Ba mươi ngàn tỉ đồng lợi nhuận “treo” của Vietcombank

Chuyện Vietcombank phải “kiềm chế” để không công bố mức lợi nhuận vượt trội trong ngành suốt những năm qua nay đã không thể nữa. Đơn giản là ngân hàng đã đến ngày “hái quả” sau bảy năm nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp

“Quỹ dự phòng rủi ro vượt 21.000 tỉ đồng và hơn 9.000 tỉ đồng đã thu về từ việc phân phối sản phẩm bảo hiểm độc quyền với Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD Vietnam vẫn còn nguyên, chưa hạch toán đồng nào vào lợi nhuận. Từ năm nay đến 2025 không tăng trưởng lợi nhuận ròng cao là vô cùng khó với Vietcombank”, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương chia sẻ. Những năm qua Vietcombank đã phải “kiềm chế” để không công bố mức lợi nhuận vượt trội trong ngành, nhưng năm nay thì không thể nữa. Đơn giản là ngân hàng đã đến ngày “hái quả” sau bảy năm nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp lên mức mới.

Khách hàng giao dịch tại các chi nhánh của Vietcombank. Ảnh: Web Vietcombank.

Chất vấn như trên diễn đàn Quốc hội

Cuộc họp giao ban quí 1-2021 của Vietcombank tại toà nhà chi nhánh TPHCM diễn ra từ 8 giờ sáng đến 3:30 chiều không giải lao, không ăn trưa. Tất cả giám đốc các chi nhánh có mặt đều phải giải trình về hoạt động ba tháng đầu năm, sau đó trả lời chất vấn của ban lãnh đạo về những vướng mắc cũng như tồn tại chưa tháo gỡ được. “Chất vấn như trên diễn đàn Quốc hội”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.

Bảy năm trước, vào năm 2014, Vietcombank bắt đầu triển khai hệ thống quản trị doanh nghiệp mới. Lúc bấy giờ, những chi nhánh đạt lợi nhuận ròng 100 tỉ đồng/năm đếm trên đầu ngón tay. Một cơ chế mới được mở trong nội bộ ngân hàng, phân cấp quản lý, trách nhiệm đến chi nhánh, phòng giao dịch với mục tiêu đầy tham vọng phổ cập mức lợi nhuận 500 tỉ đồng/chi nhánh/năm cùng với đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính.

Năm 2013 lợi nhuận trước thuế của Vietcombank hơn 5.700 tỉ đồng. Năm 2014 chỉ nhích nhẹ lên gần 5.900 tỉ đồng. Tuy nhiên “hơi nóng” của cơ chế mới đã lan toả. Năm 2015 lợi nhuận ngân hàng tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với cùng kỳ, năm sau đó tăng 1.700 tỉ đồng, năm 2017 tăng hơn 3.000 tỉ đồng…. cứ thế, tốc độ lớn dần. Năm 2019 lợi nhuận Vietcombank bứt phá 23.122 tỉ đồng, gấp hơn bốn lần năm 2013. Năm ngoái do Covid, ngân hàng quyết định “hạ cánh mềm”, điều chỉnh giảm lãi suất đầu ra năm lần, giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Chẳng có ngân hàng nào như Vietcombank, có một đồng nợ xấu thì trích lập dự phòng 3,8 đồng. Những khoản tín dụng chưa đến ngày đáo hạn như cho vay VinaFood 1, Vietnam Airlines, song nhận định khách hàng đang khó khăn vì yếu tố khách quan, Vietcombank đã chủ động trích lập dự phòng hết cả 100%. Tương tự, dự phòng cho một số khoản vay bất động sản cũng trích lập hết mức có thể.

Dấu ấn khoảng cách

Vị trí độc tôn dẫn đầu trên bảng xếp hạng thứ bậc các ngân hàng của Vietcombank xét về mọi chỉ tiêu là không thể phủ nhận. Không những thế, Vietcombank đã tạo ra một khoảng cách quá xa để ngân hàng ở vị trí thứ hai phía sau có thể đuổi kịp. Và càng ngày khoảng cách giữa vị trí số một và số hai càng lớn.

