Bác sĩ tiết lộ sự thật về quá trình khai báo y tế của BN17 từng bị "ném đá" nhiều nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Không như ồn ào trên mạng xã hội về việc bệnh nhân (BN) 17 khai báo y tế gian dối, vô ơn, thực tế, cô đã khai báo trung thực với bác sĩ về lịch trình di chuyển của mình và cảm ơn các thầy thuốc.

Bệnh nhân 17 mắc COVID-19 khi đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhân 17 mắc COVID-19 khi đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: BVCC)

Đã gần 1 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam với ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 là 1 người đàn ông Trung Quốc đến từ tâm dịch Vũ Hán. Cũng đã gần một năm ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện - tức bệnh nhân 17 của cả nước. Đây là ca bệnh gây ồn ào dư luận nhất vì bị cho là có sự gian dối trong khai báo y tế tại cửa khẩu, kể cả sau khi cô đã khỏi bệnh và ra nước ngoài, bởi những phát ngôn mà dư luận cho là "vô ơn" với các thầy thuốc Việt Nam. Tuy nhiên, bác sĩ điều trị cho cô đã cho biết sự thật.

Bệnh nhân 17 là chị N., 26 tuổi, sống ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Ngày 28/2, chị N. khởi phát bệnh với triệu chứng ho, nhưng không đi khám y tế mà chỉ ở nhà người thân tại Anh, trong khi người thân của chị chưa được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Trong thời gian ở nước ngoài, chị N. đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Mặc dù bị ho, đau mỏi người, không rõ sốt nhưng chị vẫn lên máy bay để về nước. Sau khi nhập cảnh, chị được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Đến ngày 5/3, chị N. sốt cao 39 độ C. Chị được lái xe riêng của gia đình đưa vào Bệnh viện Hồng Ngọc khám và được xác định viêm phổi nên đã tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Kim Chung, Đông Anh) để khám. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã làm xét nghiệm và phát hiện chị N. dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chị N. trước khi về Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

Chị N. trước khi về Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

Ngay khi thông tin về bệnh nhân 17 mắc COVID-19 được công bố, chị N. đã trở thành tâm điểm chỉ trích của cư dân mạng, bởi chị đã che giấu lịch trình di chuyển của bản thân để nhập cảnh trót lọt. Hành động này của chị N. đã khiến sinh hoạt của người dân TP. Hà Nội, đặc biệt là những người sống ở phố Trúc Bạch bị đảo lộn vì cả con phố phải phong toả, cách ly để phòng COVID-19.

Sau khi bị lên án về hành vi khai báo y tế gian dối, chị N. chưa một lần công khai lên tiếng xin lỗi hành động của mình cũng như cảm ơn các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chính vì thế, PV VietTimes đã tìm đến BS. Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 17 để tìm hiểu rõ hơn về quá trình điều trị của bệnh nhân dính nhiều “thị phi” này.

Hoảng loạn vì bị ném đá trên mạng xã hội

Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân 17. BS. Thân Mạnh Hùng cho hay: Bệnh nhân 17 là một trường hợp đặc biệt. “Tôi cho rằng việc xảy ra đối với bạn ấy là một sự đen đủi trong khi cả nước đã ổn định sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ nhất. Bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đúng tua trực của tôi. Do bệnh nhân có thông tin rõ ràng về yếu tố dịch tễ và yếu tố lâm sàng nên đã được cách ly trong phòng áp lực âm. Đến ngày hôm sau thì bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2”.

BS. Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thuý)

BS. Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thuý)

Thời điểm bệnh nhân nhập viện để điều trị COVID-19, thông tin về người bệnh đã khiến dư luận và mạng xã hội dậy sóng. Chị N. đã bị “ném đá” trên mạng xã hội vì hành vi thiếu trung thực, khiến chị hoảng loạn, lúc nào tâm lý cũng cảm thấy lo lắng tột độ, không dám nghe máy điện thoại trừ của người thân trong gia đình.

Khi phát hiện bệnh nhân bị hoảng loạn, BS. Hùng đã trực tiếp nhắn tin cho chị N. qua điện thoại nhắc chị nên khoá Facebook để không ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh. Thậm chí, anh còn nghĩ tới phương án khoá Wifi hoặc thu điện thoại để chị N. không đọc những comment trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý bệnh nhân.

“Là một bác sĩ trực tiếp điều chị cho bệnh nhân, tôi ít quan tâm tới những dư luận ở bên ngoài mà chỉ quan tâm tới việc điều trị cho người bệnh. Sức khoẻ và tính mạng của người bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Thời điểm bệnh nhân mới vào viện, tôi xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là phải giúp bệnh nhân sớm ổn định tâm lý để hồi phục” – BS. Hùng nói.

BS. Thân Mạnh Hùng điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện (Ảnh: Minh Thuý)

BS. Thân Mạnh Hùng điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện (Ảnh: Minh Thuý)

Theo BS. Hùng, bệnh nhân 17 là người bệnh phải điều trị cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Các bác sĩ đã phải động viên người bệnh rất nhiều. May mắn, bệnh nhân chỉ bị tổn thương phổi nhẹ, không có biến chứng.

Khai báo trung thực ở bệnh viện

Nhớ lại quá trình khai thác thông tin bệnh nhân để cung cấp cho nhân viên y tế và cơ quan chức năng, BS. Hùng cho biết: Những thông tin mà bệnh nhân 17 khai báo hoàn toàn khác so với những thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS. Hùng đã đưa cho bệnh nhân 17 một tập giấy trắng A4 và bút để chị viết ra toàn bộ quá trình về nước, đã đi những đâu, tiếp xúc với ai. Khi đã viết ra giấy lịch trình của mình, chị N. phải ký cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì mà chị đã khai báo.

Sau khi chị N. khai báo, BS. Hùng xác nhận chị N. không đi shopping hoặc dự sự kiện như thông tin trên mạng xã hội đã đăng tải.

Bác sĩ chăm sóc cho bác gái của bệnh nhân 17 (Ảnh: Minh Thuý)

Bác sĩ chăm sóc cho bác gái của bệnh nhân 17 (Ảnh: Minh Thuý)

Nói về bệnh nhân 17, BS. Hùng nhận định: “Bệnh nhân 17 còn rất trẻ. Sự việc xảy ra là một cú sốc đầu tiên đối với bệnh nhân. Thực tế, sau khi về nước, bệnh nhân đã bị cách ly 24/24 trong căn phòng 15m2. Một người khỏe mạnh bị cách ly bắt buộc, liên tục loanh quanh trong 1 căn phòng nhỏ rất dễ bị stress tâm lý. Tôi mong muốn câu chuyện về bệnh nhân 17 chỉ dừng lại góc độ bác sĩ với bệnh nhân và góc độ chuyên môn.”

Trước một số thông tin cho rằng bệnh nhân 17 không có lòng biết ơn, vô tâm, vô cảm với các bác sĩ, thậm chí ngay cả với người thân của mình là người bác gái, BS. Hùng tiết lộ: Thực ra bệnh nhân 17 thường xuyên nhắn tin hỏi han tình hình sức khoẻ của bác gái. Trước khi ra viện, bệnh nhân rất mong muốn được lên thăm bác của mình. Khi bác gái thập tử nhất sinh, chị N. đã cầu nguyện cho sức khoẻ của bà rất nhiều. Sau khi ra viện, bệnh nhân 17 đã gửi thư cảm ơn các bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình.