|
Chăm sóc toàn diện bệnh nhân hiện chỉ được thực hiện ở một số khoa như Hồi sức tích cực, Chống độc ở một số bệnh viện |
Bài 1: Chủ yếu do gia đình người bệnh
Công tác điều dưỡng hiện nay đang có nhiều rào cản và đó chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.
Điều này sẽ là thách thức cho ngành y tế, khi từ 2006, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung về công nhận dịch vụ điều dưỡng, y và nha khoa với 10 nước khu vực ASEAN, theo đó, cho phép công dân của các nước thành viên có chứng chỉ hành nghề hợp pháp được hành nghề điều dưỡng, y và nha khoa ở các nước thành viên.
Cơ chế, chính sách lạc hậu
Với sự quan tâm đến công tác điều dưỡng, từ nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; Luật KCB 2009; Luật KCB 2023 cùng nhiều Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhưng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến điều dưỡng của Việt Nam vừa thiếu, vừa chưa tương đồng với các nước. Trong khi 6/10 nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới đã có Luật hành nghề Điều dưỡng (Nursing Act), thì Việt Nam vẫn quy định chung công tác điều dưỡng trong Luật Khám KCB. Việc chưa tương đồng về cơ chế, chính sách, chuyên môn kỹ thuật và đào tạo điều dưỡng, khiến Việt Nam xếp hàng thấp hơn nhiều nước trong khu vực về tiến trình hội nhập.
Sau nhiều năm áp dụng chính sách không phù hợp, vai trò và vị thế của nghề điều dưỡng bị đánh giá thấp, dẫn đến không thu hút được đủ lượng người học và người làm. Kết quả là chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng trên mỗi vạn dân chỉ đạt 50% so với chỉ tiêu được quy định trong Nghị quyết số 20 NQ-TƯ. Số lượng điều dưỡng thiếu và trình độ chuyên môn còn yếu đã ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng chăm sóc người bệnh.
Theo Tổ chức nghiên cứu sức khỏe và chất lượng Hoa Kỳ, việc thiếu số lượng điều dưỡng ở BV tỷ lệ nghịch với tỷ lệ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn sau mổ, viêm phổi, loét ép và làm tăng thời gian nằm viện.
Vì vậy, việc bổ sung nguồn nhân lực điều dưỡng không chỉ đảm bảo việc chăm sóc người bệnh toàn diện, mà còn giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn BV, tỷ lệ tử vong và giảm thời gian điều trị cho người bệnh.
Đáng chú ý khi theo nghiên cứu của Bộ Y tế, trình độ chuyên môn điều dưỡng của Việt Nam cũng thấp. Năm 2022, Việt Nam mới có khoảng 3% điều dưỡng sau đại học và hiện vẫn chưa có điều dưỡng sau đại học hệ điều dưỡng thực hành nâng cao như mô hình của nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, theo Hiệp hội Điều dưỡng Australia, tỷ lệ điều dưỡng sau đại học đang làm việc tại các cơ sở KCB tại Úc vào năm 2021 khoảng 22,8%. Tỷ lệ này ở Mỹ và Anh lần lượt là khoảng 20% và 30%..
Nghề điều dưỡng vẫn chưa được xem như nghề độc lập nên điều dưỡng vẫn chưa chủ động và chịu trách nhiệm cho các hoạt động chăm sóc điều dưỡng. Hội đồng điều dưỡng tại một số BV còn mang tính hình thức, chưa phát huy được vai trò tư vấn, giám sát để thúc đẩy sự phát triển công tác điều dưỡng trong BV.
Việt Nam vẫn chưa có mô hình điều dưỡng thực hành nâng cao, dù hiệu quả mô hình này đã được thế giới chứng minh. Chúng ta cũng chưa có mô hình trợ giúp chăm sóc, trong khi đa số các nước đã triển khai, nhờ hiệu quả của nó trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và giảm chi phí y tế.
Dịch vụ chăm sóc ở BV chưa toàn diện đã làm xuất hiện mô hình người nuôi bệnh do người nhà thuê hoặc BV cung cấp và người bệnh trả tiền để hỗ trợ việc chăm sóc cho người bệnh. Việc tự phát này gây nhiều hậu quả như: Người hỗ trợ chăm sóc không được đào tạo nên không có kiến thức cơ bản về chăm sóc người bệnh, về kiểm soát nhiễm khuẩn, về an toàn người bệnh, đồng thời, không có ai quản lý dẫn đến tình trạng lộn xộn, gây mất an ninh trật tự và gây nhiễm khuẩn BV…
Người bệnh gánh hậu quả
Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế, đa số người bệnh ở các BV chưa được chăm sóc toàn diện, chưa được đáp ứng 14 nhu cầu chăm sóc theo Thông tư 31/2021/TT-BYT. Các nhiệm vụ chuyên môn thể hiện chức năng chủ động của điều dưỡng như trực tiếp chăm sóc người bệnh, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe, luyện tập phục hồi chức năng phòng ngừa biến chứng cho người bệnh… chưa theo quy định.
Việc người bệnh vào viện phải mang theo người nhà đi chăm sóc hoặc thuê người chăm sóc đã khiến cho các BV vốn đã quá tải càng thêm quá tải, gây mất an ninh - trật tự, đặc biệt là nhiễm khuẩn BV.
