Vấn nạn SIM rác

Bài 1: Mua SIM kích hoạt sẵn dễ như mua rau - Nhà mạng dung túng cho SIM rác?

VietTimes -- Không cần xuất trình chứng minh nhân dân, không cần đăng ký thông tin thuê bao, chỉ cần bỏ ra vài chục đến vài trăm nghìn đồng, người mua sẽ được sử dụng ngay một chiếc SIM điện thoại di động trả trước đã được kích hoạt sẵn bằng tải khoản ảo (hay còn gọi là SIM rác).
Một cửa hàng bán SIM - thẻ điện thoại. Sau gần 2 năm khi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay hoạt động kinh doanh, buôn bán SIM rác vẫn diễn ra.
Một cửa hàng bán SIM - thẻ điện thoại. Sau gần 2 năm khi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay hoạt động kinh doanh, buôn bán SIM rác vẫn diễn ra.

Bất chấp quy định, SIM rác vẫn vô tư “lộng hành”!

Dù biết mức phạt rất nặng nhưng một số doanh nghiệp bán lẻ vẫn vô tư bán SIM đã kích hoạt sẵn. Tại Hà Nội, thực tế này vẫn đang diễn ra một cách phổ biến, công khai và bất chấp quy định cấm tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành giữa năm 2017 về thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Trong đó, Nghị định này quy định rất nhiều điểm ràng buộc trách nhiệm nhà mạng.

Dạo quanh một số điểm bán lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội, PV ghé vào một cửa hàng bán SIM – thẻ trên đường Kim Mã để hỏi mua SIM của nhà mạng VinaPhone. Tại đây, khi được hỏi mua SIM “rác”, nhân viên cửa hàng lập tức lấy ra nhiều cọc SIM của các nhà mạng khác nhau để khách hàng lựa chọn. 

Người bán hàng cho biết: Thông thường, các loại SIM này có giá dao động từ 50.000 – 100.000 đồng, tùy từng loại. Đối với SIM Viettel 11 số, có giá bán là 40.000 đồng nhưng chỉ nghe gọi thông thường, không hỗ trợ truy cập mạng; SIM VinaPhone 10 số giá 160.000 đồng bao gồm nhiều ưu đãi như: có sẵn 50.000 đồng trong tài khoản, được 2GB/ ngày sử dụng dịch vụ 3G, 4G; gọi nội mạng VinaPhone miễn phí; gọi mạng khác mỗi tháng 50 phút miễn phí. Các dịch vụ được dùng miễn phí tháng đầu tiên, các tháng tiếp theo nạp 90.000 đồng/tháng... Tính ra khách hàng chỉ mất 55.000 đồng là có ngay chiếc SIM “ngon-bổ-rẻ”.

Nhân viên này nhấn mạnh thêm, giờ phần lớn người mua đều dùng SIM gói khuyến mại này vì có nhiều ưu đãi hơn. Nếu so sánh với việc mua thẻ cào để nạp thì việc sử dụng SIM rác là quá rẻ và tiện lợi. Tuy nhiên, đáng chú ý, sau khi mua SIM, thay vì phải cung cấp chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ để thực hiện việc giao kết hợp đồng thì theo hướng dẫn của nhân viên, khách hàng chỉ cần lắp SIM vào máy là sử dụng được ngay vì SIM đã kích hoạt sẵn và đăng ký thông tin thuê bao trước đó.

Sau khi chọn mua một SIM của nhà mạng VinaPhone, số thuê bao là: 094*****10, PV nhắn tin tới tổng đài 1414 để kiểm tra thông tin thuê bao thì nhận được kết quả: Thông tin đăng ký của thuê bao 094*****10, Họ tên: Giap Thi Oanh, Ngày sinh: 04/05/19**, Số CMND: *********, ngày cấp 28/07/2009, nơi cấp: BGG. Số CMND này đang sở hữu nhiều hơn 3 thuê bao trên hệ thống.

Mặc dù SIM đã được đăng ký kích hoạt có thông tin đầy đủ, nhưng vẫn trôi nổi trên thị trường, sau đó bán lại cho một chủ nhân bất kỳ

Mặc dù SIM đã được đăng ký kích hoạt có thông tin đầy đủ, nhưng vẫn trôi nổi trên thị trường, sau đó bán lại cho một chủ nhân bất kỳ

Thông tin về vấn đề này, nhân viên giải thích: “Đây chỉ là thông tin thuê bao ảo, nếu muốn đăng ký thuê bao chính chủ, thì cửa hàng có thể hỗ trợ làm, nhưng mất 50.000 đồng nhà mạng thu. Còn không đăng ký vẫn dùng được, các SIM “rác” có thời hạn hưởng gói khuyến mại trong vòng 1 năm, hết 1 năm trở về SIM thường”.

