Bác sỹ đầu ngành của Pháp-Việt trao đổi về bệnh không lây nhiễm

Năm 2019 là năm thứ 23 của Chương trình sinh hoạt Y khoa Pháp-Việt với chủ đề 'Tối ưu hóa quản lý bệnh tăng huyết áp và tiểu đường: Vai trò thiết yếu của sự kết hợp giữa điều trị và giáo dục.'

Trong những năm qua, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực y tế ngày càng được tăng cường và mở rộng.

Chương trình sinh hoạt Y khoa Việt-Pháp là một trong những hoạt động hợp tác có chiều sâu trong lĩnh vực y tế suốt 23 năm qua. Đây là Chương trình sinh hoạt y khoa lớn nhằm cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức cho các thầy thuốc Việt Nam và cũng là dịp để các giáo sư, bác sỹ đầu ngành hai nước Pháp-Việt gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các kiến thức mới trong phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Chương trình sinh hoạt Y khoa Việt-Pháp lần thứ 23, diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội.

Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm (NCDs), trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc.

Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu quốc gia mới nhất của Bộ Y tế, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56%, tỷ lệ này ở bệnh đái tháo đường lên đến lên đến 69%; về quản lý bệnh, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86%, tỷ lệ này ở đái tháo đường là 71%.

Để phòng chống và hạn chế các bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch và tiểu đường nói riêng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình sức khỏe Việt Nam” với 11 giải pháp.

Năm 2019 là năm thứ 23 của Chương trình sinh hoạt Y khoa Pháp-Việt với chủ đề “Tối ưu hóa quản lý bệnh tăng huyết áp và tiểu đường: Vai trò thiết yếu của sự kết hợp giữa điều trị và giáo dục.”

Các đại biểu trong Chương trình Sinh hoạt Y khoa Pháp-Việt thảo luận về một mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm có tính khả thi và hiệu quả cao có tên là "Ngày đầu tiên" được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2016.

Đây là mô hình sáng tạo với tổ hợp các hoạt động khép kín theo vòng đời nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân gồm: tầm soát phát hiện bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường sớm, đào tạo phương pháp tư vấn mới cho y bác sĩ, đào tạo trực tuyến cho đội ngũ điều dưỡng, giáo dục bệnh nhân qua website.

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Chương trình sinh hoạt Y khoa Việt-Pháp lần thứ 23. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án phi lợi nhuận này được sự bảo trợ của cộng đồng Pháp ngữ, Hội Tim mạch và đái tháo đường quốc gia.

Hội nghị lần này đã nhấn mạnh vai trò của dự án Ngày đầu tiên trong việc hiện thực hóa mục tiêu 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trước năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Dự án “Ngày đầu tiên” đã được khởi xướng vào năm vào ngày 17/5/2016 dưới sự điều hành của Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết-đái tháo đường Việt Nam.

Dự án mang tính cải tiến ở điểm tập trung vào vấn đề cốt lõi là các yếu tố trong môi trường sống của bệnh nhân (gia đình, bạn bè, bác sỹ, điều dưỡng…), từ đó nâng cao nhận thức của họ về các bệnh lý không lây nhiễm, giúp bệnh nhân có thể được chẩn đoán sớm hơn, xây dựng một lối sống tập trung vào việc quản lý tình trạng bệnh một cách lâu dài.

Tất cả các thông tin của dự án trước khi đưa đến bệnh nhân, người dân đều được thẩm định bởi đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của hai Hiệp Hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu bằng tiếng Pháp tại hội nghị.

Dự án Ngày đầu tiên cũng giúp thu thập được dữ liệu đáng tin cậy từ các bệnh nhân. Dữ liệu này giúp hiểu rõ hơn về đặc điểm của bệnh nhân Việt Nam, qua đó có những định hướng rõ hơn về chiến lược quản lý bệnh này.

Không chỉ là nguồn mang đến thông tin trực tuyến chất lượng cho bệnh nhân và gia đình, dự án Ngày đầu tiên đang thực hiện một bước tiến xa hơn là đưa chương trình đến với các bệnh viện thông qua những góc tư vấn riêng.

Với những hoạt động được xây dựng từ năm 2016-2018, với đánh giá từ PWC (một tổ chức kiểm toán uy tín thế giới), dự án Ngày đầu tiên đã giúp tiết kiệm đến 3,5 triệu USD cho bệnh nhân và Bảo hiểm xã hội.

Tiếp nối với thành công trên, dự án Ngày đầu tiên sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên đến 200 góc tư vấn trong vòng 2 năm tới (2019-2020) trên toàn quốc. Khoản đầu tư chưa từng có tiền lệ này của Pháp dành cho Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong sự hợp tác về y tế sức khỏe giữa hai quốc gia./.

Theo Vietnam+

 http://www.vietnamplus.vn/bac-sy-dau-nganh-cua-phapviet-trao-doi-ve-benh-khong-lay-nhiem/575021.vnp