Chiến đấu với tin giả trên "trận địa" của tin giả
BS. Ngô Đức Hùng (Hùng Ngô) – tác giả cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền”, bác sĩ của khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên của Đại học Y Hà Nội, là cái tên quen thuộc với nhiều người sử dụng Facebook. Với lối viết hóm hỉnh, kiến thức đa chiều trong lĩnh vực y học, Facebook của BS. Hùng thu hút được lượng người theo dõi lên tới gần 112.000 người. Đặc biệt gần đây BS. Hùng nổi lên như một bác sĩ tiên phong trong việc sử dụng MXH để “chiến đấu” với những hội nhóm đang sử dụng kiến thức y học thiếu chính xác khiến người dân có những hiểu biết sai lệch.
BS. Hùng cho biết, trước đây anh không dùng MXH vì đơn giản là anh không có thói quen và không có thời gian. Nhưng từ khi thử dùng Facebook, anh nhận thấy mọi người lên đó chia sẻ các vấn đề xã hội, bản thân, gia đình,… khá thú vị. Tuy nhiên, nhiều kiến thức về y tế, kiến thức chuyên khoa bị sai lệch, thậm chí anh cho rằng chính truyền thông cũng góp phần tạo cái nhìn rất lệch lạc về ngành y, đặc biệt trong giai đoạn năm 2011 – 2015.
“Mọi người nhắc nhiều đến các scandal, các “phốt” của ngành y, toàn những điều xấu mà hoàn toàn không hiểu được công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế. Ngoài ra, những thông tin không chính xác, các trào lưu sức khỏe không tốt cũng bùng nổ, và rõ ràng hậu quả của nó là ngành y phải gánh chịu. Tự nhiên mình cảm thấy rất bức xúc và có nhu cầu được chia sẻ để mọi người hiểu về công việc của người nhân viên y tế bình thường sẽ như thế nào, suy nghĩ của họ ra sao”, BS. Hùng bày tỏ.
Tác giả cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền”.
|
Từ đó, BS. Ngô Hùng lập trang cá nhân Hung Ngo vào năm 2014 và anh xây dựng nó theo phong cách “ghê gớm, chua ngoa, đanh đá” để chiến đấu với các thông tin sai lệch.
Anh tâm niệm, mỗi người có cách chia sẻ thông tin khác nhau nhưng quan trọng là điều đó phải xuất phát từ cái tâm và, hơn hết, là sự tử tế. Qua MXH, anh cố gắng lan truyền sự tử tế càng nhiều càng tốt, càng rộng càng tốt. Có thể các cách tiếp cận của mỗi người một khác nhưng điều xuyên suốt là sự tử tế.
"Thả tim" cho cả ý kiến trái chiều
Khi bàn đến kiến thức y học, anh nhận được nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí có người còn “ném đá”, nói xấu anh trên mạng. Ban đầu anh cũng cảm thấy ức chế, nhưng rồi anh nghĩ: “Thực ra MXH cũng giống như một xã hội bình thường ngoài đời thực. Chỉ có điều người ta có thể che giấu được danh tính của mình, vì vậy mà phản ứng trên MXH thường sẽ mạnh mẽ hơn ngoài đời thực, đôi khi hơi thái quá.
Đôi khi mình vẫn hay đùa là cần phải “thả tim” cho những ý kiến trái chiều bởi vì họ dám nói lên các quan điểm của mình. Đó cũng là điều tốt để cho mình hiểu được là những người đang tranh luận với mình họ muốn gì, họ nghĩ gì. Nó cũng giúp cho mình hiểu được các vấn đề của xã hội hiện tại”, anh từ tốn.
