Bắc Kinh: Mỹ là mục tiêu, Nhật đối thủ, Nga kẻ ngáng đường

Trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc sắp thăm Mỹ, Nhật Bản thông qua dự luật an ninh cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài, học giả Úc cho rằng những động thái phô trương sức mạnh của Bắc Kinh khiến cả Mỹ, Nga và Nhật Bản đều lo lắng.
Trung Quốc duyệt binh rầm rộ, phát đi nhiều thông điệp về sự nỗi lên của mình
Trung Quốc duyệt binh rầm rộ, phát đi nhiều thông điệp về sự nỗi lên của mình

Chuyên gia của Viện Lowy (Úc) nhận định rằng cuộc diễu binh ầm ĩ trên không chỉ là sự hoài niệm về quá khứ, mà còn là sự cảnh báo với thế giới về tham vọng tương lai của Trung Quốc. Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít dường như là một thắng lợi cá nhân đối với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và là một cuộc thao diễn đầy ý đồ, phát đi thông điệp rằng: Trung Quốc theo đuổi đường lối hòa bình bằng cách thiết lập trật tự châu Á an toàn cho riêng mình. Những sự can thiệp từ bên ngoài đều không được hoan nghênh.

Thông điệp răn đe đã được gửi đến Mỹ và Washington đã nhận thức được. Một loạt các loai tên lửa mới được Bắc Kinh trình làng tại lễ duyệt binh hoành tráng nhấn mạnh mối nguy hiểm đối với lực lượng hải quân Mỹ, đặc biệt trước đòn tấn công phủ đầu của những hệ thống vũ khí đáng sợ này.

Bắc Kinh có vẻ đã từ bỏ chiến lược “Ra đòn và ẩn náu” để chuyển sang “Ra tay hoặc thua cuộc”. Trước buổi sáng diễn ra lễ diễu binh, một nhóm chiến hạm Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Alaska. Trước chuyến thăm của ông Tập tới Washington, đó là lời cảnh báo rõ ràng.

Theo chuyên gia Úc, nếu như Mỹ là mục tiêu của cuộc diễu binh thì Nhật Bản là đối tượng nhắm tới. Mối hận thù của Trung Quốc đối với Nhật Bản dường như ngày càng sâu đậm thêm cùng với thời gian. Lễ kỷ niệm ngày càng trở thành dịp để khích động thù nghịch và chủ nghĩa dân tộc. Quốc tế cảm nhận rất rõ cả Trung Quốc và Nhật Bản đã thất bại trong việc thực lòng hòa giải. Tokyo ngày càng bất an về việc Bắc Kinh cố gợi lại quá khứ và hiện tại đang hết sức lo ngại về tương lai.

Chuyên gia về Nhật Bản Sheila Smith nhận xét, giới tinh hoa Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng mất niềm tin vào khả năng giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Một số vấn đề bất hòa liên quan tới lịch sử. Nhưng Trung Quốc ngày nay đang làm xói mòn lòng tin của Nhật Bản bằng cách thúc đẩy các lợi ích của họ thời hậu chiến.

Tất cả những lựa chọn trước đây của Tokyo hiện đều đang bị Bắc Kinh thách thức: dựa vào các thiết chế kinh tế và chính trị quốc tế để giải quyết tranh chấp, cam kết duy trì một trật từ kinh tế toàn cầu cởi mở và tự do và quan hệ đồng minh với Mỹ. “Càng ngày Nhật Bản càng thấy Trung Quốc thách thức không chỉ Nhật Bản mà cả trật tự toàn cầu mà Tokyo xem đó là nền tảng giúp họ thành công thời hậu chiến”, Smith nói.

