Bài 3: Những hệ lụy khôn lường khi Trump bị luận tội

VietTimes -- Với kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện tối 18/12, ông Donald Trump đã trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị luận tội. Mặc dù khả năng phế truất tổng thống Trump theo phán xét của Thượng Viện là hầu như không thể xảy ra song cuộc chiến luận tội lần này sẽ để lại những hệ lụy sâu sắc cho nước Mỹ. Tiến sĩ Terry Buss (Học viện Hành chính Công Mỹ) viết bài nhận định cho VietTimes.
Chuyên gia

Ngày 20 tháng 1 năm 2017, chỉ vài phút sau khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, phe Dân chủ đã bắt đầu kêu gọi luận tội và phế truất ông ta. Nhật báo Washington Post, một ủng hộ viên trung thành của Đảng Dân chủ chạy dòng tít lớn: “Chiến dịch luận tội Tổng thống Trump đã bắt đầu.”

Hôm Thứ tư vừa rồi, phe Dân chủ cuối cùng cũng đã đến đích sau hàng loạt nỗ lực luận tội Trump. Kết quả cuộc bỏ phiếu đối với hai cáo buộc sai phạm, chứ không phải tội phạm của Trump thể hiện rõ tính chất đảng phái: 230 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thuận trong khi 197 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống.  

Ngay trước khi phiên bỏ phiếu lịch sử này diễn ra, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhân vật dân cử quyền lực số hai trong hệ thống chính trị Mỹ, cuối cùng đã để lộ điều mà hầu hết công chúng Mỹ thừa biết từ lâu khi bà này công khai bình luận trong một sự kiện của Tạp chí Politico rằng “Các nỗ lực luận tội đã được triển khai trong suốt 22 tháng qua…”.

Nhưng, trong suốt hai năm qua, Pelosi luôn phủ nhận việc phe Dân chủ truy sát Trump. Bà này khẳng định rằng: “Không ai tham gia Quốc hội để luận tội một tổng thống của Hoa Kỳ cả.”

Giờ đây, theo quy định của Hiến pháp Mỹ, Trump sẽ phải đối mặt với một phiên xử vào tháng 1 tại Thượng viện. Ở đó, Trump sẽ được phán xử trắng án với mọi cáo buộc chống lại ông ta.

Những câu hỏi cấp bách đặt ra là: Phiên xử sẽ kéo dài bao lâu: vài ngày hay vài tháng; toàn bộ tiến trình đó sẽ tuân theo các quy định nào; phe Dân chủ và phe Cộng hòa sẽ bỏ phiếu như thế nào; và phiên tòa sẽ có tác động như thế nào đến cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2020.

Ngoài ra là những câu hỏi mang tính dài hạn như: Cuộc luận tội này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các tổng thống tương lai khi các đối thủ luôn tìm cách triệt hạ họ? Liệu Đảng Dân chủ sẽ có thể làm việc trở lại với Đảng Cộng hòa để thực thi các công việc của quốc gia? Và liệu Đảng Dân chủ có suy sụp từ bên trong khi người dân Mỹ quay lưng với nó hay không?

Trường hợp luận tội

Quay trở lại vấn đề luận tội. Nguồn cơn câu chuyện bắt đầu vào tháng 7 khi Trump yêu cầu Zelensky, tổng thống mới đắc cử của Ukraine điều tra các hoạt động của cựu Phó Tổng thống Joe Biden ở Ukraine dưới thời Barack Obama.

Biden đã đòi Ukraine phải sa thải một công tố viên đang điều tra tham nhũng liên quan đến chính phủ Ukraine. Một công ty năng lượng tên là Burisma, khi đó đang là đối tượng của cuộc điều tra. Con trai của Biden, Hunter là thành viên Hội đồng quản trị Burisma.

Joe Biden đe dọa Ukraine: nếu họ không cách chức vị công tố viên đang điều tra Burisma, Biden sẽ đình chỉ khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỉ đô la mà Ukraine đang rất cần. Vị công tố viên sau đó đã bị sa thải.

Trump cũng yêu cầu Ukraine điều tra tác động của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 mà ông này đã giành thắng lợi Trump tin rằng Ukraine đã cố gắng ủng hộ Hillary Clinton.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, người lãnh đạo phong trào luận tội.

Trump không phạm tội nào cả

Phe Dân chủ nêu ra hai cáo buộc chống lại Trump, theo đó ông này bị luận tội vì:

Cáo buộc số 1: Lạm dụng quyền lực

Trump đã cố gắng gây sức ép lên Ukraine buộc nước này phải giúp thu thập các thông tin tiêu cực về Biden để sử dụng cho chiến dịch bầu cử của Trump nhằm đánh bại Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Vấn đề với cáo buộc lạm dụng quyền lực là nó vốn không phải là một tội phạm và không được Hiến pháp liệt vào dạng vi phạm “đáng bị luận tội”. Những người ủng hộ Trump lý lẽ rằng: mọi tổng thống đều sử dụng quyền lực chính trị để mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc để áp chế đối thủ. Đây là đặc trưng của chính trị.  