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: “Chỉ có 58% BV triển khai việc chăm sóc người bệnh hoàn toàn do nhân viên y tế tại khoa Hồi sức tích cực thực hiện, mà không có sự tham gia của người nhà người bệnh. Còn lại ở các BV, việc chăm sóc cơ bản cho người bệnh như tắm, gội, cho ăn, cho đi vệ sinh vv… phụ thuộc người nhà người bệnh hoặc người chăm sóc do người bệnh thuê với giá cao.”
Dịch vụ chăm sóc chưa đáp ứng yêu cầu
Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ở hầu hết các BV còn thiếu thốn và chưa toàn diện. Đáng nói là, theo Bộ Y tế, giữa điều dưỡng Việt Nam và điều dưỡng các nước trên thế giới có sự khác biệt rất lớn về tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong chăm sóc.
Trong khi điều dưỡng của đa số các nước được đào tạo bài bản, theo chuyên khoa và chủ động, phối hợp tốt trong cung cấp dịch vụ chăm sóc, thì điều dưỡng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào y lệnh của bác sỹ. Khi điều dưỡng không được đào tạo chuyên sâu, thụ động thực hiện các kỹ thuật chăm sóc, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc người bệnh.
Mặc dù đã có quy định về việc cung ứng thuốc, vật tư, đồ vải cho người bệnh tại các khoa lâm sàng, nhưng ở nhiều BV, điều dưỡng vẫn phải đi lĩnh thuốc, lĩnh đồ vải, cọ rửa dụng cụ bẩn, thậm chí, làm công việc hành chính, thu viện phí…
Kết quả đánh giá chất lượng BV của Bộ Y tế cho thấy, hầu hết người bệnh vào điều trị nội trú chỉ được điều dưỡng cho dùng thuốc, thay băng, đặt thông tiểu…còn các chăm sóc cơ bản như thay quần áo, tắm gội, theo dõi, chăm sóc đáp ứng tinh thần, truyền thông giáo dục sức khoẻ … đã không được thực hiện theo quy định và đều do người nhà bệnh nhân thực hiện.
Bên cạnh đó, mặc dù Bộ Y tế đã có Thông tư 31/2021/TT-BYT quy định về trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho chăm sóc bệnh nhân tại BV, nhưng các cơ sở KCB, đặc biệt là các BV tuyến dưới, rất thiếu phương tiện phục vụ cho chăm sóc người bệnh. Vì thế, khi vào viện người bệnh phải mang theo gối, chăn, màn, chậu rửa …gây khó khăn cho họ. Hơn nữa, những đồ vật đó khi mang ra khỏi BV sẽ làm lây truyền bệnh ra cộng đồng.
Không chỉ thế, các BV còn rất thiếu phương tiện chăm sóc cơ bản cho người bệnh như phương tiện cho người bệnh tắm, gội tại giường, phương tiện vận chuyển, phục vụ vui chơi, giải trí…
Các phương tiện phục vụ chuyên môn của điều dưỡng cũng còn hạn chế như các máy truyền dịch, bơm tiêm điện, các kim truyền an toàn; thiếu máy tính để điều dưỡng sử dụng trực tiếp trên xe tiêm cho người bệnh.
Đòi hỏi thực tiễn: Phải thay đổi
Trước yêu cầu của người dân về chất lượng chăm sóc bệnh nhân nằm tại BV ngày càng cao, đặc biệt là sự thúc bách của tiến trình hội nhập, Việt Nam cần phải thay đổi căn bản về cơ chế, chính sách điều dưỡng. Đề án tổng thể “Tăng cường công tác chăm sóc toàn diện người bệnh giai đoạn 2022 – 2030” của Bộ Y tế được xây dựng sẽ giúp giải quyết những bất cập với việc đầu tư, phát triển công tác điều dưỡng đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân và hội nhập khu vực.
Theo TS. Vương Ánh Dương, vấn đề đầu tiên mà Bộ Y tế quan tâm sẽ là nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho điều dưỡng tại các cơ sở KCB, theo đó, 100% điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó, trên 50% có trình độ đại học và 3% có trình độ sau đại học; 100% điều dưỡng được đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm theo quy định.
Đến hết năm 2025, sẽ có trên 90% BV có khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, sơ sinh bảo đảm đủ nhân lực điều dưỡng chăm sóc toàn diện người bệnh.
Đặc biệt, Bộ Y tế rất chú trọng tăng cường ứng dụng nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc người bệnh trong BV với việc xây dựng mẫu hồ sơ chăm sóc điện tử; phần mềm quản lý điều dưỡng, nghiệp vụ điều dưỡng, chăm sóc người bệnh trong cấu trúc hệ thống phần mềm HIS của cơ sở KCB.
Ngoài ra, còn phát triển các ứng dụng và phần mềm điều dưỡng thông minh giúp đo lường và giám sát các chỉ số sức khỏe của người bệnh, hỗ trợ việc quản lý và theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh, đảm bảo an toàn và chính xác.
Các BV phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, trong đó, xây dựng các quy định về phương tiện, dụng cụ vệ sinh tối thiểu cho người bệnh, cơ cấu trong giá thành viện phí để người bệnh khi vào viện không phải mang theo các đồ dùng cá nhân vv…