Bác sĩ, chuyên gia khuyên phụ nữ gặp rối loạn sức khỏe sinh sản "đừng chịu đựng trong im lặng"

“Đừng “chịu đựng” các rối loạn do tiền mãn kinh, mãn kinh trong im lặng, hãy quan tâm đến sức khoẻ, để cuộc sống tràn đầy năng lượng tích cực!", TS Trần Đăng Khoa đưa ra lời khuyên với chị em phụ nữ.

Việt Nam có trên 13 triệu phụ nữ tiền mãn kinh - mãn kinh (TMK -MK) với những triệu chứng ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, tâm lý, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, vấn đề này mới được Bộ Y tế quan tâm đúng mức, bằng một hội thảo khoa học mang tên “Liệu pháp nội tiết mãn kinh” vào chiều 16/10, để đưa ra thông điệp: Phụ nữ đừng âm thầm cam chịu, mà đối mặt điều trị để tạm biệt những rối loạn sức khoẻ, tận hưởng niềm vui cuộc sống.

13 triệu phụ nữ mãn kinh chưa được quan tâm

Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em Bộ Y tế - thông tin: Việc suy giảm nội tiết là quá trình sinh lý tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ và gây ra hàng loạt hệ luỵ là suy giảm hệ thống nội tiết, tim mạch, xương khớp, đặc biệt là loãng xương. Thế nhưng, hầu hết chị em âm thầm cam chịu, mà không biết rằng hậu quả do suy giảm nội tiết lại là vấn đề bệnh lý với nhiều người.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, kêu gọi chị em TMK -MK "đừng cam chịu"

Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người (chiếm 1/5 dân số) bị ảnh hưởng do suy giảm nội tiết (tính cả phụ nữ bước vào độ tuổi suy giảm nội tiết tố, sau 35 tuổi), đa số trong độ tuổi lao động, nên tác động lớn đến cuộc sống gia đình và kinh tế xã hội.

Ông Tuấn cho biết thêm, Bộ Y tế nhận thấy việc chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ TMK -MK là vấn đề cấp thiết, nên đang chỉnh sửa Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó, chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn TMK-MK được xây dựng thành một chương độc lập, đầy đủ.

Tại hội thảo, PGS. TS Lưu Thị Hồng - Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em - cho hay: Sau MK, phụ nữ phải đối diện với rất nhiều rối loạn sức khoẻ như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, rối loạn giấc ngủ, cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau cơ-xương-khớp, loãng xương, … ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

PGS. TS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em

Thế nhưng, các bác sĩ chưa quan tâm đến nhóm bệnh nhân này. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ gặp các rối loạn MK lại lầm tưởng những biểu hiện này liên quan đến các chuyên khoa khác như thần kinh, cơ-xương-khớp vv… Việc chưa tìm đúng chuyên khoa tư vấn, khiến phụ nữ MK chưa nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt về bệnh thực sự của mình.

TS Trần Thị Thu Hạnh - Phó Khoa Phụ Nội tiết Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cũng chia sẻ: Suy giảm estrogen - một hiện tượng sinh lý tự nhiên ở phụ nữ TMK-MK, nhưng quá trình này diễn ra rất nhanh và liên tục, làm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chị em. Độ tuổi trung bình bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp MK là 46, sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của các chị em.

Hiểu biết để tạm biệt các rối loạn TMK-MK

Mặc dù MK là điều tất yếu xảy ra, nhưng theo TS Hạnh, vẫn có nhiều cách để giảm thiểu và phòng tránh hậu quả lâu dài của nó, nhằm cải thiện các rối loạn tuổi TMK-MK, trong đó liệu pháp nội tiết MK đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, việc điều trị mang tính cá thể, tuỳ đặc điểm sinh lý, trình độ và lối sống từng người, mà lựa chọn giải pháp an toàn, phù hợp.

TS Trần Thị Thu Hạnh - Phó Khoa Phụ Nội tiết Bệnh viện Phụ sản Trung ương

TS Hạnh cho biết việc sử dụng liệu pháp nội tiết MK đã làm giảm rõ rệt các triệu chứng TMK và giảm nguy cơ mắc các bệnh đặc trưng thời kỳ MK như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, khó chịu; khô teo âm đạo, ảnh hưởng đến đời sống tình dục; giảm loãng xương và gãy xương; giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch.

“Tuy nhiên, liệu pháp nội tiết MK vẫn có một số tác dụng không mong muốn như căng tức vú, chóng mặt, thay đổi kinh nguyệt, tăng nguy cơ gây ung thư vú, huyết khối. ” - TS. Hạnh lưu ý.

Vì vậy, phụ nữ muốn dùng thuốc nội tiết tố phải được bác sĩ tư vấn, chỉ định, không tự ý dùng thuốc để tránh có tác dụng phụ, gây nguy cơ ung thư vú, đột quỵ, huyết khối.

Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định: MK không còn là nỗi lo, vì liệu pháp nội tiết MK có tác dụng giảm các rối loạn, mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe phụ nữ.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều người

Bên cạnh đó, các chuyên gia đặc biệt lưu ý phụ nữ TMK -MK là cần thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp, tham khảo ý kiến bác sĩ về nhu cầu bổ sung nội tiết MK và thuốc điều trị, cập nhật thông tin từ nguồn chính thống và tin cậy, thay vì hỏi “bác sĩ Google”.

Phụ nữ MK cần chú ý chăm sóc sức khoẻ tinh thần bằng việc thư giãn, giữ tâm thế lạc quan, chia sẻ với người thân, tham gia hoạt động văn hoá công cộng, đồng thời, có chế độ dinh dưỡng tốt: Ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, giàu thực vật, bổ sung can xi, vitamin D để phòng loãng xương, gãy xương.

“Đừng “chịu đựng” các rối loạn do TMK-MK trong im lặng, hãy quan tâm đến sức khoẻ, để cuộc sống tràn đầy năng lượng tích cực! Chị em có thể dùng liệu pháp bổ sung nội tiết MK để cải thiện, hoặc chọn các giải pháp khác như không chứa nội tiết, thay đổi lối sống, dinh dưỡng đầy đủ vv...”- TS Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em - nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học “Liệu pháp nội tiết MK” do Bộ Y tế tổ chức để hướng ứng Ngày MK Thế giới 18/10 với chủ đề “Liệu pháp nội tiết MK”, nhằm nhấn mạnh vai trò của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ TMK-MK, đồng thời, hỗ trợ họ tiếp cận với liệu pháp nội tiết - giải pháp điều trị được khuyến cáo sử dụng.