Bác đề xuất lập “khu chế xuất riêng biệt” của Samsung Display Việt Nam

Samsung Display Việt Nam và doanh nghiệp chế xuất nằm trong khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh xen lẫn các doanh nghiệp nội địa và không có hàng rào ngăn cách với bên ngoài.

Mới đây, Công ty Samsung Display Việt Nam (SDV) kiến nghị về việc SDV cho một doanh nghiệp chế xuất khác là nhà cung cấp của SDV thuê lại một phần nhà xưởng để sản xuất nguyên vật liệu đầu vào cho SDV (đầu ra cuối cung của chuỗi sản xuất này là xuất khẩu hoặc bán cho doanh nghiệp chế xuất khác).

Theo đó, trường hợp này xác định là hoạt động mua bán hàng hoá giữa hai doanh nghiệp chế xuất với nhau vì vậy thuộc đối tượng áp dụng cơ chế quản lý chính sách thuế quy định cho doanh nghiệp chế xuất.

Vụ Chính sách thuế cho biết, qua trao đổi trực tiếp với Hải quan Bắc Ninh, Vụ Chính sách thuế được biết SDV là doanh nghiệp chế xuất nằm trong khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, xen lẫn với các doanh nghiệp nội địa và không có hàng rào ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan hải quan nên thực tế quản lý của cơ quan hải quan đối với SDV là rất khó khăn.

Vụ Chính sách thuế dẫn quy định tại khoản 2 điều 1 Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế cho biết: “Khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra vào đảm bảo điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan”,

“Từ thực tế và quy định nêu trên đề xuất xem xét, xác nhận “có thể coi SDV và nhà cung cấp này là một khu chế xuất riêng biệt” là không phù hợp với quy định của pháp luật về khu chế xuất”, văn bản của Vụ Chính sách thuế cho biết.

Theo quy định tại Nghị định 114 doanh nghiệp chế xuất được mua vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.

Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại.

Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.

Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai báo hải quan…

 Theo BizLIVE