Bài 1: Nhiều F0 ở Hà Nội không được đưa đi cách ly ngay, y tế cơ sở đang quá tải?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng nhiều F0 ở Hà Nội không được đưa đi cách ly, điều trị ngay. Tình trạng này đã khiến không ít người dân lo lắng, thậm chí bức xúc.
Xe cấp cứu chở bệnh nhân COVID-19 đi cách ly, điều trị (Ảnh - Minh Thuý)
Xe cấp cứu chở bệnh nhân COVID-19 đi cách ly, điều trị (Ảnh - Minh Thuý)

Những ngày qua, dịch COVID-19 tăng nhanh ở Hà Nôi, mỗi ngày 700-800 ca, đặc biệt ngày 13/12 tới 1.000 ca, đứng đầu cả nước và toàn thành phố xét nghiệm gần 13.000 mẫu. Trong bối cảnh đó, nhiều F0 đã phản ánh phải chờ rất lâu mới được chuyển đến khu cách ly, bệnh viện (BV) để điều trị COVID-19.

Vì thế, VietTimes sẽ phản ánh thực trạng tiếp nhận, vận chuyển, cách ly, điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2, để cảnh báo người dân phòng bệnh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam.

F0 chờ 5 ngày liền không được đưa đi cách ly

Trong những ngày qua, khi dịch COVID-19 tăng nhanh ở Hà Nội, nhiều F0 rất khó khăn để liên lạc với cơ sở y tế, thậm chí, khi đã liên lạc được thì không được đưa đi cách ly ngay.

Mới nhất là trường hợp của 1 gia đình 4 người sống ở tầng 16 toà HH3A Linh Đàm. Ban đầu, gia đình này chỉ có người vợ nhiễm SARS-CoV-2, nhưng sau 5 ngày chờ đợi, cả 4 người đã trở thành F0, trong đó có 2 cháu nhỏ dưới 12 tuổi nên chưa được tiêm vaccine COVID-19.

PV VietTimes đã liên hệ với ông Vũ Đình Phong – Trưởng tầng 16 toà HH3A Linh Đàm – người viết đơn kêu cứu cho 4 F0 trên.

Ông Phong cho biết: “Tối 8/12, một phụ nữ sống ở tầng 16 cùng chồng và 2 con nhỏ báo với tôi là đã dương tính với SARS-CoV-2. Tôi lập tức báo với tổ dân phố, Ban Quản lý toà nhà, toàn bộ cư dân. Sáng hôm sau, Trạm Y tế phường Hoàng Liệt mới đến test COVID-19 cho cả tầng, trừ F0 ban đầu. Ngày 11/12, F0 ban đầu báo cả nhà đều nhiễm bệnh. Tổ trưởng tổ dân phố đã phát trang phục bảo hộ và yêu cầu 4 F0 chuẩn bị đi cách ly, nhưng đã 5 ngày trôi qua mà 4 F0 chưa được đưa đi”.

Đơn cầu cứu khẩn cấp được ông Vũ Đình Phong đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh - NVCC)
Đơn cầu cứu khẩn cấp được ông Vũ Đình Phong đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh - NVCC)
Ông Phong thay mặt cư dân khẩn thiết kêu cứu cho 4 F0 (Ảnh - NVCC)
Ông Phong thay mặt cư dân khẩn thiết kêu cứu cho 4 F0 (Ảnh - NVCC)

"Hiện, 4 F0 đang cách ly tại nhà vì Trưởng Trạm Y tế phường nói họ không có quyền, phải chờ quyết định của CDC. Trong ngày 15/12, Trạm Y tế phường sẽ xét nghiệm PCR cho 4 F0, xử lý rác” – ông Phong nói.

Được biết, trường hợp của gia đình trên không phải là những F0 duy nhất phải chờ đợi để được đưa đi cách ly, điều trị.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Tr. (Hà Nội) cho biết: “Ngày 28/11, tôi bị ho, sốt nên tự test tại nhà thì cho kết quả xét nghiệm dương tính. Tôi báo lên Trạm Y tế phường. Trưa hôm sau, cán bộ y tế đến lấy mẫu xét nghiệm PCR. Chiều 30/11, tôi có kết quả khẳng định dương tính. Khi đó, cán bộ y tế phường bảo tôi chờ xe đến đón vào khu cách ly. Tuy nhiên, tôi đợi mãi mà không thấy ai đưa đi.

Do chờ quá lâu nên tôi đã hỏi lại Trạm Y tế phường thì cán bộ y tế nói phải đợi đến đêm vì chưa BV nào nhận. Nếu gia đình tự liên hệ được BV thì phường đưa đi. Tôi đã đợi ở nhà 2 ngày, gia đình phải tự liên hệ với 1 BV trước thì mới được chuyển đi cách ly, điều trị" - chị Tr. chia sẻ.

Để tìm hiểu rõ về vấn đề mà chị Tr. gặp phải, PV đã liên lạc với số điện thoại đường dây nóng Trạm Y tế phường. Mặc dù đã nỗ lực liên hệ nhiều lần nhưng đường dây nóng của Trạm Y tế luôn trong trạng thái bận.

Một trường hợp khác, anh T. (phường Bưởi, quận Tây Hồ) cho hay: Hàng xóm nhà anh là F0 mà chờ tới 3 ngày mới được đưa đi, khiến cả F0 lẫn hàng xóm đều hoang mang, lo lắng.

Ngoài những trường hợp trên, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều phản ánh của người dân về việc F0 ở nhà nhiều ngày mà không thấy y tế hỏi thăm, chưa được đưa đi cách ly.

