|
PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh cùng ê kíp phẫu thuật cho sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội) |
Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, nhiều thai nhi không chỉ mắc các bệnh lý phức tạp, mà còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khó lường, đe doạ đến tính mạng. Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về can thiệp bào thai, cứu sống thai nhi ngay trong bụng mẹ, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
PV: Xin ông cho biết, việc can thiệp bào thai cho sản phụ được thực hiện trong tình huống và thời điểm như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh: Tuỳ từng bệnh lý, các bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định khác nhau để tiến hành can thiệp bào thai. Có trường hợp sau khi thai được chẩn đoán các bất thường, các bác sĩ phải hội chẩn để đưa ra quyết định bỏ thai vì bệnh lý thai nhi mắc phải quá nặng nề, không có cơ hội cứu sống. Đứa bé có thể tử vong trong tử cung trước khi sinh ra hoặc khi sinh ra sẽ cũng không thể cứu sống. Cũng có trường hợp việc can thiệp điều trị sẽ tốt hơn cho thai nhi vì mọi can thiệp vào buồng tử cung đều khó khăn, tốn kém nhiều chi phí, đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sảy thai vì động vào buồng tử cung.
|
PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý) |
Tuy nhiên cũng nhiều trường hợp thai nhi mắc một số bệnh lý không thể đợi chờ được cho đến ngày sinh đẻ, mà phải can thiệp điều trị ngay từ trong bào thai. Nếu đợi đến 9 tháng 10 ngày sinh ra thì trong quá trình sản phụ mang thai, thai nhi có thể tử vong, hay bệnh lý mà thai mắc phải có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể như: não, tim, phổi, thận,… khiến bé khi sinh ra phải chịu những di chứng nặng nề, thậm chí là tàn phế.
PV: Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện bao nhiêu ca can thiệp bào thai? Trường hợp can thiệp bào thai nào gặp nhiều khó khăn nhất thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh: Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện khoảng 50 ca can thiệp bào thai. Đây chỉ là con số mở đầu vì nhu cầu can thiệp bào thai ở Việt Nam mỗi năm lên tới hàng ngàn ca.
Trong những ca can thiệp bào thai được thực hiện tại Bệnh viện, trường hợp đặc biệt nhất là sản phụ bị vỡ tử cung khi đang mang thai. Khi tử cung của sản phụ bị vỡ, thai nhi mới chỉ nặng 600gram. Các bác sĩ đã nỗ lực chạy đua với tử thần để cứu sống thai nhi đến khi bé được 1,5kg. Chúng tôi kiểm soát cơn co tử cung và tình trạng nhiễm trùng để giành giật từng giây, từng phút cho bé. Đây là trường hợp đặc biệt nhất đối với tôi.
|
Nhiều ca can thiệp bào thai đã được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội) |
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên thực hiện kỹ thuật phẫu thuật can thiệp bào thai với tỷ lệ thành công ngang với các nước phát triển trên thế giới. Kết quả này có được là do sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng về cơ sở vật chất, máy móc, kỹ thuật, các bác sĩ làm chủ kỹ thuật.
PV: Hiện, Bệnh viện đang sử dụng những kỹ thuật hiện đại gì trong can thiệp bào thai thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh: Can thiệp bào thai là kỹ thuật phẫu thuật khó nhất trong sản khoa. Kỹ thuật này đòi hỏi những dụng cụ phẫu thuật hết sức tinh vi với độ chính xác cao do bào thai rất nhỏ, mong manh. Hơn nữa, bác sĩ thực hiện kỹ thuật phải là người có tay nghề chắc chắn nếu không sẽ rơi vào tình huống “sai một li đi một dặm”. Vì ranh giới trong quá trình can thiệp bào thai rất mong manh, thai nhi còn rất nhỏ (hầu hết thai nhi chỉ có cân nặng khoảng vài lạng).
Hiện nay các nước thế giới đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó trong can thiệp bào thai như can thiệp vào não, tim, phổi, thận,… của thai nhi. Việc can thiệp này phải có sự phối hợp của các chuyên khoa khác nhau chứ không chỉ riêng chuyên khoa sản. Khoa sản chỉ đóng vai trog mở đường, hỗ trợ về mặt sản khoa còn những can thiệp sâu hơn ở tim, não,… phải cần các bác sĩ tim mạch, thần kinh cùng kết hợp. Thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện những kỹ thuật này.
PV: Việc can thiệp bào thai kịp thời đã hỗ trợ cho sản phụ như thế nào thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh: Tại Bệnh viện, những trường hợp phải thực hiện can thiệp bào thai là những sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và có dải xơ buồng ối, hết ối. Trước đây, với những trường hợp hết ối, các bác sĩ đều “bó tay”, phải huỷ thai nhưng hiện nay các bác sĩ đã cứu được những trường hợp này.
|
Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh, can thiệp bào thai là kỹ thuật phẫu thuật khó nhất trong sản khoa (Ảnh: Minh Thuý) |
PV: Khó khăn lớn nhất khi các bác sĩ thực hiện can thiệp bào thai cho sản phụ là gì thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh: Khó khăn đầu tiên của can thiệp bào thai đó là bản thân kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn sâu, tỉ mỉ. Không chỉ vậy, kỹ thuật này mang tính cấp cứu cao. Chỉ cần chần chừ không can thiệp, chỉ sau 1 đêm là thai nhi đã có thể có những diễn biến xấu đi rất nhanh.
Thực tế, có những ca phẫu thuật kéo dài hàng giờ, các bác sĩ phải kiên trì thực hiện một cách tỉ mỉ, chính xác. Ngoài ra, sau mổ, các bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của sản phụ và thai nhi. Việc này đòi hỏi chuyên môn và trách nhiệm của các bác sĩ. Bởi việc cứu sống một đứa trẻ thực sự là một niềm vui và niềm hạnh phúc đối bởi những người mẹ coi đứa con là niềm hy vọng duy nhất trong cuộc đời mình.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!