Nhưng, phe Dân chủ đang luận tội Trump vì hành xử y chang như Joe Biden khi ông này còn là Phó Tổng thống. Phe ủng hộ Trump lập luận: Tại sao Trump thì bị luận tội còn Biden thì không?

Hãy thử xem xét những hành xử của Obama khi còn là tổng thống vốn còn hệ trọng hơn nhiều những gì Trump đã bị cáo buộc ở Ukraine.

Nhập cư bất hợp pháp. Kể từ năm 2001, Quốc hội không ngừng cố gắng nhưng thất bại trong việc thông qua đạo luật cho phép con của những người nhập cư bất hợp pháp được hưởng một số quyền mà nhờ đó họ có thể ở lại Mỹ học tập và làm việc một cách hợp pháp.

Năm 2012, Obama đã bỏ qua luật pháp hiện hành khi ra lệnh cho các nhà chức tranh nhập cư không được trục xuất gần 1 triệu người.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong quá khứ, Quốc hội đã bác bỏ những hiệp ước về biến đổi khí hậu vì họ cho rằng chúng sẽ gây ra những tác động tiêu cực lên nền kinh tế, tăng chi phí bất thường và bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.

Những hiệp định như Hiệp ước Paris đòi hỏi phải được Quốc hội thông qua. Nhưng Obama thấy rằng Quốc hội sẽ không bao giờ thông qua một hiệp định về biến đổi khí hậu, vì vậy ông đã làm việc với Liên hiệp quốc để đổi tên Hiệp ước thành một Thỏa thuận. Năm 2015, Obama đã cam kết nước Mỹ sẽ gánh chịu hàng nghìn tỷ đô la chi phí chỉ dựa vào chữ kí của mình ông, chứ không dựa trên sự đồng thuận của Quốc hội.

Vũ khí hạt nhân Iran. Obama đã tuyệt vọng tìm kiếm một thỏa thuận với Iran nhằm trì hoãn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Đổi lại, Obama sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và trả lại hàng tỉ đô la cho Iran. Thỏa thuận năm 2015 thiếu sự ủng hộ cần thiết từ Quốc hội và một hiệp định như vậy sẽ không thể được thông qua.

Obama đã qua mặt Quốc hội bằng cách đem ra Liên Hiệp Quốc và đạt được thỏa thuận với EU, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga; sau đó ông thách thức Quốc hội đảo ngược lại thỏa thuận ông đã kí với Liên Hiệp Quốc. Quốc hội Mỹ sau đó đã bác bỏ thỏa thuận này, nhưng nó vẫn có hiệu lực.

Trong cả ba trường hợp kể trên, Obama đều theo đuổi những chính sách không được Quốc hội ủng hộ nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với cơ hội thắng cử nhiệm kì 2 của ông năm 2012 hay đối với di sản của ông sau khi rời nhiệm sở vào năm 2016. Nhưng phe Cộng hòa đã không phát động phong trào luận tội Obama.

Trước đó, hồi tháng Ba, Đảng Dân chủ đã cố mở lại cuộc điều tra của Mueller nhằm vào cáo buộc Trump cấu kết với người Nga để mở đường cho cuộc luận tội. Mueller đã mất 2 năm, 34 triệu đô la và vô số giờ làm việc để cố gắng chỉ ra Trump là một điệp viên của người Nga, một bù nhìn của Putin và rằng Trump đã nhờ cậy Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống 2016 theo hướng có lợi cho ông ta.

Mueller đã không tìm thấy bằng chứng nào về sự cấu kết như cáo buộc. Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã mở lại cuộc điều tra của Muller nhằm nỗ lực luận tội Trump. Họ đã thất bại nặng nề. Tuy vậy, phe Dân chủ vẫn tìm cách đưa những cáo buộc của Mueller vào các điều khoản luận tội trong vụ Ukraine.

Những người Dân chủ tuyên bố rằng các hành vi của Trump trong vụ Ukraine là ví dụ điển hình cho những hành vi trước đó trong vụ Nga trong khi thực chất không phải vậy.

Phe Dân chủ cũng không chịu chấp nhận sự thực là ngay cả khi Trump có là điệp viên của Nga đi nữa thì những cáo buộc sai trái nhắm vào ông ta xuất hiện vào năm 2015-2016 trước khi ông ta được bầu làm tổng thống.

Cáo buộc số 2: Cản trở Quốc hội

Trump đã cấm các nhà làm chính sách chủ chốt trong chính quyền của ông ra điều trần trước Quốc hội về cáo buộc Trump lạm dụng quyền lực. 

