BS Phạm Chí Kiên từng làm việc tại BV Ung Bướu TP.HCM 25 năm, hiện nay đang sống và tiếp tục làm việc trong ngành y tại Pháp. Theo sát những diễn biến của dịch bệnh COVID-19, BS Phạm Chí Kiên đã dành cho VietTimes một cuộc trao đổi qua email về vaccine phòng COVID-19 của Nga đang gây tranh cãi.
Vaccine Sputnik V có phải “món hàng thương mại”?
Phóng viên: Việc vaccine Sputnik V của Nga được công bố đầu tiên trên thế giới đã làm cho toàn bộ các đối thủ sản xuất vaccine trên thế giới phải “vắt giò” lên cổ, chạy nhanh hơn. Có thông tin cho rằng giá trị của hàng tỉ liều vaccine được sản xuất tại Nga đợt tới sẽ lên tới hàng chục tỉ USD. Ngoài ra, nhiều luồng dư luận đang cho rằng đây còn là quân bài chính trị, nâng cao uy tín về bề dày nghiên cứu khoa học của Nga trên phạm vi thế giới. Quan điểm của bác sĩ về việc này thế nào?
BS Phạm Chí Kiên: Rất khó trả lời cho chính xác, mọi suy nghĩ chỉ là dự đoán. Tôi không nghĩ vaccine Nga là quân bài chính trị. Nói vaccine Nga là món hàng thương mại thì cũng không đúng lắm, vì chuyện chẳng có gì to tát cả. Giá thành vaccine này không đắt nếu nằm trong khoảng dự đoán từ 3 euro đến 35 euro”.
Rất nhiều nước như Anh, Mỹ, Nhật v.v. đều đang trong “cuộc đua” sản xuất vaccine COVID-19. Ngay cả Việt Nam cũng thế, nếu sản xuất thành công một vaccine hữu dụng, chúng ta có thể cất vào ngăn kéo không, hay là phải mang ra ứng dụng, trước hết là để bảo vệ sức khỏe con người, sau nữa, lợi ích kinh tế cũng có thể đến từ đó chứ.
Tôi nghĩ đây là cuộc chay đua mang màu sắc tự ái thì đúng hơn, vì nếu nhìn trong vòng 30 năm nay, nền y học Nga chẳng đóng góp gì to tát cho thế giới. Phải chăng ở thời điểm này, người Nga muốn làm một điều gì đó khác đi để chứng tỏ, nên vô tình khiến giới khoa học ngờ vực.
Trước bối cảnh hiện tại khi mạng sống con người bị tấn công mạnh mẽ bởi virus SARS-CoV-2, nhiều loại thuốc đã được đem thử nghiệm, kể cả thuốc điều trị HIV, việc sử dụng HCQ 200 mg (Hydroxychloroquine) trong điều trị COVID-19 thời gian vừa rồi ở Pháp đã làm nổ ra những “cuộc chiến” trong giới y khoa, tranh luận cực kỳ căng thẳng. Lẽ đương nhiên là ai cũng mong chờ vaccine. Cá nhân tôi cho là nếu sớm có vaccine, của bất cứ quốc gia nào cũng đều tốt, nhưng như tất cả mọi người đều quan tâm: phải an toàn và hiệu quả.
Đạo đức ngành y chính là cứu người
+ Bác sĩ đánh giá sao về việc vaccine Nga đã lược bớt một số bước thử nghiệm và phê duyệt sử dụng đại trà chỉ sau 2 tháng nghiên cứu?
BS Phạm Chí Kiên từng làm việc tại BV Ung Bướu TP.HCM 25 năm, nay đang sống và làm việc tại Pháp
|
BS Phạm Chí Kiên: Trước khi thử nghiệm trên người, vaccine phải trải qua quá trình điều tra cẩn thận trong phòng thí nghiệm, sau đó là thử nghiệm trên động vật. Sau thử nghiệm tiền lâm sàng, vaccine mới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, trực tiếp trên cơ thể con người qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thử nghiệm ở một nhóm rất nhỏ, đôi khi chỉ khoảng 5-6 người, giúp loại bỏ các vấn đề an toàn chính và tìm ra liều lượng phù hợp cho bước tiếp theo trong quy trình thử nghiệm.
Giai đoạn 2: Tiêm vaccine cho nhiều người hơn, từ 100 đến 200 người, có khi thử nghiệm đến cả 1000 người.
Giai đoạn 3: Thường có cả chục ngàn tình nguyện viên khỏe mạnh để nhà sản xuất có cơ hội nhận định tốt hơn về hiệu quả cũng như các vấn đề hiếm gặp không xuất hiện trong giai đoạn II, để quyết định cho việc đưa vaccine vào sử dụng đại trà để ngăn ngừa bệnh. Cuối cùng, vắc-xin mới được phê duyệt, chấp thuận và vẫn cần theo dõi, đánh giá sau khi đưa vào sử dụng đại trà.
