"Dựa trên tinh thần yêu chuộng hoà bình và sự kêu gọi của các tổ chức quốc tế, Azerbaijan quyết định đơn phương ngừng các hoạt động quân sự trả đũa và sẽ tiến hành củng cố những lãnh thổ vừa được giải phóng”, đại diện Bộ Quốc phòng Azerbaijan, ông Vagif Dyargahly nói với hãng tin.
Ông cũng nói rõ, trong trường hợp phía Armenia tiếp tục bắn phá các làng và vị trí của quân đội Azerbaijan, "phản ứng từ phía Azerbaijan sẽ là cứng rắn, sẽ có quyết định nối lại các hoạt động tiến công”.
Ngày 3/4, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo đã thực hiện 137 đòn đánh "vào các vị trí và công sự của kẻ địch" và ghi được 130 trường hợp vi phạm ngừng bắn từ phía Armenia.
Nhiều cựu chiến binh các cuộc chiến Afghanistan, Karabakh đang tới trạm tuyển quân để hỗ trợ Lực lượng vũ trang Azerbaijan, ông Vagif Dyargahly nói.
"Các thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ, cựu chiến binh Karabakh, thậm chí cựu chiến binh Afganistan đều bày tỏ nguyện vọng tự nguyện ra trận. Họ giúp đỡ hết sức mình, Bộ Quốc phòng rất biết ơn họ”, ông Dyargahly nói và cũng cho biết rằng, quân đội Azerbaijan đủ khả năng kiểm soát tình hình.
Giao tranh bùng nổ ra hôm 2/4 là vụ lớn nhất ở Nagorno-Karabakh kể từ năm 1994 khi Armenia và Azerbaijan chấm dứt chiến tranh giành lãnh thổ tại khu vực nay là một phần của Armenia nhưng nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Azerbaijan. Hai nước tách nhau bởi một vùng trái độn phi quân sự, nhưng bên nào cũng tố cáo đối phương vi phạm vùng phi quân sự.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 3/4 ra thông báo trích lời nhà lãnh đạo nước này nói rằng ông ủng hộ đồng minh Azerbaijan "đến cùng" trong cuộc tranh chấp với Armenia. Ông Erdogan nói như vậy với một phóng viên Azerbaijan trong khi ông đang đi thăm Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Armenia năm 1993. Hai nước có những tranh cãi tồn đọng về việc trong Thế chiến thứ I 1,5 triệu người Armenia bị giết hại trong một cuộc diệt chủng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng con số đó được thổi phồng và đó không phải là diệt chủng.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên tiếng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trong vụ Nagorno-Karabakh.
Theo Sputnik