Trump quả thực đã ngăn cản các nỗ lực của Dân chủ nhằm phỏng vấn những nhân sự trong chính quyền của ông ta, nhưng điều này không phạm luật: thực chất đó là chiến lược phổ biến khi quyền lực tổng thống đối đầu với quyền lực lập pháp. Obama đã ngăn cấm cố vấn chiến lược của mình là Ben Rhodes ra điều trần trước Quốc hội nhằm bảo vệ các cuộc thảo luận bí mật của họ.

Ông Donald Trump, phía sau là hình ảnh những điều khoản luận tội.

Obama cũng xác lập cái gọi là “đặc quyền hành pháp” vào năm 2012 và 2015 nhằm ngăn cản Quốc hội điều tra chính quyền của mình. Obama cũng ngăn không cho 47 Tổng Thanh tra thu thập các tài liệu thích hợp cho các cuộc điều tra sai phạm của họ.

Các Tổng thống Hoa Kỳ có quyền và nghĩa vụ bảo vệ các cố vấn và nhân viên của mình khỏi sức ép phải tiết lộ thông tin về quá trình ra quyết sách. Quốc hội có quyền chất vấn những quan chức này như một phần trong “các trách nhiệm giám sát” của nó. Khi các tổng thống chống lại yêu cầu của quốc hội, cả hai bên thường phải ra tòa để giải quyết xung đột này. Có những lúc tòa án đứng về phía Quốc hội nhưng cũng có nhiều khi nó đứng về phía Tổng thống.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ nghe điều trần về ba trường hợp này để làm rõ hơn trong những điều kiện nào thì tổng thống có thể thực thi “đặc quyền hành pháp” chống lại Quốc hội.

Phe Dân chủ vội vã luận tội Trump đến mức họ đã không thèm ra tòa án để tìm kiếm một giải pháp. Thay vì thế, họ dựa vào các chứng cứ “nghe nói” từ những người gọi là nhân chứng mà không hề có thông tin sơ cấp về vụ Ukraine. Nhiều người trong số đó thậm chí còn chưa từng gặp Trump!

Những người Dân chủ có lẽ sợ rằng nếu ra tòa án, họ có thể mất quyền kháng án. Họ cũng lo ngại rằng tòa án có thể trì hoãn các nỗ lực luận tội của họ. Những người hoài nghi cho rằng phe Dân chủ không có bằng chứng nào cả nên không thể đem nó ra tòa.

Ở bất kì phương diện nào, những người Dân chủ cũng đã tước đoạt của Trump một quyền cơ bản dành cho bất kỳ tổng thống nào.   

Điều đó còn trở nên tệ hơn khi phe Dân chủ phỏng vấn “các nhân chứng” trong bí mật. Các phiên điều trần được tiến hành sau cánh cửa đóng kín. Không một đại diện lập pháp nào được phép, theo luật, tiết lộ những gì đã được nói ra.

Các bản ghi chép điều trần không được công bố, hoặc được công bố có chọn lọc từng phần nhằm có lợi cho phe Dân chủ.  Những người Dân chủ đã giữ lại các bằng chứng có thể “bào chữa” cho Trump.

Mỉa mai ở chỗ là chính phe Dân chủ đang thực sự cản trở công lý khi khước từ cho Trump quyền chất vấn các nhân chứng và được xem tất cả các thông tin chống lại mình. 

Những người Dân chủ cũng đề cập đến sự cản trở của Trump đối với cuộc điều tra cáo buộc cấu kết với Nga của Mueller, trong khi lờ đi không ghi nhận thực tế là Tổng chưởng lý William Barr, các luật sư của Bộ Tư pháp và các chuyên gia đều đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự cản trở này.

Vì sao phe Dân chủ vội vã luận tội Trump?

Bê bối Ukraine bắt đầu vào tháng Tám khi một “người tố giác” chính thức đệ trình khiếu nại cáo buộc Trump lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân.

Phe Dân chủ đã quyết định không tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và độc lập như đã từng diễn ra trong các cuộc luận tội trước đây đối với Tổng thống Richard Nixon (1974) và Bill Clinton (1994). Thay vì thế, Ủy ban Tình báo Hạ viện do Dân chủ kiểm soát đã cho gọi một vài nhân chứng “nghe nói”, tổ chức các phiên điều trần bí mật, sau đó chuyển các cáo buộc luận tội sang Ủy ban Tư pháp để bỏ phiếu, theo đó Trump bị buộc tội. Và thứ Tư vừa qua, một cuộc bỏ phiếu trước toàn thể Quốc hội đã được tổ chức.

Dân chủ tuyên bố rằng các hành vi của Trump nghiêm trọng đến mức ông ta cần được xử lý ngay lập tức: một “tình trạng khẩn cấp”.