Nói về thái độ rất quyết liệt khi “chiến đấu” với các hội như anti vaccine, thuận tự nhiên… trên Facebook Hung Ngo hiện nay, anh bùi ngùi nhớ năm 2013, có một cô bé đã nhịn ăn, uống nước detox trong vòng 10 ngày để làm đẹp, cuối cùng cô bé bị ngừng tim, sau khi cấp cứu tim đập lại được thì đã bị chết não. Rồi những bệnh nhân bị ung thư bỏ phác đồ điều trị, theo trào lưu ăn kiêng, thuận tự nhiên, khi quay trở lại viện thì khối u đã tiến triển đến giai đoạn muộn và không còn khả năng điều trị nữa.
Một trong những bài viết gần đây của BS. Hùng "chiến đấu" với nhóm hội như anti vaccine, thuận tự nhiên… trên Fanpage.
|
Anh thấy ngậm ngùi khi hệ quả từ mạng ảo đến đời thực và chính vì vậy anh thấy không thể nào yên lặng và càng quyết tâm phải chiến đấu với các tin giả để mọi người có cái nhìn đúng đắn về các vấn đề sức khỏe. Đó cũng là lý do anh lập ra trang Facebook Đốc tờ Húng Ngò để cố gắng cung cấp cho mọi người những thông tin sức khỏe khoa học và đúng đắn nhất trong khả năng của mình. Và hơn nữa là để lan tỏa sự tử tế.
Tuy nhiên, con đường ấy đầy chông gai. Trước đây, anh đã có thời gian cảm thấy đơn độc và chán nản, không thể hiểu tại sao bị ném đá liên tục, kể cả từ những người tốt. Họ cứ nghĩ là mình đưa ra những vấn đề đó với mục đích đánh bóng tên tuổi, tạo scandal để nổi tiếng.
Khoảng thời gian đó anh từng muốn từ bỏ, nhưng sau anh nghĩ rõ ràng mình đang làm 1 điều tốt, vậy có lý do gì để dừng bước? “Và thời gian gần đây, có nhiều người hưởng ứng, nhiều bạn trẻ đứng lên cùng chống lại tin giả liên quan đến vấn đề y tế. Dấu hiệu đầy tích cực”, BS. Hùng trải lòng.
Động lực để lan tỏa
Đến bây giờ và chắc mãi sau này, BS. Hùng sẽ không quên được trường hợp bệnh nhân đặc biệt, cũng chính là người mang đến động lực để anh đưa thông tin về sức khỏe đến tất cả mọi người. Năm 2014, một bệnh nhân nam lớn tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Có một khoảng thời gian bác bỏ điều trị tại bệnh viện mà đi theo thực dưỡng, các phương pháp trên mạng nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau khi đọc bài chia sẻ trên Facebook của BS. Hùng liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bác đã đến gặp anh để được tư vấn.
Sau buổi gặp gỡ, bác ấy đã quyết định quay trở lại điều trị theo phác đồ thông thường. Lúc đó thì bệnh lý của bác cũng đã ở giai đoạn 4, tình trạng khá nặng, phổi đã xơ hóa gần hết. Hai năm sau, bác mất. Cho đến một ngày, vợ bác ấy mang chiếc máy khí dung đến khoa gặp anh. Vợ bệnh nhân truyền đạt lời dặn, rằng nhờ nghe lời bác sĩ mà bác ấy đã cố gắng điều trị theo phác đồ và ông đã sống rất thoải mái trong hai năm cuối đời. Trước lúc ông mất, ông có mong muốn gửi tặng phác đồ, máy móc điều trị đã dùng để bác sĩ tiếp tục sử dụng cho những bệnh nhân khác.
“Bệnh nhân đã có một tư tưởng thoải mái, không còn lo ngại gì nữa và đó là một điều rất cần thiết đối với bệnh nhân bệnh lý giai đoạn cuối. Mình rất xúc động vì sau 2 năm, người nhà bệnh nhân đã quay trở lại tặng máy móc để sử dụng cho bệnh nhân khác, đây cũng là động lực cho tôi lan tỏa sự tử tế cho tất cả mọi người”, BS. Hùng nói.