Bên cạnh các cửa hàng bày bán trực tiếp, thì hoạt động buôn bán SIM “rác” trên các trang mạng cũng không kém phần sôi động. Người mua chỉ cần mở ứng dụng Google, gõ cụm từ “SIM rác giá rẻ” là ngay lập tức có hàng nghìn địa chỉ hiện ra, được bày bán công khai với những lời mời chào vô cùng hấp dẫn. Thậm chí, trên các Fanpage “SIM số đẹp”, “SIM giá rẻ” hoạt động này cũng diễn ra rầm rộ.

Hoạt động quảng cáo, buôn bán SIM rác trên các trang mạng vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát

Hoạt động quảng cáo, buôn bán SIM rác trên các trang mạng vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát

Do SIM rác được bày bán một cách tràn lan và kích hoạt dễ dàng như vậy, nên sẽ không khó để có thể mua được SIM dù không phải làm bất cứ thủ tục nào. Chỉ cần có tiền là mua được SIM.

Biến tướng với hình thức tinh vi hơn

Việc mua SIM “rác” thì dễ dàng và đơn giản như vậy. Thế còn, muốn biến hóa chiếc SIM rác này thành chính chủ có khó không?

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV gọi điện thoại tới tổng đài chăm sóc khách hàng của Vinaphone (18001091) với đề nghị hướng dẫn thay đổi thông tin thuê bao đối với số 094*****10. Sau khi kiểm tra thông tin, nhân viên tổng đài cho biết, thuê bao mà PV cung cấp đã được kích hoạt gần một năm trước, có thông tin đăng ký trùng khớp với kết quả của tổng đài 1414 báo trước đó. Điều đáng nói ở đây, mặc dù SIM đã được kích hoạt bằng thông tin một chủ nhân khác trong một thời gian dài, nhưng lại vẫn trôi nổi trên thị trường, sau đó bán lại cho một người mua khác sử dụng và người mua đó không cần phải khai báo bất kỳ thông tin gì nhưng vẫn có thể mua sử dụng chiếc SIM này một cách bình thường (!?)

Tiếp tục hỏi về thủ tục chuyển đổi thông tin thuê bao trên thành chính chủ, theo tư vấn của nhân viên: Tổng đài không hỗ trợ trực tiếp và việc chuyển đổi thông tin thuê bao này sẽ khó, nhưng bạn cứ thử mang CMTND cùng SIM ra điểm giao dịch của VinaPhone xem có “linh động” được không thì họ sẽ hỗ trợ chuyển đổi.

Làm theo lời hướng dẫn, PV vào một điểm giao dịch của VinaPhone trên đường N.T.H. Trao đổi với nhân viên về vấn đề này, PV nhận được câu trả lời rằng việc chuyển đổi thông tin sang SIM chính chủ là có thể được, khách hàng chỉ cần mang SIM và chứng minh thư ra điểm giao dịch, sau đó cung cấp 6 số điện thoại thường xuyên liên lạc là sẽ được hỗ trợ chuyển đổi thông tin thuê bao miễn phí. Nhân viên này còn tư vấn thêm, trường hợp SIM mới mua chưa có số liên lạc thường xuyên thì cứ dùng khoảng một tháng, sau đó quay lại là có thể đăng ký.

Như vậy, qua cách tiếp nhận thông tin và trả lời, dường như tổng đài VinaPhone cũng như điểm giao dịch VinaPhone đã khá quen thuộc với việc SIM trả trước của nhà mạng được kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao trước khi bán cho khách hàng?

Qua khảo sát thực tế cho thấy, những chiếc SIM rác trên thị trường giờ đây đã biến tướng sang hình thức khác tinh vi hơn rất nhiều so với trước: “Chúng” được đăng ký sẵn số chứng minh nhân dân, ảnh chân dung theo đúng quy định của Nghị định 49/2017 của Chính phủ. Do đó, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua được một chiếc SIM phù hợp để sử dụng mà không phải khai báo thông tin thực và ảnh “chính chủ”, khiến cho việc kiểm soát thuê bao trả trước vẫn còn rất phức tạp.

Việc dễ dàng mua, bán, sử dụng SIM rác là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tràn lan tin nhắn rác, quảng cáo rác và tin độc hại khiến cho hàng triệu người sử dụng điện thoại di động đang bị phiền nhiễu mỗi ngày. 

Rõ ràng, việc tự ý bán SIM kích hoạt sẵn đang là hành vi vi phạm pháp luật, là căn nguyên cho sự hình thành của tin nhắn rác, tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Tin rác thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố…

Tuy nhiên, dù Nghị định số 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực gần 2 năm nhưng đến nay hoạt động kinh doanh, buôn bán, sử dụng SIM không chính chủ, đã kích hoạt và nạp sẵn tiền trong tài khoản vẫn diễn ra hết sức ngang nhiên và rầm rộ. Đây thực sự là một thực trạng nhức nhối còn tồn đọng mà vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Phải chăng vì lợi nhuận còn rất cao nên nhiều doanh nghiệp vẫn "phớt lờ" quy định này, sử dụng chiêu trò để “lách luật” (?!) Và phải chăng công tác quản lý thuê bao di động trả trước vẫn tiếp tục bị buông lỏng?

Mời các bạn đón xem tiếp phần 2: Những hệ lụy từ SIM "rác"