Hệ thống y tế quá tải, lượng xe cấp cứu ít nên F0 phải chờ

Thông tin về khả năng đáp ứng của hệ thống y tế các phường thuộc quận Đống Đa, ông Nguyễn Đức Tuấn – Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa – cho biết: “Hệ thống y tế của các phường đang quá tải. Quận gặp khó khăn do nguồn nhân lực cho hệ thống y tế thì ít mà việc lại nhiều, trong khi F0, F1 tăng liên tục. Vì thế, việc lấy mẫu xét nghiệm bị quá tải, trả kết quả chậm. Sắp tới, thành phố sẽ hỗ trợ quận tăng thêm máy xét nghiệm”.

Sau khi PV thông tin về trường hợp gia đình chị Tr. phải tự liên hệ BV để đi cách ly, điều trị, ông Tuấn cho hay: “Thực tế, các F0 đều phải chờ để hệ thống y tế bố trí xe đưa đi. Số F0 lên đến hàng trăm ca mà lượng xe cấp cứu, kíp vận chuyển ít, các đơn vị tiếp nhận quá tải nên F0 phải chờ mới đến lượt”.

Nhân viên y tế đưa người dân đi cách ly, điều trị (Ảnh - Minh Thuý)

Nhân viên y tế đưa người dân đi cách ly, điều trị (Ảnh - Minh Thuý)

Theo ông Tuấn, sau khi phát hiện F0, các nhân viên y tế phải giải thích cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiểu để chờ y tế xã, phường liên hệ với BV, chứ không bảo người nhà bệnh nhân tự liên hệ với BV.

Tuy nhiên, trên thực tế thì trường hợp chị Tr. đã phải tự liên hệ BV để đi điều trị. Không lẽ điều này lãnh đạo Trung tâm y tế quận đã không nắm được thực tế này?

Ông Tuấn cho hay: Việc liên hệ với BV do hệ thống y tế của các phường thực hiện trên phần mềm, lưu hệ thống. Hệ thống có điểm đến là các BV điều trị COVID-19. Khi BV bố trí được thì đơn vị vận chuyển đến đưa F0 đi. Tuy nhiên, do số F0 quá đông nên có những F0 mắc bệnh nhẹ, các đơn vị chưa thể chuyển người bệnh đi ngay, bệnh nhân phải chờ ở nhà.

“F0 phải chờ ở nhà vài ngày để hệ thống y tế sắp xếp xe đưa đón, BV điều trị là tình hình chung khi số ca COVID-19 tăng. Chỉ riêng ngày 9/12 đã có hơn 700 ca nên các đơn vị không thể sắp xếp 1 lúc cho hàng loạt F0. Không chỉ vậy, xe chuyển bệnh nhân hạn chế nên quận phải tìm cách giải quyết. Chiều 2/12, quận đã họp với Sở Y tế Hà Nội, Thường trực Quận uỷ Đống Đa để bổ sung xe hoán cải, các loại xe khác,… Hiện, đơn vị vận chuyển bệnh nhân của quận là cấp cứu 115 và các đơn vị vận chuyển cấp cứu tư nhân" - ông Tuấn nói.

Phân loại mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Phân loại mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

“Nhiều người thắc mắc tại sao y tế chưa cho đi? Để F0 ở nhà nguy cơ lây lan cao; vì sao người được chuyển đi trước, người chuyển đi sau?,… Câu trả lời là công tác phân luồng và phân tầng điều trị bệnh nhân cần có thời gian để thực hiện. Do vậy, người dân cần kiên nhẫn chờ đợi để được đưa đi cách ly, điều trị” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Một lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng cho biết: Hiện nay, số lượng mẫu cần xét nghiệm của thành phố rất nhiều và quá tải nên việc trả kết quả bị chậm.

"Nếu như trước đây, khi số F0 ít, cơ quan y tế sẽ xét nghiệm và đưa đi cách ly, điều trị ngay. Tuy nhiên, khi Hà Nội thực hiện chủ trương "Thích ứng an toàn với dịch", số ca bệnh tăng nhanh nên việc xét nghiệm bị quá tải"- vị này cho hay.

Theo lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, do lực lượng y tế phường mỏng, thời gian qua làm việc quá sức, nên nhiều người bị ốm hoặc xin nghỉ. Vì vậy, ông mong muốn người dân thông cảm, trong quá trình đợi đi cách ly hay điều trị cần bình tĩnh, tuân thủ 5K, tránh tiếp xúc, hạn chế đến nơi đông người.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Đống Đa, quy trình tiếp nhận, vận chuyển, phân luồng điều trị F0 theo quy định của Bộ Y tế như sau:

Bước 1: Khi nhận thông tin F0, y tế phường sẽ truy vết, điều tra F1, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cho những người liên quan. Trong thời điểm này, F0 tạm thời cách ly ở nhà chờ hệ thống y tế đưa đi cách ly, điều trị.

Bước 2: Sau khi ghi nhận thông tin F0, các cán bộ y tế sử dụng phần mềm để phân luồng điều trị cho bệnh nhân theo 3 tầng gồm:

Tầng 1 - bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ.

Tầng 2 - người bệnh mức độ trung bình, không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, là người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền, bệnh cấp tính, béo phì.

Tầng 3 - người bệnh mức độ nặng, nguy kịch.

Khi đơn vị y tế liên hệ được với BV, xe cấp cứu 115 sẽ chuyển F0 đến BV theo tầng điều trị phù hợp.

Bảng phân luồng điều trị đối với bệnh nhân COVID-19 có tình trạng hoặc bệnh lý đặc biệt (Ảnh - SYT HN)

Bảng phân luồng điều trị đối với bệnh nhân COVID-19 có tình trạng hoặc bệnh lý đặc biệt (Ảnh - SYT HN)