Trên thực tế, kinh doanh cảng biển được cho là có mức lợi nhuận khá cao. Nhìn lại bức tranh các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển đang niêm yết trên hai sàn năm 2014, rất nhiều công ty có mức lợi nhuận rất cao, biên lãi ròng lên tới 30-40%.
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Contaner Việt Nam (Mã: VSC), theo báo cáo tài chính năm 2014, tổng doanh thu lên tới 891 tỷ đồng, tăng hơn 94 tỷ đồng (11%) so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu thuần đạt 27,8%.
CTCP Cảng Cát Lái (Mã: CLL) năm 2014 đạt doanh thu xấp xỉ 235 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 76 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu đạt 32%.
CTCP Đầu tư phát triển cảng Đình Vũ (Mã: DVP) năm 2014 doanh thu đạt 541 tỷ đồng, tăng 41 tỷ đồng so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 228 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của DVP cũng đạt trên 42%.
CTCP Cảng Đoạn Xá (Mã: DXP), doanh thu năm 2014 đạt xấp xỉ 160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 40 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu thuần đạt 25%.
Cảng Đồng Nai (PDN)Lũy kế cả năm 2014 doanh thu thuần đạt hơn 270 tỷ đồng tăng 33,14%; LNST đạt 47,54 tỷ đồng tăng 5,88% so với cả năm 2013 tương đương EPS đạt 5.133 đ/CP.
Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, kinh doanh cảng biển là lĩnh vực thu lợi nhuận tốt. Theo đó, năm 2014 lợi nhuận trung bình của các cảng biển đạt trung bình lên tới 14%. Ngoài ra, ông Nhật rất ủng hộ việc bán cảng biển cho tư nhân, bởi với sự năng động của tư nhân có thể thay đổi cách quản trị các cảng biển, sinh lời lớn hơn và tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội.
Không phải cảng nào cũng hấp dẫn
Nhìn vào tỷ lệ chào bán thành công các cảng biển trong thời gian qua cho thấy không phải cảng nào cũng được nhà đầu tư mặn mà. Thậm chí cảng Hải Phòng được Vingroup đưa vào tầm ngắm (muốn mua 80% cổ phần với giá không thấp hơn giá chào bán thành công) ban đầu cũng chỉ chào bán được gần 47%. Các cảng Nha Trang tỷ lệ thành công là 2%, cảng Cần Thơ 0,2%, cảng Cam Ranh 9,6%...
Tuy nhiên những cảng này đều thuộc danh sách Cảng biển loại 1 là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; nên các cảng này sau đó lọt vào tầm ngắm của các đại gia tư nhân.
Ngoài ra, theo TS Chu Quang Thứ - Nguyên Cục Trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam trong bài trả lời báo Dân Trí, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: “Hiện hầu hết các cảng biển đều ở các vị trí đắc địa, ngoài diện tích cảng, khu xếp dỡ, chứa hàng, các cảng còn có 1 số mảnh đất xung quanh thuộc quyền quản lý, khai thác của các cảng. Những mảnh đất này hiện rất giá trị, nó được coi là những khu đất vàng đối với các nhà đầu tư. Tôi chứng kiến nhiều cảng không có tàu vào rất được các doanh nghiệp để mắt tới. Việc mua lại cảng với vài chục tỷ, vài trăm tỷ được xem là mức giá rất và quá lời”.
Đầu tư vào cảng biển để đón đầu xu thế hội nhập
Hội nhập đang là xu hướng, là một vòng quay quỹ đạo mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt các FTA cùng hiệp định TPP, AEC...
Theo đó, cơ hội phát triển cho các ngành là tất yếu. Xét về cảng biển, khi Việt Nam hội nhập, ngành này với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Nay với sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, cảng biển Việt Nam sẽ có cú "nhảy vọt" cả về dịch vụ lẫn các đầu tư ngoài.
Một là, khi Việt Nam kí kết các hiệp định AEC, TPP, FTA...hàng nghìn các dòng thuế sẽ lần lượt về 0%, tất nhiên cần có lộ trình. Đón đầu xu thế hội nhập này, chắc chắn lượng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sẽ tăng lên rất nhiều bởi thuế thấp. Như vậy, dịch vụ logistics sẽ phát triển mạnh.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 40 cảng biển, gồm cảng tổng hợp quốc gia, cảng địa phương và cảng chuyên dụng, với tốc độ tăng trưởng hàng hóa và đặc biệt là hàng hóa container vận chuyển bằng đường biển đang tăng trưởng với tốc độ cực kỳ cao, trên 20%/năm (giai đoạn 2001-2008) thì đến giai đoạn sắp tới khi Việt Nam hội nhập sâu con số này chắc chắn sẽ tăng lên rất cao.
Theo chiến lược phát triển vận tải biển đến năm 2020 và định hướng 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế hàng hải đứng thứ hai và sau 2020 kinh tế hàng hải đứng đầu trong 5 lĩnh vực phát triển kinh tế biển.
Hai là, Việt Nam đang tăng cường quan hệ thương mại với các nước trên thế giới. Hàng loạt các dịch vụ như: du lịch, đầu tư...sẽ tăng lên nhanh chóng. Xét về vị trí, các cảng biển luôn có lợi thế "trời cho" về thiên nhiên để phát triển các dịch vụ kèm theo như: ăn uống, du lịch. Đơn cử như Vinpearl mua cảng Nha Trang cũng đơn thuần là phục vụ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng...
Trước đó, trao đổi với báo Dân Trí, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch tập đoàn T&T cũng cho biết cảng biển cũng như cảng hàng không, bến xe, ga tàu,...có sức hấp dẫn nhưng phải tùy nơi, tùy vị trí. Trên thực tế, có khá nhiều các cảng biển khi IPO không thu hút được các nhà đầu tư. Ông Hiển cũng khẳng định là khi tư nhân vào tham gia đầu tư, quản lý họ sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn - vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng lớn lao hơn là mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Đón đọc tiếp Bài 3: Chuyên gia nói gì về sức hút của cảng biển trong thời đại mới
Theo NĐH