|
Bac A Bank không có cổ đông lớn nào! (Ảnh: Internet) |
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Thứ Năm ngày 28/12, 500 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) sẽ chính thức chào sàn UPCoM với mã BAB.
Như vậy, Bac A Bank sẽ là ngân hàng thứ năm và cũng là cuối cùng đưa cổ phiếu lên niêm yết tập trung trên các sàn chứng khoán (tính cả UPCoM, HNX, HoSE) trong năm 2017 này, sau VIB, Kienlongbank, VPBank và LienVietPostBank. Được biết, ngay sau Bắc Á, HDBank sẽ đưa 883 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE vào đầu năm 2018.
Việc các ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn là một động thái tích cực về nhiều mặt, mà trước hết là sự minh bạch. Với một công ty niêm yết (kể cả trên UPCoM), công chúng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thông tin về sức khỏe tài chính, biến động nhân sự, những thay đổi thường xuyên và cả bất thường ở doanh nghiệp.
Với Bac A Bank cũng vậy. Thực tế trước khi quyết định lên sàn, ngân hàng vẫn đáp ứng yêu cầu tối thiểu về việc công bố thông tin đối với một tổ chức tín dụng đại chúng. Nhưng giờ đây, với tư cách của một doanh nghiệp niêm yết trên UPCoM, mức độ minh bạch thông tin của BacABank sẽ càng mở hơn, khách hàng và những ai quan tâm tới ngân hàng này sẽ có cơ hội để tiếp cận thông tin ở mức sâu hơn.
Báo lãi 387 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
Cáo bạch niêm yết của Bắc Á cho hay, tính đến cuối tháng 9/2017, ngân hàng có tổng tài sản gần 86.000 tỷ đồng.
Quy mô tín dụng của ngân hàng là 52.084 tỷ đồng; Trong đó các khoản nợ xấu nội bảng là 357 tỷ đồng - chưa tính tới 600 tỷ mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, mà bản chất cũng là nợ xấu “chuyển khẩu”. Bac A Bank hiện đã trích lập dự phòng 277 tỷ đồng cho lô trái phiếu VAMC này, tương đương 46%.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 của Bac A Bank cho thấy, các khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này tại cuối quý là 2.612 tỷ đồng. Đây là một điểm cần lưu ý, bởi những rủi ro liên quan tới lãi dự thu có lẽ là điều không cần nhắc lại.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, tổng thu nhập của BAB đạt 5.223 tỷ đồng (89,35% so với năm 2016), chủ yếu là Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 5.002 tỷ đồng (chiếm 95,77%), tiếp đến là Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 16.078 tỷ đồng (chiếm 2,12%) và Thu nhập từ các hoạt động khác.
Trong tổng doanh thu 5.223 tỷ đồng, lưu ý, ngân hàng mẹ Bac A Bank đã đóng góp tới 5.190 tỷ đồng.
Ở hướng ngược lại, tổng chi phí lũy kế đến 30/09/2017 ở Bac A Bank đạt 4.740,42 tỷ đồng, bao gồm chủ yếu: Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự (3.789 tỷ đồng), Chi phí hoạt động (487,61 tỷ đồng) và Chi phí từ dự phòng rủi ro tín dụng đạt (298,63 tỷ đồng).
Tương ứng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất (lũy kế đến 30/09/2017) đạt 386,67 tỷ đồng, tăng 23,87% so với cùng kỳ 2016. Mức lợi nhuận ấn tượng này hẳn là một căn cứ quan trọng để Bac A Bank xác định giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên ở 20.000 đồng/cổ phiếu.
Được biết, mức lương bình quân của cán bộ nhân viên tại BAB, trong 9 tháng đầu năm 2017, là 12 triệu đồng/người/tháng – thực tế là khá thấp trong nhóm ngân hàng TMCP. Tuy nhiên, mức lương bình quân ấy chỉ là kết quả của một phép tính bình quân gia quyền, cào bằng thu nhập giữa nhân viên và những người quản lý.