Năm ngoái, VCB tiệm cận mức tăng trưởng tín dụng 14% trong khi các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh khác chỉ tăng trưởng xấp xỉ 7%. Xét về số tuyệt đối, 14% tăng trưởng tín dụng của VCB tương đương tổng tài sản của một ngân hàng cổ phần tầm trung, tức 120.000 - 130.000 tỉ đồng. Quí một năm nay, tín dụng Vietcombank tăng trưởng 3,7%, tiếp tục đi lên.

Khác với những ngân hàng khác, nền tảng tín dụng của Vietcombank được xây dựng trên ba trụ vững chắc. Thứ nhất, hệ số sử dụng vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp ở mức 80% (thấp hơn nhiều so với Agribank, Vietinbank, BIDV). Thứ hai, tín dụng tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên chiếm 40% tổng dư nợ với lãi suất cho vay thấp nhất thị trường. Thứ ba là chất lượng tín dụng tốt nhất thị trường. Các chi nhánh đều áp dụng phương thức quản lý phân loại khách hàng theo định hướng tăng trưởng (tức doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng) và phát triển khách hàng mới theo hướng này. Nhờ đó, nợ nhóm 3,4,5 thu hẹp và nợ nhóm hai đã giảm từ 8% vào năm 2014 xuống còn 0,7% hiện nay.

Quí đầu năm để nâng cao hiệu qủa sử dụng vốn, Vietcombank giảm lãi suất huy động, tăng trưởng tiền gửi khách hàng giữ ở mức 1% so với cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính năm 2020, tiền gửi của khách hàng tại VCB đạt 1,03 triệu tỉ đồng, với gần 30% là tiền gửi không kỳ hạn – một con số mà hầu hết các ngân hàng mơ ước. Để thu hút tiền gửi không kỳ hạn, Vietcombank giảm và miễn rất nhiều loại phí dịch vụ cho khách hàng.

Hai tỉ đô la Mỹ lợi nhuận đang rất gần

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2 tỉ đô la Mỹ năm 2025 của Vietcombank có thể hoàn thành bất cứ thời điểm nào trong những năm tới, thậm chí ngay trong năm nay nếu điều kiện khách quan cho phép. Ngoài 30.000 tỉ đồng trong kho dự phòng rủi ro và bán bảo hiểm độc quyền, Vietcombank đang sở hữu 4,5% cổ phần Eximbank và 4,3% cổ phần ngân hàng Quân Đội MBB với giá gốc 320 tỉ và 802 tỉ đồng tương ứng. Việc thoái vốn ở hai ngân hàng này chỉ còn là vấn đề thời điểm thích hợp để mang lại hiệu suất sinh lời tối đa.

Từ một ngân hàng bán buôn, Vietcombank đã trở thành ngân hàng bán lẻ với tỷ lệ bán lẻ hiện tại 54,1% và sẽ nâng lên 60% trong hai, ba năm trước mắt. Các chi nhánh lại chuẩn bị được phổ cập mức lợi nhuận mới.

Giữa năm 2015 thị giá VCB quanh quẩn 20.000 đồng/cổ phiếu và nay đã tăng gần gấp 5 lần, tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Một ngân hàng có vốn điều lệ 37.089 tỉ đồng, tương đương 1,6 tỉ đô la Mỹ và có khả năng hạch toán lợi nhuận bất cứ năm nào ở mức 2 tỉ đô la Mỹ là điều hiếm gặp trên thị trường Việt Nam. Điều quan tâm hơn cả, Vietcombank là ngân hàng duy nhất đã lọt vào tầm ngắm của Chính phủ trong kế hoạch xây dựng những “sếu đầu đàn” của nền kinh tế cùng với Viettel, PetroVietnam, EVN, VNPT.

Vietcombank còn nhiều cơ hội tạo sự bứt phá.

Theo TheSaiGonTimes

Theo https://www.thesaigontimes.vn/td/315604/ba-muoi-ngan-ti-dong-loi-nhuan-treo-cua-vietcombank.html?fbclid=IwAR1waIHuvj-y2Q5QoCHrJ35X6Y0qRqeJ3tPJFH85x5qHq-MsdejLnGIuoaw