 Tôi đã xem xét lịch làm việc của Quốc hội để xem khi  nào Quốc hội nhóm họp kể từ tháng Tám cho đến tháng Mười hai. Quốc hội đã có phiên họp nào suốt 84 ngày trong thời gian mà quá trình luận tội diễn ra. Nếu việc luận tội là một hành động khẩn cấp, thế thì những người Dân chủ có thể và nên bỏ qua các kì nghỉ của họ để tiến hành luận tội.

Do đó, có thể nói rằng đằng sau việc này ẩn chứa những động cơ khác.

Dân chủ có lẽ cần phải chứng minh Trump có tội trước kì nghỉ Giáng sinh cuối tháng Mười hai. Họ hi vọng phế truất tổng thống trước kì bầu cử tháng Mười một mà họ tin là Trump có thể thắng cử.

Nếu thất bại trong mục tiêu này thì họ cũng đã hoàn thành mục tiêu bôi nhọ uy tín và di sản của Trump vĩnh viễn bằng việc biến ông này trở thành tổng thống thứ ba bị luận tội trong suốt 230 năm qua. Nhà bình luận Charles Blow trên tờ New York Times đã chỉ rõ lập trường của Dân chủ: “Luận tội ở Hạ viện là một chiến thắng!”

Và, phe Dân chủ, bằng cách của Al Greene, đã tuyên bố rằng nếu Trump không bị chứng minh có tội và thắng cử, họ dự định sẽ tiếp tục luận tội ông ta nhiều lần nữa, cho dù ông ta chưa làm gì cả.

Và một chỉ dấu cho thấy phe Dân chủ nghiêm túc đến mức nào trong việc tiến hành luận tội: Video ghi lại cảnh Nghị sĩ Cedric Richmond đang xem một giải đấu golf trên laptop trong khi đang ngồi nghe nhân chứng điều trần. Ít nhất thì ông này cũng không ngủ gật như Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerry Nadler trong phiên điều trần trước đó.

Những hệ lụy sâu sắc đến nền dân chủ

Những nỗ lực luận tội Trump của Dân chủ chỉ xác thực những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của các nhà lập quốc Hoa Kỳ khi họ viết bản Hiến pháp. Alexander Hamilton, trên tờ Liên bang, từng cảnh báo về nguy cơ một chính đảng nắm đa số tìm cách phế truất một tổng thống không vì lí do nào khác ngoài việc họ có quyền lực để làm điều đó, thậm chí cả khi không tìm thấy bằng chứng nào về hành vi phạm tội.

Với cuộc bỏ phiếu tối thứ Tư tại Hạ viện, ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ ba trong vòng 230 năm bị luận tội.

Các chuyên gia giờ dự đoán rằng các tổng thống tương lai sẽ trở thành mục tiêu bị quấy rối tương tự như Trump. Hãy nhớ lại rằng việc luận tội Richard Nixon và Bill Clinton nhận được sự đồng thuận từ lưỡng đảng.

Tiến trình luận tội do Dân chủ dẫn dắt đã vi phạm một loạt các nguyên tắc về công lý và công bằng, và ở vị trí của họ, đã cổ xúy cho đầu óc đảng phái, sự dối trá và chủ nghĩa cực đoan, tất cả chỉ để xoa dịu những ủng hộ viên Dân chủ ghét Trump.

Với một nước Mỹ đã bị chia rẽ sâu sắc, hành động này sẽ chỉ khiến cho nhiệm vụ thống nhất và hàn gắn đất nước của Trump hay các tổng thống khác trong tương lai trở nên bất khả thi.

 Bởi vì cuộc luận tội này thực chất là sự khước từ kết quả bầu cử 2016 và cuộc bầu cử 2020 sắp tới, phe Dân chủ đã làm xói mòn nghiêm trọng và theo một cách vô trách nhiệm tính chính danh của hệ thống bầu cử Mỹ.

 Những người Dân chủ đã từng gọi hệ thống bầu cử là bất hợp pháp kể từ khi Hillary Clinton thất cử và luôn cố thay đổi Hiến pháp, tòa án và luật bầu cử theo hướng có lợi cho ứng viên của họ. Điều này sẽ không dễ dàng chấm dứt.

Sẽ khá là thú vị khi chứng kiến liệu các cử tri Mỹ có trả đũa bằng cách bầu Trump lần nữa và trao lại quyền kiểm soát Hạ viện về cho phe Cộng hòa hay không.

Sau cùng, liệu ai có thể tưởng tượng phe Cộng hòa và Trump còn muốn làm việc với phe Dân chủ một lần nữa? Nếu trước đây tình trạng bế tắc trong hệ thống chính trị đã từng lan tràn thì trong tương lai, nó chỉ càng trở nên tệ hơn mà thôi.

 Trường Minh (chuyển ngữ).