ASEAN trong tiến trình chuyển đổi số bao trùm: Lợi ích và thách thức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mặc dù chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nóng thời gian qua song truy cập Internet cũng như tiến trình số hóa ở Đông Nam Á vẫn chưa đồng nhất, vẫn còn sự phân chia trong tiếp cận kỹ thuật số.
Nghi thức phát động Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Nghi thức phát động Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Chuyển đổi số bao trùm, bình đẳng và an toàn, vừa là một chiến lược phục hồi chính của ASEAN hậu đại dịch COVID-19, đồng thời cũng là hướng đi để các nước trong khu vực cùng xây dựng một Cộng đồng ASEAN năm 2025 bền vững “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội," đảm bảo duy trì vị thế trung tâm của một châu Á năng động.

Phóng viên thực hiện 2 bài viết về nội dung này với chủ đề "ASEAN trong tiến trình chuyển đổi số bao trùm."

Bài 1: Những lợi ích và thách thức

Dịch COVID-19 như một chất xúc tác mạnh khiến quá trình chuyển đổi số đã và đang mang lại những lợi ích to lớn giúp khu vực thích ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn trong môi trường nhiều sự gián đoạn. Các nền tảng số giúp người dân ASEAN duy trì kết nối và hợp tác, và giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động khi đang đóng cửa biên giới.

Chuyển đổi số cũng đã trở thành trọng tâm chiến lược của ASEAN để thúc đẩy hồi phục kinh tế và xây dựng lại mạnh mẽ hơn.

Thế hệ công dân số ASEAN

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km về phía Bắc, việc ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp đã và đang góp phần vào làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ cuối năm 2018, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vân Hội Xanh ở huyện Tam Đường (Vĩnh Phúc) đã áp dụng phần mềm VietGAP, giúp không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công mà chỉ cần kiểm tra dữ liệu cập nhật qua máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, cho biết phần mềm đã giúp Hợp tác xã dễ dàng hơn trong việc giám sát việc sử dụng vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các xã viên.

Bên cạnh đó, Vạn Hội Xanh cũng đã số hóa các hoạt động tiếp thị và bán sản phẩm. Nhờ ứng dụng công nghệ, sản lượng rau của Hợp tác xã đã tăng 5-10% so với trước đây, cung cấp hàng chục tấn rau an toàn cho thị trường mỗi tháng.

Chăm sóc rau cải thảo theo tiêu chuẩn VietGap tại hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc). (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)
Chăm sóc rau cải thảo theo tiêu chuẩn VietGap tại hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc). (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Theo báo cáo do Lazada - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á - công bố mới đây, có tới 52% người bán hàng ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm 2021, trong khi 70% kỳ vọng rằng mức tăng doanh thu sẽ tiếp tục được nâng lên thêm 10% trong quý 3/2021.Giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 đã thay đổi những thói quen lâu năm của người dân Đông Nam Á, khiến ngay cả những người lớn tuổi và các đối tượng tiêu dùng vốn chỉ trung thành với cách mua hàng truyền thống cũng cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến.

Người dân Đông Nam Á được coi là những người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới, qua đó cơ bản hình thành nên một thế hệ công dân số. Theo một báo cáo từ Google, ít nhất 400 triệu người dùng Internet ở Đông Nam Á (tương đương 70% dân số khu vực) và khoảng 90% trong số đó kết nối với Internet chủ yếu thông qua thiết bị di động. Nền kinh tế Internet của khu vực đã cán mốc doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2019 và con số này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2025.

Những ví dụ thực tế, những con số thống kê trên mang đến một bức tranh tổng quan về chuyển đổi số và những lợi ích to lớn của quá trình này mang đến cho khu vực. ASEAN có tiềm năng chuyển mình thành một khu vực tiên phong về kỹ thuật số trên toàn cầu nếu các nước thành viên có thể hợp tác thống nhất để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội kỹ thuật số rộng lớn mà khu vực này đang nắm giữ.

Những thách thức trên đại lộ số hóa

Mặc dù chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nóng thời gian qua song truy cập Internet cũng như tiến trình số hóa ở Đông Nam Á về tổng thể vẫn chưa đồng nhất, tồn tại sự phân chia trong tiếp cận kỹ thuật số giữa các nước thành viên ASEAN và ngay trong chính các nước.

Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra rằng dân số nông thôn Đông Nam Á trải qua một sự phân hóa kỹ thuật số đáng kể, đặc trưng là thiếu sự sẵn có và giảm sự lựa chọn.

Báo cáo của OECD lưu ý: “Sự phân hóa này xuất phát từ chi phí đầu tư cần thiết để thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc ở các vùng nông thôn cao hơn so với chi phí ở các địa điểm thành thị."

Phân tích xu hướng khả năng chi trả và sự phân hóa kỹ thuật số nông thôn - thành thị ở các nước đang phát triển, chuyên gia truyền thông tại Đại học RMIT của Australia, Julian Thomas cho biết: “Chi phí truy cập Internet hiện vẫn còn quá cao đối với các gia đình có thu nhập thấp, và cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần thiết cho mọi người có thể sử dụng Internet tại nhà phân bổ không đồng đều giữa các khu vực thành thị, nông thôn và vùng sâu, vùng xa."

Tại Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 42 vừa diễn ra mới đây, với chủ đề: “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025," Trưởng đoàn và đại biểu các nước cũng đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà khu vực đang đối mặt trong hành trình chuyển đổi số trên đại lộ số hóa.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin nhấn mạnh hiện có nhiều vấn đề làm lu mờ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực như khoảng cách phát triển kỹ thuật số, thiếu kiến thức kỹ thuật số và an ninh mạng là những thách thức quan trọng đối với các nước đang phát triển có nguồn lực và khả năng bị hạn chế.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch Hạ viện Philippines Allan Jay Velasco nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế số là rất cấp bách và quan trọng, khi khu vực đang nỗ lực thích ứng với trạng thái “bình thường mới."

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hạ viện Philippines, hiện không nhiều người nhận thức được đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình vốn đang diễn ra này tới mức độ nào. Đáng tiếc là không phải quốc gia nào cũng có thể tận dụng tối đa các công nghệ số. Vẫn còn tồn tại sự mất cân bằng giữa các quốc gia trong khu vực về việc tiếp cận Internet, cũng như tốc độ đường truyền và chi phí sử dụng Internet.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và việc cung cấp thông tin chính xác, ông Datuk Azhar Azizan Harun, Chủ tịch Hạ viện Malaysia cảnh báo các dữ liệu và thông tin chính xác về COVID-19 có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch, nhưng hiện nay mạng xã hội gây ra nhiều khó khăn do nền tảng này bị một số cá nhân lợi dụng nhằm truyền bá những thông tin sai lệch, nguy hiểm.

Tham gia thảo luận tại Đại hội đồng AIPA-42, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã chỉ ra những thách thức, rào cản về pháp lý khiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử trong khu vực còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số và thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.

Những thách thức trên phần nào cho thấy các nước Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều điều phải làm để thúc đẩy có hiệu quả, thực chất quá trình số hóa cũng như nền kinh tế kỹ thuật số bao trùm. Điều này đặt ra yêu cầu cần có các chính sách và chương trình nghị sự kỹ thuật số mạnh mẽ với sự hợp tác, đồng lòng và tầm nhìn chiến lược của giới lập pháp, chính phủ và bộ, ngành các nước trong khu vực./.

Theo Vietnam+