Bắc Kinh "đánh đòn phủ đầu" với Big Tech: Nhìn bài học từ Alibaba!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – ByteDance, JD.com và Meituan nằm trong danh sách những công ty công nghệ đầu tiên cam kết tuân thủ chống độc quyền sau vụ Alibaba. 
Alibaba bị phạt 2,8 tỉ USD vì cáo buộc độc quyền.
Alibaba bị phạt 2,8 tỉ USD vì cáo buộc độc quyền.

JD.com, Meituan và ByteDance dẫn đầu nhóm các công ty Big Tech đầu tiên của Trung Quốc cam kết tuân thủ luật pháp sau khi Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) yêu cầu họ "rút ra bài học" từ Alibaba Group Holding trong cuộc điều tra chống độc quyền mới nhất của Bắc Kinh.

Ngày 14/4, 12 trong số 34 công ty công nghệ đã đưa ra tuyên bố công khai cam kết kinh doanh tuân thủ luật pháp sau khi SAMR cảnh báo về lệnh trừng phạt chống độc quyền gần đây của Alibaba và tiến hành tự kiểm tra trong tháng tới.

Trước đó, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba bị phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD với cáo buộc ép tiểu thương phải bán sản phẩm độc quyền trên nền tảng. Hành vi độc quyền được hiểu là cách các doanh nghiệp triệt tiêu sự cạnh tranh của đối thủ bằng cách buộc khách hàng phải chọn "một trong hai".

JD.com đã đưa ra tám lời hứa bao gồm "không bao giờ thực hiện các biện pháp buộc người bán phải chọn một trong hai và không bao giờ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc thực hiện bất kỳ giao dịch độc quyền nào". Tập đoàn thương mại điện tử cũng cho biết họ sẽ "không bao giờ xuất bản các quảng cáo bất hợp pháp và không bao giờ bán các sản phẩm có chất lượng không đạt tiêu chuẩn".

Nhân viên giao hàng của Meituan.
Nhân viên giao hàng của Meituan.

Meituan hứa sẽ không áp đặt các biện pháp vô lý buộc người bán phải "chọn một trong hai" và sẽ không lạm dụng vị thế thị trường của mình để hạn chế cạnh tranh. Ngoài ra, công ty cam kết hỗ trợ đầy đủ cho các cơ quan quản lý của Trung Quốc. Meituan nói: "Một khi chúng tôi tìm thấy bằng chứng về hành vi bất hợp pháp, chúng tôi sẽ báo cáo cho các cơ quan quản lý một cách kịp thời và sẵn sàng hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào."

ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng video ngắn TikTok và Douyin, đã đưa ra 13 lời hứa trong tuyên bố công khai của mình. Công ty kỳ lân có giá trị nhất của Trung Quốc cho biết họ sẽ "không thu thập bất hợp pháp và lạm dụng dữ liệu người dùng" và tuân theo "nguyên tắc tối thiểu" trong việc thu thập dữ liệu từ người dùng. Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo cho biết họ sẽ "chủ động gánh vác nhiều trách nhiệm xã hội hơn", cũng như tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy định.

Các công ty còn lại dự kiến ​​sẽ công bố cam kết công khai của họ trong hai ngày tới

Việc Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào các công ty Big Tech quan trọng bao gồm Kuaishou, Bilibili và Didi Chuxing diễn ra vào thời điểm chính phủ Trung Quốc đang kiên quyết sử dụng luật chống độc quyền và các phương pháp điều chỉnh khác để ngăn chặn sự bành trướng mất kiểm soát.

SAMR đã cáo buộc các công ty công nghệ lớn về những hành vi sai trái như ép buộc người bán chỉ được chọn một nền tảng giao dịch, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng dữ liệu lớn để tính giá không công bằng cho một số khách hàng nhất định, làm ngơ sản phẩm kém chất lượng, rò rỉ dữ liệu khách hàng, cũng như trốn nộp thuế.

SAMR cho biết hôm thứ Ba: "Không ai được phép vượt qua các đường quy định và không được chạm vào lằn ranh đỏ luật pháp."

34 nhà cung cấp dịch vụ Internet nằm trong tầm ngắm, nhiều trong số đó đang được niêm yết ở sàn giao dịch Mỹ và Hồng Kông. Các công ty được yêu cầu "nâng cao tinh thần trách nhiệm và ưu tiên cho lợi ích quốc gia".

"Các công ty phải tuyệt đối tránh mở rộng vốn một cách mất trật tự để đảm bảo an ninh kinh tế và xã hội của Trung Quốc, các bạn phải tuyệt đối tránh độc quyền để đảm bảo thị trường cạnh tranh công bằng," theo tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nền tảng dịch vụ Internet.

SAMR cho biết các công ty có một tháng để thực hiện "tự kiểm tra và tự sửa chữa", sau đó chính phủ sẽ tiến hành theo dõi và "trừng phạt nghiêm khắc" những công ty không giải quyết được hành vi sai trái.

Theo SCMP