Apple thua kiện trong vụ chống linh kiện iPhone 'giả' tại Na Uy

Bị Apple kiện ra tòa và yêu cầu chấm dứt kinh doanh vì sử dụng các màn hình iPhone nhập khẩu từ Trung Quốc, một anh chủ shop sửa chữa điện thoại tại Na Uy đã chiến đấu kiên cường và giành chiến thắng đầy bất ngờ!

Theo AppleInsider, Henrik Huseby - người sở hữu một shop sửa chữa điện tử nhỏ tên là PCKompaniet ở Na Uy - đã mua từ Trung Quốc về 63 màn hình linh kiện dành cho iPhone 6 và 6S, nhưng sau đó bị Hải quan Na Uy thu giữ. Chính phủ Na Uy đã thông báo cho Apple về vụ việc này, và Táo khuyết nhanh chóng gửi luật sư dàn xếp vụ việc, yêu cầu Huseby phải trả khoản tiền phạt lên đến 3.500 USD, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số màn hình trên và hứa không được bán hoặc trao đổi bất kỳ sản phẩm nào có thương hiệu Apple nữa.

Tất nhiên, Huseby từ chối và quyết định ra tòa cùng Apple. Vụ kiện này xoay quanh vấn đề Huseby đã thu mua số linh kiện Trung Quốc này như thế nào, và chúng được đánh dấu ra sao.

Huseby - cũng như bất kỳ chủ shop sửa chữa hay các chuyên viên kỹ thuật khác trên thế giới - mua các linh kiện thay thế từ các "chợ trời" ở châu Á. Nhiều linh kiện trong số đó, như 63 màn hình Huseby đã mua, là những linh kiện mà nhà sản xuất xếp loại đã hỏng và được một bên thứ ba tân trang lại. Những linh kiện này đều có logo của Apple, nhưng đã bị che đi bằng cách nào đó trong quá trình bán.

Việc xác định 63 màn hình kia có phải là "hàng giả" hay không đã khiến tòa án Na Uy đau đầu. Apple khẳng định đó là hàng giả, nhưng Huseby và luật sư tranh cãi ngược lại, và tòa án lại đồng ý với anh!

Quyết định này của tòa án chỉ có giá trị tại Na Uy và không hề ảnh hưởng đến tiền lệ pháp lý Mỹ, dù Apple thường xuyên có những cuộc đấu nảy lửa với các bên thứ ba và các shop sửa chữa không được chứng nhận trong nhiều năm qua. Apple chắc chắn sẽ kháng cáo, và vụ kiện hấp dẫn này chắc chắn sẽ khiến những người vốn thường xuyên theo dõi các vụ kiện khác giữa Apple với các shop sửa chữa bên thứ ba phải tập trung theo dõi.

Theo luật Mỹ, tội "Buôn bán hàng hóa và dịch vụ giả mạo" được áp cho những người buôn bán hàng hóa và dịch vụ cố ý sử dụng các dấu hiệu giả mạo như nhãn dán, phù hiệu, hộp chứa, tài liệu... trên các hàng hóa và dịch vụ của mình.

Trong trường hợp này, Huseby đã sử dụng các linh kiện có logo của Apple. Tuy nhiên, anh này thực ra đã mua các màn hình với logo bị che đi mất và vẫn giữ nguyên các dấu che này khi bán cho khách hàng bởi anh không muốn người khác biết nó do Apple sản xuất hay từng sản xuất.

Apple thường xuyên ngăn chặn các vụ nghi ngờ hàng giả, bao gồm vụ việc thu giữ hơn 1 triệu phụ kiện giả tại một nhà kho London hồi 2017, và luôn cảnh báo về các phụ kiện sạc của bên thứ ba và hàng giả. Thậm chí hãng còn "truy đuổi" những shop bán phụ kiện giả trên Amazon!

Apple cũng kịch liệt phản đối luật "Quyền được sửa chữa" từng được đề xuất ở 18 bang ở Mỹ, dù chưa bang nào phê chuẩn luật này.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2462128/apple-thua-kien-trong-vu-chong-linh-kien-iphone-gia-tai-na-uy