|
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy |
+ Ông có cho rằng, việc các bệnh viện thu tiền thực tập sẽ khiến sinh viên y khoa thêm khó khăn trong quá trình học tập vốn đã rất vất vả, lại còn dài thời gian hơn các trường đại học khác từ 1-2 năm?
- Nếu các đơn vị thực tập – các bệnh viện thu phí của sinh viên thì chắc chắn sẽ khiến sinh viên gặp khó khăn. Bởi các sinh viên y khoa đều phải trải qua thời gian thực tập gần như xuyên suốt những năm đại học và hầu hết sinh viên đều chọn những những bệnh viện nổi tiếng để thực hành. Khi thực tập, sinh viên sẽ học được rất nhiều không chỉ về kiến thức mà còn cả những kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân trong thực tế và khi thực tập, sinh viên đều làm việc rất tốt, trong khi các bệnh viện lại không phải trả tiền công cho sinh viên.
Vì thế, tôi cho rằng không nên bắt buộc sinh viên phải nộp thêm một khoản cho đơn vị thực tập – các bệnh viện.
Mặt khác, các trường đại học không có kinh phí trả cho các bệnh viện, nhất là cơ chế tự chủ hiện nay, thì sinh viên đương nhiên sẽ phải bỏ tiền nộp phí thực tập tại bệnh viên.
Đây sẽ là một khoản tiền "đáng kể" với các bác sĩ tương lai vốn đã rất vất vả, lại không được hưởng lương, nên càng khiến sinh viên - nhất là sinh viên nghèo - gặp khó khăn hơn trên con đường học tập, thực hành để trở thành bác sĩ có tay nghề.
+ Ông có cho rằng việc các bệnh viện thu phí của sinh viên là bất cập?
- Trong bối cảnh nhiều bệnh viện tự chủ nên đã đưa ra vấn đề thu phí thực tập của sinh viên, khi cho rằng khi sinh viên đến thực tập tại phòng mổ của bệnh viện thì phải trang bị mũ, khẩu trang, quần áo,… Ngoài ra, bệnh viện có sinh viên đến thực tập thì phải tăng cường công tác dọn dẹp vệ sinh, khử trùng để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và người nhà người bệnh. Tất cả những hoạt động đó đều mất phí.
Nhưng phía bệnh viện chỉ nhìn thấy những cái "thiệt" của mình để đưa ra cái “lý” nhằm thu tiền sinh viên, mà không có cái nhìn tổng thể.
Nếu nhìn ở một góc độ khác sẽ thấy khi có sinh viên đến thực tập, các bệnh viện lại được nhiều cái “lợi”. Ví dụ như trong một kíp mổ quan trọng, bệnh viện sẽ phải thuê đến 20 người, nhưng nhờ có sinh viên thực tập, bệnh viện chỉ phải thuê 10-12 người.
Mà có bệnh viện, một ngày mổ hàng trăm ca, một năm mổ mấy trăm nghìn ca, sẽ thấy lợi ích là rất lớn. Các sinh viên lại chăm sóc người bệnh, trực đêm, giúp các bác sĩ của bệnh viện giảm tải rất nhiều, người bệnh cũng được chăm sóc nhiều hơn.
Đặc biệt, bệnh viện không phải trả tiền công cho sinh viên. Vì thế, nếu tính toán kỹ, nhìn vào đúng bản chất của vấn đề, thì bệnh viện sẽ “được” nhiều hơn “mất”.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy
|
+ Ông đánh giá thế nào về sinh viên trường Y thực tập tại các bệnh viện hiện nay?
- Những sinh viên học trường y – các bác sĩ tương lai đều rất tài năng, bởi đầu vào của các trường đại học y hầu hết đều yêu cầu cao, nên chỉ những sinh viên giỏi mới có khả năng trở thành sinh viên y khoa. Quá trình học, hầu hết sinh viên các trường đại học y đều vừa học, vừa làm rất vất vả. Họ luôn đặt ra những câu hỏi về những vấn đề vô cùng “hóc búa”, để giải đáp, mà ngay cả những bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cũng phải “bó tay”.
Do đó, khi đến các bệnh viện để thực tập, sinh viên không chỉ hoc hỏi, rèn luyện tay nghề, mà còn giúp bệnh viện nâng tầm kiến thức.
Bởi vậy, chúng ta không nên có cái nhìn phiến diện về việc thực hành tại bệnh viện của các bác sĩ tương lai như: sinh viên vào bệnh viện làm mất trật tự, tốn điện, nước, rồi khiến bệnh viện phải trông xe, dọn dẹp vệ sinh vv...mà cần phải nhìn thấy những cái lợi từ phía họ mang lại cho bệnh viện.
Với tư cách từng là một sinh viên, một thầy giáo, bác sĩ, một giám đốc bệnh viện và nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, tôi cho rằng việc đào tạo trong quá trình thực tập cho sinh viên và các bác sĩ là vô cùng cần thiết. Bởi những bác sĩ tương lai cần phải học tập, học từ trong trường và từ những người giỏi hơn mình, những bác sĩ đi trước. Do đó, các bệnh viện cũng cần nhìn thấy trách nhiệm đào tạo nhân lực cho ngành y tế, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, để tạo mọi điều kiện tối đa cho các sinh viên y khoa được thực hành.
Chỉ có như vậy các bác sĩ tương lai mới có đủ trình độ chuyên môn, năng lực để cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân.
+ Là người từng đảm trách vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng là người trải qua nhiều năm làm Giám đốc một bệnh viện lớn, xin ông cho biết quan điểm trước vấn đề các bệnh viện được phép thu phí của sinh viên đến thực tập?
- Trong Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe cho phép bệnh viện thu phí thực tập của sinh viên. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế. Vì thế, tôi mong muốn thời gian tới, các quy định về tổ chức, đào tạo sinh viên trong khối ngành sức khỏe sẽ có sự thay đổi, để giúp các sinh viên có điều kiện thực tập tốt nhất, là cơ sở để trở thành các bác sĩ giỏi, có tâm trong tương lai.
+ Cảm ơn ông!
Chia sẻ về vấn đề thu phí thực tập của sinh viên, BS. Hà Quốc Phòng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình - cho biết: “Thực tế, sinh viên trường Y có thời gian học dài, phần lớn sinh viên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà nghèo. Tôi cho rằng không nên thu phí thực tập để đảm bảo cho các em có đầy đủ chi phí, điều kiện học tập đầy đủ." Trong quá trình thực tập, mỗi sinh viên đều tiêu hao nhiều vật tư, trang thiết bị y tế. Theo Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, các bệnh viện được thu phí thực tập của sinh viên. Tuy nhiên, hiện chưa có lộ trình thực hiện việc thu phí. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cũng chưa có quy định cho phép các bệnh viện tăng phí thực tập của sinh viên. "Từng là một sinh viên theo học ngành Y nên tôi hiểu và thông cảm đối với các em sinh viên hiện nay. Vì thế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tạo mọi điều kiện ủng hộ Trường Đại học Y Thái Bình và Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình không thu phí thực tập của sinh viên." - BS. Hà Quốc Phòng nói. |
Đón đọc bài 4: "Thu tiền sinh viên thực hành ở bệnh viện: Đừng nhìn vào con số"