Ẩn số về dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu
Cáo bạch và báo cáo tài chính của Bac A Bank, dù phân tích khá tường minh về dư nợ cho vay theo đối tượng khách hàng và theo loại hình doanh nghiệp, cũng như dư nợ theo thời gian, song lại không thấy ngân hàng này đề cập đến dư nợ gốc cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Theo cập nhật mới nhất, tại ngày 31/12/2016, tổng dư nợ gốc cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu tại BAB là 344,595 tỷ đồng, vượt 5% vốn tự có theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Liên quan đến vi phạm này, được biết, ngày 08/04/2015, Bac A Bank đã có công văn số 116/2015/CV-BacABank gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương án xử lý vi phạm liên quan đến cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Tại công văn, Bac A Bank đã đưa ra lộ trình để đáp ứng giới hạn cho vay này vào năm 2019 thông qua 2 biện pháp:
(1) Tập trung thu hồi nợ khách hàng đối với khoản cho vay có tính chất ngắn hạn, đặc biệt đối với những dư nợ đã quá hạn hoặc chuẩn bị đến hạn. Đồng thời, ngân hàng sẽ tích cực làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tìm biện pháp thu hồi nợ, yêu cầu khách hàng thoái vốn đầu tư vào các doanh nghiệp dự án…;
(2) Tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2016, BacABank đã tăng vốn theo đúng lộ trình gửi Ngân hàng Nhà nước.
Hiện chưa rõ đến thời điểm này, việc khắc phục của Bac A Bank đã được tiến hành đến đâu và kết quả ra sao. Cũng chưa rõ đâu là bên đã vay Bac A Bank liên quan đến các khoản vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu này; Các khoản dư nợ này hiện đạng được phân loại vào nhóm mấy, khả năng thu hồi ra sao….
Cả ngân hàng VĐL 5.000 tỷ đồng không có lấy một cổ đông lớn
Có một điểm cần lưu ý khác đối với Bac A Bank là cơ cơ cấu sở hữu ở ngân hàng này. Theo cáo bạch, tính đến ngày 30/11/2017, Bac A Bank có 137 cổ đông; Trong đó có 8 cổ đông tổ chức và 129 cổ đông cá nhân – tất cả đều là cổ đông trong nước
Đáng nói, Bac A Bank không có cổ đông lớn nào. 8 cổ đông tổ chức chỉ nắm giữ tổng cộng 185,65 tỷ đồng vốn điều lệ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,713%. Có nghĩa, mỗi cổ đông giữ khoảng 2,32 triệu cổ phiếu BAB, tương đương khoảng 23,2 tỷ đồng theo mệnh giá.
96,287% cổ phần – 4.814,35 tỷ đồng vốn điều lệ - còn lại thuộc sở hữu của 129 thể nhân. Trung bình mỗi người này sở hữu khoảng 0,746% cổ phần Bac A Bank, tương đương khoảng 37,32 tỷ đồng - theo mệnh giá.
Có thể nói, Bac A Bank là một nhà băng với quy mô cổ đông không lớn nhưng lại cơ cấu sở hữu lại rất loãng.
Cổ đông nổi tiếng nhất của ngân hàng này – bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT – thực tế chỉ đứng tên 21,625 triệu cổ phiếu BAB, chiếm 4,325% vốn điều lệ. Tính cả số cổ phiếu mà những người có liên quan nắm giữ, quy mô sở hữu của nhà bà Thái Hương tại Bac A Bank mới chỉ đạt 4,709%.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Trần Thị Thoảng cũng chỉ sở hữu cá nhân đối với 16,032 triệu cổ phiếu BAB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,206%. Tính thêm cả phần của những người có liên quan thì quy mô sở hữu của cả gia đình mới chỉ là 5,023%.
Lưu ý là bà Thoảng đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT Bac A Bank suốt từ năm 2000 đến nay. Còn với bà Thái Hương, thậm chí suốt từ khi ngân hàng được thành lập (từ năm 1994), bà Hương luôn an vị tại chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bắc Á.
Vậy có thực là quy mô sở hữu của nhóm bà Thoảng và bà Hương tại BAB chỉ dừng lại ở con số vừa nêu (?!), hẳn không phải là một câu hỏi dễ trả lời.
Còn với Bac A Bank, như những gì đã nêu trong cáo bạch, đây quả là một nhà băng đặc biệt – một nhà băng với vốn điều lệ tới 5.000 tỷ đồng nhưng không có lấy một cổ đông lớn. Trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, hẳn không dễ để tìm được một nhà băng nào như vậy./.