Công nghệ hóa mô hình kinh doanh truyền thống đang trở thành xu hướng chung của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây. Ngoài việc đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, thì hiện đại hoá hệ thống quản trị là điều cốt lõi của quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, việc ứng dụng giải pháp công nghệ được kì vọng sẽ trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho doanh nghiệp khi tạo ra những bước nhảy vọt về vận hành và kinh doanh.
Lập nghiệp với một gánh trứng từ năm 16 tuổi, đến nay bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân đã xây dựng được một nhà máy xử lý trứng hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 65.000 trứng/giờ và trở thành người tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành trứng gia cầm tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm trong ngành trứng gia cầm hơn 50 năm, Ba Huân hiện không chỉ là một trong những nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất cả nước, với thị phần ước tính khoảng 30%, mà còn nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm chế biến đột phá.
Câu "ngỏ lời" từ cách đây 10 năm
Tuy nhiên, sự mở rộng lớn mạnh về cả quy mô và chiều sâu sản xuất, lẫn thị trường trong và ngoài nước của Ba Huân đặt ra bài toán về một hệ thống quản trị tổng thể cho công ty, đặc biệt là bài toán về các giải pháp công nghệ.
Chủ tịch Phạm Thị Huân cho biết, 2022 là một năm rất nhiều đổi mới của Ba Huân. Trong đó, nhiệm vụ trọng điểm của công ty là chuyển đổi số. Đối với Ba Huân, cốt lõi của chuyển đổi số phải bắt nguồn từ "con người".
"Từ cách đây 10 năm, anh Trương Gia Bình đã "ngỏ lời" hỗ trợ Ba Huân chuyển đổi số. Song, tôi chưa dám nhận lời vì quy mô công ty nhỏ, nhân sự cũng chưa đủ năng lực công nghệ để đáp ứng mô hình chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số trước hết là ở con người, người vận hành. Đến nay, tôi tự tin đội ngũ Ba Huân có thể đáp ứng được, có thể bắt tay anh Trương Gia Bình làm công nghệ", Chủ tịch Ba Huân chia sẻ.
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân |
Đến nay, nhà máy Ba Huân đã chuyển đổi máy móc thiết bị áp dụng công nghệ tự động, phần nào khởi đầu thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số toàn diện.
"Tôi nghĩ rằng tương lai, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp phải thay đổi, phải chuyển đổi số để phát triển lâu dài. Sau này các bạn trẻ tiếp quản doanh nghiệp, không thể tiếp quản một doanh nghiệp lạc hậu", bà Phạm Thị Huân nói.
Trong quá trình trao đổi với FPT thực hiện dự án chuyển đổi số toàn diện, phía Ba Huân nhận thấy, cả 2 doanh nghiệp cùng chung định hướng đó là cho ra đời sản phẩm chất lượng cao nhất, hướng đến khách hàng, coi trọng cái tâm và cái tầm của doanh nghiệp.
"Đây là niềm mơ ước của tôi, trên 50 năm làm ngành nông nghiệp được đổi mới như thế này, tôi rất vui mừng", Chủ tịch Ba Huân khẳng định.
Chủ tịch Phạm Thị Huân cho rằng, doanh nghiệp chưa kỳ vọng nâng cao doanh thu, lợi nhuận hay lợi ích kinh tế từ hoạt động chuyển đổi số. Thay vào đó, bà mong muốn FPT và Ba Huân làm gương đi đầu để các doanh nghiệp nông nghiệp khác chuyển đổi theo.
"Ba Huân muốn làm gương, rằng một doanh nghiệp phát triển từ một bà buôn gánh bán bưng mà còn quyết tâm chuyển đổi số, thì tại sao các doanh nghiệp khác không làm?", Chủ tịch Ba Huân nhấn mạnh.
Ba Huân có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành trứng gia cầm Việt Nam |
Để quả trứng đến bàn ăn nhanh nhất nhờ sáng tạo công nghệ
Theo thoả thuận hợp tác, FPT sẽ tư vấn cho Ba Huân các giải pháp số phù hợp cho tất cả các lĩnh vực hoạt động: chăn nuôi, sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, FPT tư vấn Ba Huân xây dựng sản phẩm, số hóa sản phẩm; Quản trị sản xuất tự động; Quản trị nguồn lực; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…
Bà Phạm Thị Huân cho biết thêm, hệ thống này giúp Ba Huân quản lý khâu chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm.
Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn, FPT sẽ xây dựng cổng thông tin tương tác với các đại lý bán hàng. Hệ thống của FPT giúp Ba Huân nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh toàn chuỗi, giảm chi phí vận hành xuống mức thấp nhất. Từ đó, giảm giá thành sản phẩm, phụng sự người tiêu dùng Việt Nam.
"Ở Việt Nam có chị Ba Huân là người phụ nữ anh hùng trong thời bình. Chị Ba Huân là tấm gương điển hình của người nông dân Việt Nam: gia đình đông con, đi lên từ nghèo khó, ba chìm bảy nổi vươn lên… Đất nước Việt Nam có hướng đi riêng, không giống Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng ta sẽ phát triển bằng nông nghiệp, những người phụ nữ như chị Ba hay doanh nghiệp như Ba Huân sẽ là tương lai của Việt Nam", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết.
Ông Trương Gia Bình khẳng định FPT sẽ giúp Ba Huân chuyển đổi số thành công |
Theo ông Bình, Đan Mạch - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới cũng đi lên từ nông nghiệp, giàu có bằng làm nông. Nhật Bản cũng giàu mạnh nhờ sự góp phần của ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc. Do đó, Việt Nam cũng có thể giàu mạnh bằng nông nghiệp, và FPT muốn chia sẻ tương lai ấy với Ba Huân.
"Chúng tôi từng lỗ suốt 10 năm để nuôi trí tuệ Việt Nam ra thế giới. Vậy tại sao chúng ta không đưa được quả trứng Việt Nam ra thế giới? Những quốc gia nông nghiệp đi đầu không được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai như Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta nghĩ lại, phải khai thác yếu tố trời cho để bứt phá, vươn lên bằng nông nghiệp. Nền nông nghiệp Việt Nam nếu muốn vượt châu Âu cần có công nghệ thông tin", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình cho rằng, máy móc có thể mua lại từ châu Âu nhưng khác biệt chính là công nghệ thông tin. Chuyển đổi số trước hết ở con người. Người Việt Nam luôn có suy nghĩ khác biệt, sáng tạo sẽ là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số.
"Chuyển đổi số chắc chắn sẽ là động lực giúp Ba Huân có thêm sức mạnh để đi nhanh hơn, tạo nên nhiều cơ hội phát triển hơn cho người nông dân và những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. FPT có sứ mệnh đồng hành, sát cánh cùng Ba Huân để chinh phục giấc mơ nông nghiệp số. Bằng mọi giá, FPT sẽ giúp Ba Huân chuyển đổi số thành công và cùng nhau cống hiến cho nền nông nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển", Chủ tịch FPT kết luận.
Theo TheLEADER