Bà Carrie Lam thừa nhận “sự không hài lòng của người dân”, Bắc Kinh lập trung tâm xử lý khủng hoảng Hong Kong

VietTimes -- Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam vừa đưa ra phát ngôn đầu tiên về kết quả kỳ bầu cử địa phương vừa qua, thừa nhận sự bất mãn của người dân đối với chính quyền của bà và một lần nữa kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam (Ảnh: Reuters)

Với vẻ ngoài mệt mỏi và buồn rầu, bà Lam đưa ra phát ngôn vào thời điểm chỉ 1 ngày sau khi kết quả bầu cử cấp quận ở Hong Kong cho thấy các ứng viên trẻ tuổi đảm bảo được gần 90% trong tổng số 452 ghế hội đồng quận trong kỳ bầu cử hôm Chủ nhật tuần trước. Đây là một chiến thắng cách biệt được xem là thước đo thái độ của người dân đối với chính quyền bà Lam.

Bà Lam cho hay, bà hiểu rõ rằng giới cử tri muốn thể hiện quan điểm của họ trong nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả "sự thiếu sót trong công tác quản lý". Phát biểu một cách kiềm chế, bà cảm ơn người dân Hong Kong vì tiến hành bỏ phiếu trong hòa bình và hy vọng khoảng thời gian yên ắng không chỉ diễn ra trong kỳ bầu cử cuối tuần trước mà còn là tín hiệu cho thấy người dân muốn chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài suốt 6 tháng qua.

"Mọi người đều muốn trở lại cuộc sống bình thường và điều này cần phải có nỗ lực chung của mỗi người chúng ta" - bà Lam nói trong bài phát biểu được tổ chức hàng tuần tại trụ sở chính quyền.

"Như tôi đã nhiều lần nêu rõ, bạo lực không thể giúp chúng ta tiến bước. Bởi vậy, xin hãy giúp đỡ chúng tôi duy trì sự trật tự và hòa bình... tạo cơ sở tốt để Hong Kong tiến bước" - bà Lam nói thêm.

Một số nhà quan sát cho rằng bà Lam - người nắm quyền ở Hong Kong từ năm 2017 với cam kết hàn gắn sự chia rẽ trong xã hội - không thực sự lắng nghe và thấu hiểu kỳ vọng của người dân và sẽ không dám hứa chắc điều gì trừ khi được chính quyền Bắc Kinh "bật đèn xanh".

"Chẳng có nội dung gì trong bài phát biểu vừa rồi của bà ấy, điều vốn chẳng có gì lạ" - Ma Ngok, chuyên gia phân tích khoa học chính trị thuộc ĐH Trung Quốc tại Hong Kong, nói - "Phần lớn người dân vẫn ủng hộ phong trào dân chủ, bởi vậy chính quyền Bắc Kinh sẽ phải đưa ra phản ứng. Nếu họ không phản ứng theo cách nhượng bộ, tôi nghĩ rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp diễn".

Trung tâm xử lý khủng hoảng Hong Kong

Thành phố được xem là trung tâm tài chính của châu Á đã trải qua khoảng thời gian yên ắng hiếm thấy trong suốt gần 1 tuần qua, tách khỏi 6 tháng biểu tình bạo lực chống chính quyền vốn đã đẩy thành phố này vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất suốt nhiều thập kỷ, tạo nên thách thức chưa từng có đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giới lãnh đạo Trung Quốc trong hôm 26/11 đã thiết lập một trung tâm xử lý khủng hoảng ở đại lục, đồng thời đang cân nhắc thay thế người phụ trách vấn đề này - Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho hay.

Suốt hai thập kỷ qua, Bắc Kinh giữ liên lạc với trung tâm tài chính châu Á thông qua Văn phòng Liên lạc của chính phủ trung ương Trung Quốc tại Hong Kong (Văn phòng Liên lạc). Trụ sở văn phòng này nằm trong một tòa nhà chọc trời ở Hong Kong với dày đặc camera giám sát, bao quanh bởi hàng rào thép và một quả cầu thủy tinh được đặt trên nóc tòa nhà.

Theo các nguồn tin, Bắc Kinh đang xem xét khả năng thay thế Giám đốc Văn phòng Liên lạc Vương Chí Dân. Đây được xem như dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng của chính quyền đại lục về cách xử lý cuộc khủng hoảng Hong Kong của cơ quan này.

Các cuộc biểu tình diễn ra gần như hàng ngày ở Hong Kong tính từ hồi tháng 6 năm nay, trong đó người biểu tình thường xuất hiện ở những khu vực mà không thông báo trước, có nhiều thời điểm khiến chính quyền, các doanh nghiệp, trường học và thậm chí cả sân bay quốc tế phải đóng cửa. Tình trạng bạo lực tăng nhiệt từ hồi tuần trước, khi người biểu tình ném bom xăng và bắn tên vào phía cảnh sát; lực lượng cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.

Trong lúc tình trạng trật tự được tái lập ở phần lớn Hong Kong, một nhóm nhỏ người biểu tình vẫn cố thủ trong trường ĐH Bách khoa Hong Kong, xung quanh là lực lượng cảnh sát bao vây.

Trong bài phát biểu của mình, bà Lam đã kêu gọi nhóm người biểu tình này rời khỏi trường học nằm trên bán đảo Kowloon một cách hòa bình, sớm nhất có thể. Ban quản lý trường học ước tính có khoảng 50 người biểu tình vẫn đang ở bên trong trường ĐH, họ quá sợ hãi nên không cố gắng trốn ra ngoài.

Theo Reuters