Tự doanh lãi lớn nhờ API, IDJ, CII và NBB
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 (EGM 2021), ông Nguyễn Đỗ Lăng – Chủ tịch Apec Group, Tổng giám đốc APS, cho biết các công ty chứng khoán như APS đang hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển dòng tiền sang thị trường chứng khoán. Từ đầu năm 2021, thị giá cổ phiếu APS đã tăng hàng chục lần.
Về hoạt động tự doanh, APS đã mua vào lượng lớn cổ phiếu CII và NBB, tạm lãi lần lượt 62% và 50% từ các khoản đầu tư này. Trong khi đó, các khoản đầu tư của APS vào những cổ phiếu cùng nhóm như API và IDJ cũng đang ghi nhận những khoản lợi nhuận đáng nể.
Chia sẻ thêm về các khoản đầu tư này, ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng giám đốc Apec Group, cho hay API và IDJ hướng đến mục tiêu trở thành các cổ phiếu “blue-chip”, có vốn hoá tỉ đô trên thị trường chứng khoán. “Đến hết năm 2021, API và IDJ có tổng quỹ đất khoảng 1.000ha, hoàn thành sớm mục tiêu mà lãnh đạo tập đoàn đề ra”, vị này cho biết.
Ngoài các cổ phiếu nêu trên, APS cũng đang lãi lớn với các khoản đầu tư vào DPG và CEO.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng khẳng định APS sẽ hưởng lợi lớn từ ‘hệ sinh thái’ Apec Group. “Nếu làm tốt, APS không cần phải so sánh với SSI, VND hay VCI mà có thể tìm cho mình một hướng đi riêng”.
Chủ tịch Apec Group Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ tại EGM 2021 của Chứng khoán APS (Ảnh: P.D) |
Đặt mục tiêu lãi nửa nghìn tỉ đồng năm 2021
Tại EGM2021, ban lãnh đạo APS trình đại hội thông qua việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 lên gấp 5 lần, từ 72 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng. Được biết, luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, APS ghi nhận doanh thu đạt 475,5 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 433,7 tỉ đồng.
Đồng thời, đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ APS thêm 3.200 tỉ đồng, giai đoạn 2021 – 2022, thông qua 3 đợt phát hành.
Cụ thể, APS sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:1, tăng vốn từ 830 tỉ đồng lên 1.660 tỉ đồng, với giá không thấp hơn 15.000 đồng. Tiếp đó, APS sẽ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, từ 1.660 tỉ đồng lên 2.990 tỉ đồng. Với lợi nhuận kế hoạch 500 tỉ đồng năm 2021 và nguồn thặng dư sau khi phát hành cho cổ đông hiện hữu, tổng cộng 915 – 1.330 tỉ đồng, HĐQT APS đặt mục tiêu chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông từ 70% - 90% .
Cùng với đó, APS sẽ phát hành 21 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá dự kiến từ 45.000 – 50.000 đồng/cp. Thời gian hạn chế chuyển nhượng 2 năm.
APS kỳ vọng sẽ thu về khoảng 1.245 tỉ đồng từ chào bán cổ phiếu ra công chúng. Trong đó, phần lớn số tiền sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (700 tỉ đồng), tiếp đến là bổ sung nguồn vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán (500 tỉ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động (45 tỉ đồng).
Ngoài ra, đại hội cũng thông qua tờ trình bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh cho APS./.