Còn phải định tính và định lượng được nồng độ kháng thể. Chỉ định tính rằng 100.000 người có kháng thể chưa đủ, phải biết lượng kháng thể đó là bao nhiêu, có đảm bảo rằng với lượng kháng thể đó khi nhiễm virus cơ thể có đủ khả năng chống bệnh hay không?
Nói rằng chích 2 mũi trong 4 tuần, nhưng bao lâu sau thì người được chích ngừa có thể an tâm đi ra ngoài, đi làm việc, tiếp xúc với cộng đồng như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19?
Ví dụ rõ nhất: con chúng ta sanh ra, trong năm đầu tiên để có đủ kháng thể chống lại bạch hầu, uốn ván, ho gà v.v. chúng phải chích 3 mũi đó. Vậy với COVID-19, chích 2 mũi trong 4 tuần (khác hẳn với cúm mỗi năm chích 1 lần) liệu 2 mũi đó có đảm bảo chắc chắn người đã chích ngừa sẽ không nhiễm không? Tất cả các câu hỏi đó còn chưa có câu trả lời mà đã sử dụng đại trà được sao?
Với viêm phổi thường do Pneumococus cũng vậy, môt đứa bé trong năm đầu đời cũng cần có 3 mũi tiêm. Vậy với viêm phổi do COVID-19 sẽ là bao nhiêu mũi? Chúng ta chưa có câu trả lời luôn. Có nghĩa là Nga cũng đang mò mẫm. Vậy đang mò mẫm sao lại sử dụng đại trà và bán ra thị trường?
Một nhà khoa học làm việc tại Viện Gamaleya trong quá trình thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Sputnik)
|
Phóng viên: Có ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng Nga tiêm đại trà vaccine khi đang nghiên cứu là vi phạm về mặt đạo đức, thưa bác sĩ?
BS Phạm Chí Kiên: Nếu xét về đạo đức thì việc Nga công bố vaccine Sputnik V bỏ qua một số bước thử nghiệm là vi phạm đạo đức. Lẽ ra phải vận động người tự nguyện tham gia thử nghiệm thì Nga lại cấp phép sử dụng ngay và số người được sử dụng sẽ là nguyên liệu để quan sát kết quả. Ranh giới giữa sử dụng ngay cho người và sử dụng người tình nguyện chính là pháp luật và đạo đức.
Xưa nay chưa thử nghiệm khoa học nào dám phá lệ như vậy. Giả sử nếu Nga thành công thì cũng chẳng ai dám tin vào tuyên bố thành công của họ vì với cách làm sai chắc chắn họ không dám phơi bày một kết quả xấu.
Nga làm khác đi như thế khiến ai cũng phải nghi ngờ. Không phải nghi ngờ rồi mong cho Nga thất bại để hả hê. Đạo đức Y học không cho phép như thế. Nhưng vì Nga làm trái nguyên tắc thì bất cứ ai cũng nghi ngờ được.
Các siêu cường đang lao vào một cuộc chạy đua điều chế vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Getty)
|
Phóng viên: Trong bối cảnh hiện tại đại dịch COVID-19 đánh gục cả thế giới, cướp đi quá nhiều sinh mạng con người ở mọi quốc gia, nghiên cứu vaccine lúc này liệu có cần phải khác với lúc bình thường không thưa bác sĩ?
BS Phạm Chí Kiên: Đúng, đạo đức ngành y là cứu người nhưng không cứu bằng cách như vậy, nếu xảy ra tai biến, hoặc không xảy ra tai biến nhưng không hiệu quả thì sao? Nói cách khác, khi bạn không có một kết quả toán học rõ ràng, bạn có chấm điểm cho bài toán đó không? Bạn có thể trả lời tôi là bạn chấm cách giải, nhưng cách giải không đúng với lý thuyết thì làm sao cho điểm được? Bạn không biết thuốc này tác dụng ra sao, tác dụng phụ thế nào thì bạn có dám dùng không? Nếu bác sĩ nói bạn cứ dùng đi, có gì bác sĩ chịu trách nhiệm, bạn có tin không?
Mà ở đây là chuyện vaccine sẽ chích ngừa đại trà cho một số lượng rất lớn, có thể lên tới hàng tỉ người. Nếu có sai sót xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hàng tỉ người trên khắp hành tinh.
Nếu giả sử, chậm lại 6 tháng, hay 8 tháng nữa, hậu quả xấu nhất mà Nga phải nhận, ai cũng có thể tính ra ngay, nhưng chắc chắn thế giới không phải lo có hàng tỉ người bị ảnh hưởng bởi thứ vaccine chưa được các nhà khoa học chấp nhận.
Những người có trách nhiệm của các quốc gia không thể không lo lắng. Trong vụ này hoàn toàn không có chuyện yêu Nga hay ghét Nga ở đây. Chỉ có điều, đáng buồn là chúng ta cứ bàn luận theo những gì chúng ta nghĩ, chúng ta biết thôi chứ tôi đồ rằng người Nga thì họ sẽ vẫn cứ làm !