Apple sẽ xuất khẩu iPhone “made in India”

VietTimes -- Apple đã bắt đầu xây dựng một số nhà máy sản xuất iPhone tại Ấn Độ. Mục đích ban đầu là tránh khoản thuế 100 USD mà mỗi chiếc iPhone “ngoại” phải chịu khi nhập khẩu vào Ấn Độ. Tuy nhiên, gần đây, trang công nghệ PhoneArena cho biết công ty có kế hoạch xuất khẩu những chiếc iPhone “made in India”.
Người dùng Việt Nam có thể sẽ được dùng iPhone "Made in India" trong tương lai. Ảnh: PhoneArena

Mặc dù Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới nhưng nó vẫn thuộc thị trường đang phát triển, các mẫu điện thoại tầm trung và cấp thấp vẫn được ưa chuộng hơn cả. Chính vì vậy, con số 100 USD đã có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với những người dùng tại quốc gia này. Đây là lý do tại sao các sản phẩm của Xiaomi và dòng điên thoại Galaxy A giá rẻ rất đắt hàng ở Ấn Độ.

Từ vài năm về trước, Apple đã bắt đầu sản xuất các mẫu iPhone cũ của hãng tại Ấn Độ và chủ yếu chỉ phục vụ cho thị trường nội địa. Cũng chính vì lý do này, ngoài các sản phẩm mới, hãng vẫn không quên quảng bá cho những chiếc smartphone “một thời vang bóng” của mình như iPhone 6S, chiếc điện thoại có giá khoảng 375 USD và đã ra mắt cách đây 4 năm. Bên cạnh đó, Nhà Táo cũng cho sản xuất một mẫu iPhone từ năm 2018 tại Ấn Độ: iPhone XR.

Quảng cáo iPhone 6s được sản xuất tại Ấn Độ của Apple. Ảnh: PhoneArena

Có báo cáo cho rằng Apple đang lên kế hoạch chuyển một số nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (dự kiến, iPhone của Apple sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng từ ngày 15/12). Tuy nhiên, nếu muốn chuyển nhà máy sản xuất sang Ấn Độ, Apple sẽ cần phải mở rộng chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất tại quốc gia này.


Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ cho biết Apple sẽ xuất khẩu iPhone được sản xuất tại Ấn Độ. Đầu năm nay, Apple cũng tiết lộ hãng đang xem xét chuyển 30% dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ được coi là tâm điểm quan trọng của công ty.

Việc sản xuất iPhone tại Ấn Độ của Apple cũng phù hợp với chiến dịch “Made in India” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tương tự như sáng kiến “Made in China” của Trung Quốc nhằm tạo ra nhiều sản phẩm được sản xuất ở trong nước. Thuế doanh nghiệp cũng được cắt giảm trong mục tiêu kéo thêm nhiều công ty công nghệ như Apple và các đối tác của hãng như Foxconn hay Wistron mở rộng hoạt động tại Ấn Độ.

Trước đó, hãng tin Reuters cũng báo cáo rằng Salcomp, một công ty của Phần Lan dự kiến sẽ đầu tư gần 279 triệu USD trong vòng năm năm để sửa chữa lại một nhà máy sản xuất điện thoại cũ của Nokia tại Ấn Độ. Cơ sở này sẽ sản xuất bộ sạc và một số linh kiện của điện thoại thông minh từ tháng 3 năm sau, Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ Ravi Shankar Prasad cho biết. Ông cũng tiết lộ rằng các nhà máy này sẽ tạo ra khoảng 1.000 việc làm. Salcomp cũng là nhà cung cấp bô sạc cho Apple.

Ông Prasad cho biết xuất khẩu điện thoại và linh kiện từ Ấn Độ sẽ lên tới 1,6 tỷ USD cho mỗi mảng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2020.

Thị trường Ấn Độ có nhiều đặc điểm bất lợi cho Apple vì nó rất nhạy cảm với vấn đề giá cả. Người tiêu dùng Ấn Độ được coi là hay thay đổi và ít trung thành với các thương hiệu họ từng mua. Ví dụ, trong quý 1-2019 các lô hàng iPhone ở Ấn Độ đã giảm 42% xuống còn 220.000 chiếc. Đến tháng 4, số lượng các lô hàng có dấu hiệu phục hồi khi chỉ trong tháng này, Táo khuyết đã xuất xưởng được hơn 200.000 iPhone. Tuy nhiên, đến tháng 5, sau khi OnePlus 7 ra mắt với thông số kỹ thuật hấp dẫn và giá cả phải chăng hơn, sự tăng trưởng của iPhone lại sụt giảm.

Đầu năm nay, công ty nghiên cứu thị trường dự kiến các lô hàng iPhone của Apple tại Ấn Độ sẽ đạt 1,5-1,6 triệu thiết bị trong năm 2019. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn giảm so với 3,2 triệu chiếc đã xuất xưởng tại nước này trong năm 2017 và 1,8 triệu vào năm ngoái.

Theo Phone Arena