|
Ngành gỗ Bình Dương: Đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao năng lực xuất khẩu- Ảnh internet. |
VIFA EXPO, triển lãm lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, đã bị hoãn vô thời hạn so với kế hoạch dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 3, làm tắt ngấm những kế hoạch tiếp thị, bán hàng của các công ty chế biến gỗ xuất khẩu.
Nguồn cung đứt gãy, bán hàng online trở thành giải pháp ngắn hạn của doanh nghiệp gỗ, được giãn cách xã hội thúc đẩy, nhưng hầu hết là các sản phẩm đơn giản, phục vụ khách bình dân và khách hàng tự lắp ráp. Ít nhất trong ngắn hạn, hình thức bán online đối với các dòng sản phẩm cao cấp, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập cao, vẫn chưa thể phát triển.
|
oanh nghiệp gỗ Bình Dương đang tập trung đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực xuất khẩu- Ảnh internet.
|
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết một điểm quan trọng: “Doanh nghiệp không thể bán hàng online nếu không có bản quyền về mẫu mã sản phẩm, lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển”. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới và đứng thứ hai châu Á về xuất khẩu gỗ và đồ gỗ nhưng chủ yếu làm gia công, mẫu mã do nhà mua cung cấp.
Sự phụ thuộc vào nhà mua hàng của các công ty chế biến đồ gỗ xuất khẩu cho thấy tốc độ chuyển đổi số trong ngành gỗ là không đáng kể, tận dụng sức mạnh của công nghệ mới để đổi mới mô hình kinh doanh vẫn là một thách thức lớn,
Thiếu gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh; nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ phận nghiệp vụ và thiếu sự mạnh dạn đầu tư từ các nhà lãnh đạo, các chuyên gia cho là 3 nguyên nhân chính làm chậm quá trình chuyển đổi số của ngành gỗ.
Năm 2019, cả nước có gần 4.500 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 40% so với năm 2018, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, nhưng vẫn không tạo được bứt phá do chuyển đổi số chậm hơn nhu cầu kinh doanh.
Trong khi ngành gỗ Việt Nam vẫn đang rối bời với chuyển đổi số, thì sản phẩm gỗ của Trung Quốc - quốc gia được dự đoán sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới lớn nhất thế giới trong năm 2020, theo China Internet Watch, đã được rao bán khắp thế giới thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.
Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ thương mại trực tuyến bằng các chính sách cụ thể, như ban hành một Thông báo quốc gia ghi nhận tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới hay phê chuẩn danh mục các thành phố thử nghiệm toàn diện thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhờ các chính sách trên và sự hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp nhỏ như Xiaohongshu và Ymatou đàng hoàng gia nhập thị trường, bên cạnh gã khổng lồ Alibaba.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), điều kiện tiên quyết để ngành gỗ chuyển đổi số vẫn là đáp ứng căn bản về dòng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, lao động tay nghề cao và một cơ sở hạ tầng tốt để thực hiện các giao dịch online.
Sự kết hợp truyền thống (offline) và hiện đại (online) đang trở thành mô hình phù hợp nhất cho ngành gỗ hiện nay. Ông Nguyễn Phúc Thắng, Giám đốc Công ty Nội thất Vàng Nam Á, cho biết, bán hàng qua nhiều kênh đã giúp công ty của ông không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bệnh dịch. “Doanh thu của Vàng Nam Á chỉ giảm 20% so với trước thời điểm dịch” ông Thắng nói.
Tất nhiên, Vàng Nam Á, một công ty chuyên về sàn gỗ lớn, không thể thực hiện những đơn hàng đã đến hạn, tất cả vẫn phải đợi hết dịch, trong khi hoạt động kinh doanh đã bị thu hẹp so với trước dịch, ¾ dự án lớn là các khách sạn 5 sao đã bị tạm dừng, trong khi hợp đồng với các công trình dân sinh rơi vào tình trạng đình trệ.
|
COVID-19 đang đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong thời gian ngắn nhất- Ảnh báo Công thương.
|
Sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới trên Internet đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Theo Vecom, thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh, tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, với doanh thu năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD và ước tính đạt ít nhất 10 tỷ USD vào năm 2020.
Từ những số liệu này, chứng tỏ nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ nữa mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Trung tâm đổi mới và công nghệ Becamex tại Việt Nam, Việt Nam không thể so với thế giới về khoa học, công nghệ, nhưng Việt Nam có thị trường tương đối lớn, có thể xây dựng công ty tỷ USD dựa trên nguồn lực nội địa, đặc trưng địa phương và sự sáng tạo.
Đỗ Hoài Nam, cha đẻ của “EMOTIV” tại Thung lũng Silicon vào năm 2003, nói “vấn đề quan trọng nhất là Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng, tạo ra các chính sách công bằng để doanh nghiệp có thể cạnh tranh bằng giá trị, không phải bằng tiền”. Thực ra, lúc này còn sớm cho việc dự đoán về chuyển đổi số của Việt Nam sẽ thế nào sau đại dịch.
Covid-19 đang tạo ra cơ hội và thúc đẩy nhanh chuyển đổi số của ngành gỗ, với hi vọng sự triển khai nhanh chóng hơn các giải pháp kỹ thuật số sẽ hiển thị tầm nhìn tốt hơn về hiệu suất kinh doanh, cũng như các đối tác chuỗi giá trị được kết nối với nhau khăng khít hơn.
Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA) đã hợp tác với 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Amazon và Alibaba, bắt đầu từ các hoạt động đào tạo cho các doanh nghiệp thành viên, với kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại trực tuyến.
Một bản ghi nhớ (MOU) cũng được 3 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam ký với Tập đoàn FPT nhằm đẩy chuyển đổi số, bắt đầu từ việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành, số hóa quản trị và bán hàng.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cũng hợp tác với một số đối tác lĩnh vực thương mại điện tử, để xây dựng các nền tảng bán hàng. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, nếu chuyển đổi từ bây giờ, sẽ cần 3-6 tháng để mở một website bán hàng hay kênh phân phối sản phẩm, nhưng có thể phải mất 3 năm để chuyển đổi số.
Thời điểm này, đầu tư vào chuyển đổi số là bài toán khó, nhưng doanh nghiệp sẽ được bù đắp bằng việc nhà sản xuất có thể bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng trên thế giới mà không bị chiết khấu, trong khi chu kỳ thanh toán cũng ngắn hơn.
Tất nhiên, ngay cả khi đã hoàn tất quá trình chuyển đổi số, các nhà chế biến gỗ Việt Nam không thể đơn độc ra các thị trường thế giới mà cần được đặt trong hiệp hội, với một chiến lược quảng bá chung của toàn ngành.
COVID-19 đang đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong thời gian ngắn nhất. Như vậy, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ có cơ hội xây dựng một chiến lược đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường thế giới sau đại dịch.