Trung Quốc khiến cho các nước trong khu vực và quốc tế quan ngại về việc liên tục tăng chi quốc phòng và ngày càng tỏ ra hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ
Trung Quốc khiến cho các nước trong khu vực và quốc tế quan ngại về việc liên tục tăng chi quốc phòng và ngày càng tỏ ra hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ

Nhưng không chỉ Mỹ hay Nhật Bản lo ngại, ngay cả Nga cũng vậy. Tổng thống Vladimir Putin là khách mời tại lễ duyệt binh, nhưng câu hỏi mà người Nga không thể lờ đi là tại sao lãnh đạo của họ lại chấp nhận “giao” chiến thắng phát xít Nhật cho Trung Quốc, sự kiện lịch sử đã bị bóp méo và phủ nhận vai trò chính thức của Nga trong thất bại của phát xít Nhật trong Thế chiến 2.

Tuy nhiên, ông Putin là một người rất thực tế. Chuyên gia Nga Bobo Lo từng cảnh báo rằng quan niệm một thế giới đa cực mới mà Nga đứng ngang bằng với Mỹ và Trung Quốc có vẻ là một ảo tưởng.  Liệu nhà lãnh đạo Nga có yên tâm với sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc?

Chắc chắn là Nga bất an, không chỉ vì tốc độ hay tính nghiêm trọng của thực tế, mà còn cả sự lảng tránh những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra nữa. Nga vẫn ám ảnh bởi nỗi sợ hãi bị gạt sang một bên trong cuộc cạnh tranh tam giác chiến lược diễn ra những năm 1980. Nga có thể bị xem là kẻ ngáng đường nếu gây ảnh hưởng tới mục tiêu đoạt ngôi vị siêu cường lãnh đạo thế giới của Trung Quốc.

Một nhà quan sát về Nga nổi tiếng, ông Walter Laquer cho rằng hiện nay Nga đang mạnh nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng ông dẫn lời trí thức Nga Sergey Karaganov nhận định Nga đang thế yếu. “Có vẻ Nga đang cố gắng thay đổi tập trung cạnh tranh với phương Tây từ sức mạnh mềm, kinh tế cho tới quyền lực cứng, ý chí chính trị và trí tuệ…Nhưng chiến lược này khiến Nga ở thế yếu trong quan hệ với Trung Quốc”, ông nhận xét.

Karaganov lo ngại Nga quá tay, thiếu sức mạnh. Theo Karaganov, Trung Quốc đang nổi lên và ngày càng tự tin. Nhật Bản suy yếu và bất an. Nga đáng tin cậy nhưng đang yếu thế. Tất nhiên, quan hệ Mỹ-Trung được chú ý nhất bởi Bắc Kinh tin rằng việc họ trở lại vị thế siêu cường là không thể đảo ngược. Còn Mỹ cũng có ý thức rất mạnh về định mệnh siêu cường. Vì thế, sự tự vệ, cạnh tranh lẫn nhau có thế dẫn tới quan hệ Mỹ-Trung ổn định hoặc bất ổn.

Theo Viện Lowy, có một điều chắc chắn là qua sự thù địch ngày càng tăng, các quốc gia đang chơi những trò chơi khác nhau. Trung Quốc là một phiên bản lai giữa mô hình Nga và Nhật, một đảng lãnh đạo nhà nước siêu tập trung quyền lực dựa trên một nền kinh tế dựa vào đầu tư, tín dụng và tập trung xuất khẩu. Khi Bắc Kinh duyệt binh rầm rộ biểu thị tin tưởng vào tương lai, cũng đồng thời cảnh báo những tham vọng đối với thế giới.

Mặc dù hồi tháng 8/2015 đã tuyên bố ngừng bồi lấp ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh xây đảo nhân tạo và lắp đặt các trang bị quân sự. Tờ Washington Post dẫn tin từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc vẫn đang ồ ạt xây dựng quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa, bao gồm một đường băng mới. Các sân bay này một khi hoạt động sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát không phận khu vực. Ngoài đường băng, Trung Quốc còn đang lắp đặt trên các đảo nhân tạo vũ khí phòng không và nhiều tàu hải quân khác nhau, phó chủ tịch CSIS Michael J. Green cho biết. Kết hợp các loại vũ khí sẽ củng cố thêm vị thế của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Theo QPAN