Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt:

Bài 1: Lợi cả đôi đường

VietTimes – Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích: Người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi, không phải mang nhiều tiền mặt đi bệnh viện nên không lo bị mất cắp, lại có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi; còn bệnh viện cũng được lợi khi vừa giảm tải cho nhân viên, vừa giảm số nhân công khi các thủ tục hành chính cắt giảm. Đó là lý do nhiều bệnh viện đang đẩy mạnh triển khai việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Bệnh nhân thanh toán viện phí tại Bệnh viện (Ảnh: Minh Thúy)
Bệnh nhân thanh toán viện phí tại Bệnh viện (Ảnh: Minh Thúy)

Thích dùng tiền mặt hơn quẹt thẻ

Mặc dù ai cũng thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt, nhưng do thói quen, do nhiều người dân chưa quen với thanh toán điện tử, nên không mặn mà với việc này. Theo ghi nhận của PV VietTimes ở nhiều bệnh viện, thích dùng tiền mặt hơn quẹt thẻ là tâm lý chung của đa số người dân khi tới bệnh viện để khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí.

Tại quầy thanh toán ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ 8h sáng đã có rất đông người tới để làm thủ tục thanh toán viện phí sau quá trình khám, chữa bệnh. Mặc dù Bệnh viện đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ năm 2018, nhưng hầu hết bệnh nhân, người nhà người bệnh khi tới bệnh viện vẫn giữ thói quen tiêu tiền mặt mà không thanh toán qua thẻ hoặc qua các hình thức khác như internet banking, mobile banking.

Trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – cho biết: Nhiều bệnh nhân đi Bệnh viện vẫn giữ thói quen cầm tiền mặt, mà những bệnh nhân cao tuổi dễ nhầm lẫn khi cầm quá nhiều tiền mặt trong người, chỉ cần sơ sảy một chút là có thể bị mất trộm.

“Hầu hết bệnh nhân tới Bệnh viện khám bệnh đều tỏ ra lo lắng, băn khoăn khi thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, những người bệnh đã trải nghiệm thanh toán viện phí không dùng tiền mặt 1 lần và thấy được sự nhanh chóng, tiện lợi thì sau đó họ sẽ không muốn dùng tiền mặt để thanh toán nữa” – ông Hệ nói.

Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích (Ảnh: Thảo My)
Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích (Ảnh: Thảo My)

Với đối tượng bệnh nhân đến khám bệnh chủ yếu là người cao tuổi, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng đã triển khai việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ năm 2018. Tại các quầy thanh toán đều được trang bị đầy đủ máy quẹt thẻ để người dân dễ nhận biết và thanh toán viện phí qua thẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng Tài chính, Bệnh viện Lão khoa Trung ương - cho hay, do đối tượng bệnh nhân tới Bệnh viện khám bệnh chủ yếu là người già, người cao tuổi nên việc sử dụng thẻ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhiều người vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt.

Mặc dù nhiều người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt nhưng không ít người bệnh đã nhận thấy lợi ích của việc dùng thẻ để thanh toán viện phí. 

Chị N.T.H., 27 tuổi, sống ở quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, tới Bệnh viện Lão khoa Trung ương để khám bệnh tổng quát chia sẻ: “Khi tới Bệnh viện để khám bệnh tôi thích dùng thẻ để thanh toán viện phí hơn. Khi thanh toán viện phí bằng thẻ, tôi cảm thấy vô cùng thuận lợi bởi chỉ với một thao tác quẹt thẻ thì viện phí của tôi đã được thanh toán nhanh chóng, không như dùng tiền mặt luôn thường trực nỗi lo mất mát khi cầm quá nhiều tiền trong người”.

Nhiều người dân vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt (Ảnh: Minh Thúy)
Nhiều người dân vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt (Ảnh: Minh Thúy) 

Triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ khá sớm (năm 2017), khó khăn lớn nhất mà Bệnh viện Da liễu Trung ương gặp phải đó là hệ thống mạng. Ông Lê Thế Vinh – Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Giáo dục y tế, Bệnh viện Da liễu Trung ương – cho biết, việc hệ thống mạng bị lỗi khiến việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt gặp trở ngại. Điểm kết nối bị nghẽn mạng (xuất phát từ nhà cung cấp) khiến quá trình thao tác bị lỗi. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ phải quay trở lại việc thanh toán bằng tiền mặt.

Để khắc phục vấn đề này, Bệnh viện đã kết nối việc bệnh nhân dùng thẻ và dùng tiền mặt để thanh toán viện phí qua phần mềm khám, chữa bệnh tại Bệnh viện, hạn chế tối đa sai sót, cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh nhân và thẻ mà người bệnh đã sử dụng để thanh toán viện phí. Như vậy, bệnh nhân tới Bệnh viện khám bệnh có thể yên tâm thanh toán viện phí bằng cả 2 hình thức là tiền mặt và qua thẻ ngân hàng. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt để cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân.

Với đối tượng chủ yếu đến khám bệnh là trẻ em, nhằm hỗ trợ tối đa cho bệnh nhi tới khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã khai trương dịch vụ thanh toán viện phí qua thẻ khám bệnh, liên kết với ngân hàng SHB.

Khi thẻ khám bệnh đã được liên kết với ngân hàng, bệnh nhân tới Bệnh viện để khám bệnh sẽ không cần sử dụng tiền mặt để thanh toán viện phí. Bệnh nhân chỉ cần xuất trình thẻ, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh sẽ được tự động trừ trên thẻ. Thẻ còn có tính năng tích hợp thông tin hồ sơ bệnh án của khách hàng, giúp Bệnh viện dễ dàng quản lý thông tin bệnh nhân cho các lần khám bệnh và điều trị tiếp theo.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử không dùng tiền mặt

Theo Bộ Y tế, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Hiện, dịch vụ thanh toán điện tử đã dần phổ biến ở nước ta.

Thanh toán điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chi trả các hoạt động giao dịch mua bán mà không dùng tiền mặt thông qua các hình thức như chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking), ... đã được chứng thực và được sự bảo đảm của các ngân hàng.

Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và bảo đảm công khai, minh bạch hơn thanh toán tiền mặt, đồng thời, cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến ở mọi lúc mọi nơi; cho phép người tiêu dùng giao dịch và thanh toán với thị trường toàn cầu.

Người dân thanh toán viện phí tại quầy thu tiền của Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
Người dân thanh toán viện phí tại quầy thu tiền của Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh: Minh Thúy) 

Trong năm 2019, toàn ngành y tế đã có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh điện tử và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, góp phần tăng sự hài lòng cho người bệnh.

Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế vẫn còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch thanh toán, vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Đáng chú ý, trước ngày 1/7, Bộ Y tế đã phải hoàn thành việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Kỳ sau: Người bệnh không còn nơm nớp lo sợ khi thanh toán viện phí ở bệnh viện