tranh”:
- Mười năm trước, một số người đã cao rao rằng nếu Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ phân định khu vực phía đông Tây An làm chiến trường hạt nhân và tử chiến với Mỹ.
- Một nhân vật của công chúng gần đây nói rằng nếu Mỹ dám to gan công khai xâm nhập khu vực Biển Đông, nơi bị Việt Nam và Philippines chiếm cứ bất hợp pháp, thì Trung Quốc sẽ không ngần ngại chiến đấu. Ngay cả khi một tỷ người chết, Trung Quốc vẫn sẽ là nước đông dân thứ hai thế giới.
- Một học giả nọ có ảnh hưởng khá lớn trong dư luận Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng trên thế giới trong tương lai sẽ chỉ có hai quốc gia, một là Trung Quốc và một là nước ngoài. Cái gọi là hai bên cùng có lợi có nghĩa là Trung Quốc thắng hai lần và cái gọi là hợp tác có nghĩa là hợp kế để xóa bỏ nước Mỹ.
- Cách đây không lâu, một học giả phái “diều hâu” quá khích đã chỉ ra rằng trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, người Mỹ sợ nhất là cái chết, đánh chìm hai hàng không mẫu hạm của Mỹ, giết chết 10.000 người xem Mỹ có sợ hay không.
- Để thể hiện lập trường cứng rắn của Trung Quốc, một nhân vật quá khích đã công khai tuyên bố rằng vì đại đa số người dân Đài Loan ủng hộ Đài Loan độc lập và không chấp nhận “một quốc gia, hai chế độ”, nên hơn 90% người Đài Loan là kẻ thù của chúng ta.
- Trong tình hình quan hệ Trung-Mỹ ngày càng trở nên gay gắt gần đây, một số người cũng đã kêu gọi nhanh chóng chế tạo 1.000 quả bom nguyên tử và đối đầu với Mỹ; nói, sự phát triển của Trung Quốc sẽ "buộc Mỹ quay trở lại một nước nông nghiệp”.
|
Ông Tiêu Công Tần phê phán những người có tư tưởng dân tộc cực đoan ở Trung Quốc đã "đổ dầu vào lửa" góp phần làm quan hệ Trung - Mỹ xấu đi nghiêm trọng (Ảnh Sina).
|
Những lời lẽ của phái cao giọng như vậy ở Trung Quốc lại được sự ủng hộ của rất nhiều người trong xã hội. Người dân Trung Quốc bình thường, xét cho cùng, là nhóm người yếu kém nhất về thông tin và kiến thức quốc tế, rất dễ bị kích động và ảnh hưởng. Trái ngược lại, điều này đã trở thành vốn tự tin của những người quá khích. Họ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong giới hâm mộ bằng cách liên tục cao giọng đại ngôn. Với sự bành trướng ảnh hưởng của họ, về mặt khách quan đã vô tình không ngừng “tiếp đạn” cho phái chống Trung Quốc ở Mỹ sử dụng để công kích “sự bành trướng của của Đế chế Đỏ”.
Mặt khác, các thế lực cực đoan chống Trung Quốc ở Mỹ, để cô lập Trung Quốc và thành lập một “liên minh thần thánh” chống Trung Quốc, đã ma quỷ hóa Trung Quốc là “thứ kết hợp giữa chủ nghĩa phát xít mới và Đế chế Đỏ”.
Như thế, giữa Trung Quốc và Mỹ, trong vòng tuần hoàn ác ý, tương tác mạnh mẽ, đang đổ dầu vào lửa, nước dâng thuyền lên. Như chúng ta đã biết, nhiều cuộc chiến tranh và xung đột trong lịch sử thường xảy ra trong mối tương tác ác ý của sự đánh giá sai về văn hóa và tranh chấp lợi ích.
Mặc dù những người này đều phát biểu với tư cách cá nhân và không đại diện cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc, nhưng do sự hiểu lầm và nghi ngờ giữa Trung Quốc và Mỹ đã rất sâu sắc, Mỹ sẽ đưa ra những phán đoán sai lầm như: một người có thể phát biểu những lời như vậy, ở Trung Quốc giống như cá gặp nước, không bị cản trở, nhất định họ đại diện cho một khuynh hướng bất thành văn nào đó của chính phủ Trung Quốc. Do đó, Mỹ càng nhận định rằng Trung Quốc đã trở thành “nước Đức và Nhật Bản thứ hai” “sẽ là kẻ thù trực tiếp của Mỹ”. Điều không may là trong những năm gần đây, sự hiểu lầm này về Trung Quốc đã trở nên rất phổ biến và sâu sắc trong những người Mỹ bình thường”.