Vấn đề thu phí sinh viên thực tập đã dấy lên những luồng ý kiến khác nhau, gây tranh cãi trong cộng đồng y khoa. Nghị định 111/2017/NĐ-CP “Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe” có hiệu lực từ tháng 11-2017 đã tạo ra một cơn “sốc” ngầm, âm ỉ giữa các Trường Đại học Y với các bệnh viện (BV) là cơ sở thực hành, khi cho phép các BV thu tiền của sinh viên, học viên đến thực tập.
Một số bác sĩ có ý kiến cho rằng thu tiền sinh viên thực tập là đúng, bởi sinh viên đến thực tập khiến các bác sĩ bị “vướng tay, vướng chân”, giảm hiệu quả, hơn nữa còn tốn tiền điện, nước. Ngược lại, nhiều bác sĩ lại đồng thuận quan điểm cho rằng tại các nước phát triển, người ta trả lương thực tập cho sinh viên ngành y, do sử dụng lực lượng lao động không hề nhỏ. Để làm rõ hơn vấn đề này, VietTimes có cuộc trao đổi với TS.BS.CKII Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM.
+ Thưa bác sĩ, quan điểm của lãnh đạo BV Ung bướu TP.HCM là nên thu tiền sinh viên thực tập hay không?
- Từ trước đến nay BV Ung Bướu TP.HCM không bao giờ thu tiền sinh viên thưc tập. Thu phí sinh viên thực tập là không hợp lý. Sinh viên đến các BV thực hành, xét về mặt nguyên tắc, bên cạnh chuyện học hành, sinh viên có thể hỗ trợ một phần các hoạt động ở BV.
Có một thực tế là cơ sở thực hành quá ít, sinh viên tập trung quá nhiều vào một số BV đầu ngành. BV Ung Bướu là nơi thực tập chính của nhiều sinh viên các trường khác nhau như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Tân Tạo, HĐ Hồng Bàng… Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 đến 300 đối tượng thực tập khác nhau.
TS.BS.CKII Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
|
+ Thưa bác sĩ, một số BV công bố có thể hỗ trợ sinh viên một phần lương thực tập, do sự cống hiến của lực lượng lao động đông đảo này. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Đó là điều kiện lý tưởng. Thế nhưng sẽ khó để thực hiện phương án này ngay. Bởi các BV hiện nay đều hoạt động với cơ chế thu chi tự trang trải.
Bàn tới việc trả thêm một phần lương bồi dưỡng cho các sinh viên thực tập sẽ không có tính khả thi. Theo tôi biết, hiện tại ở TP.HCM chưa có bất cứ BV nào ứng dụng cơ chế trả lương thực tập cho sinh viên.
Tại BV Ung Bướu, sinh viên thực tập được miễn phí gửi xe, hưởng bữa ăn ca trực. Chúng tôi cố gắng làm những gì tốt nhất trong khả năng có thể để hỗ trợ sinh viên được tiếp xúc với công việc.
+ Thưa bác sĩ, tại các nước khác trên thế giới, ngành y ứng xử thế nào với sinh viên thực tập?
- Mô hình đào tạo sinh viên Y khoa của các nước tiên tiến trên thế giới như: New Zealand, Úc, Mỹ… thì từ năm thứ 4 tới năm thứ 6 sinh viên sẽ đến làm việc ở các BV. Họ sẽ được trả phụ cấp, chẳng hạn 100 đôla mỗi tuần. Nếu sinh viên thực tập có đóng góp xứng đáng trong các hoạt động chuyên môn của BV, thì việc chi trả cho sinh viên là hoàn toàn phù hợp.
+ Thưa bác sĩ, cũng có ý kiến cho rằng nếu không phải là trách nhiệm của từng cá nhân đóng góp cho BV, thì trường có trách nhiệm đóng góp khoản phí thực tập cho sinh viên hay không?
- Mọi hợp tác giữa BV với trường đều được ký kết hợp đồng nguyên tắc, trong đó có thể hiện trường sẽ trả một khoản phí huấn luyện đào tạo nhưng chỉ mang tính tượng trưng.
Không thể nghĩ theo kiểu “sòng phẳng” cho rằng sinh viên tới thực tập là làm việc cho BV, BV phải trả lương cho sinh viên. Mà cũng không thể cho rằng sinh viên tới thực tập là làm phiền, nên trường phải đóng tiền. Nếu rạch ròi lạnh lùng như thế thì nhà trường chắc sẽ thu từ sinh viên thôi.
Như vậy thì sinh viên sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho mỗi kỳ thực tập? BV có giầu lên được nhờ thu phí của sinh viên thực tập đâu? Mà nếu giả sử BV có thể thu được một khoản phí rất lớn từ sinh viên đi chăng nữa, thì vẫn không nên thương mại hóa quan hệ trong BV.
Việc nhận sinh viên thực tập chính là trách nhiệm và cũng là quyền lợi đào tạo của ngành y. Đây là khoản đầu tư cho chính mình, cho tương lai của ngành y. Nhiều em sau khi tốt nghiệp biết đâu lại về làm cho chính BV mình? Nếu lúc thực tập các em được tạo điều kiện thực hành tốt thì tới lúc về làm việc, đó chính là nhân sự có chất lượng kế thừa đội ngũ các bác sĩ tương lai.
Nhiều kỹ thuật cao được đưa vào ứng dụng trong khám chữa bệnh đòi hỏi sinh viên thực tập ngành y phải được tạo điều kiện để tiếp cận với công việc
|
+ Vậy với đối tượng bác sĩ là các giảng viên của các trường Đại học thì sao thưa bác sĩ?
- BV Ung Bướu là nơi “cắm chốt” của các bộ môn: Ung thư (ĐH Y Dược TP.HCM), Ung bướu (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) hoặc bộ môn giải phẫu bệnh… Các cán bộ giảng thuộc biên chế của trường lãnh theo chế độ lương của các trường đại học.
Nhưng khi các cán bộ giảng dạy cho sinh viên tới thực tập tại BV và có thực hành điều trị tại BV Ung Bướu, thì sẽ không có sự phân biệt đối xử nào giữa cán bộ giảng của trường hay biên chế của BV.
Nhiều cán bộ giảng thuộc biên chế của các trường ĐH đang đảm đương những chức vụ chủ chốt của BV. Chẳng hạn như: BS.TS Phạm Xuân Dũng là giám đốc BV Ung Bướu đồng thời kiêm trưởng bộ môn Ung bướu ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; PGS. BS Phạm Hùng Cường - Trưởng khoa Ngoại II, đồng thời là Phó Trưởng bộ môn Ung thư của ĐH Y Dược TP.HCM; TS. Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng khoa xạ II, đồng thời là Trưởng bộ môn Ung thư của ĐH Y Dược TP.HCM. Bản thân tôi cũng vừa là PGĐ BV Ung Bướu đồng thời là phó trưởng bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ ĐH Y Dược TP.HCM.
Đây chính là cơ chế thắt chặt giữa trường và viện, để cả hai bên cùng gắn bó, có trách nhiệm, hỗ trợ tốt cho nhau.
+ Xin cám ơn ông đã trao đổi!