Trong sự kiện “It’s show time” vừa qua, người ta đã biết rõ hơn tầm nhìn của Apple về nhóm sản phẩm dịch vụ, được kỳ vọng sẽ dần thay thế cho mảng sản phẩm phần cứng đang chững lại. Dù vậy, Apple có thể sẽ sớm nhận ra rằng làm dịch vụ không đơn giản.
Theo Bloomberg, con đường tìm kiếm doanh thu mới từ dịch vụ thay vì phần cứng của Apple được đánh giá là sẽ có nhiều chông gai, khi họ phải làm quen với những đối tác mới thay cho những đối tác phần cứng truyền thống.
Apple đã công bố 4 dịch vụ trong sự kiện vừa qua, và điều đọng lại là cả 4 công bố đều gây thất vọng khi thiếu thông tin, chưa sẵn sàng hoặc tính năng chưa như kỳ vọng.
Nhiều dịch vụ chưa sẵn sàng
Dịch vụ game và phim do Apple sản xuất sẽ chỉ chính thức xuất hiện vào mùa thu năm nay, và Apple cũng chưa tiết lộ mức giá sử dụng chúng. Dịch vụ đọc tin hóa ra lại không có nhiều nguồn tin đặc sắc và một số nguồn tin lại không cung cấp đủ nội dung. Thẻ tín dụng Apple Card, một sản phẩm kết hợp với Goldman Sachs thực tế không khác nhiều so với các sản phẩm tương tự.
Sự kiện này cho thấy Apple thực sự nghiêm túc muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu chứ không chỉ là một hãng bán sản phẩm phần cứng cao cấp, đắt tiền như nhiều năm qua. Tuy nhiên sự chuyển dịch của Apple sẽ có nhiều khó khăn bởi họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mới.
CEO Tim Cook là một chuyên gia về chuỗi cung ứng, và đã dành nhiều năm làm việc với các đối tác cung ứng tại châu Á để tạo ra những hợp đồng có lợi nhất cho Apple khi làm iPhone. Giờ đây Apple sẽ tiếp tục phải đàm phán, nhưng các đối tác đó là ngôi sao Hollywood, nhà xuất bản, ngân hàng và những studio phát triển game. Rất nhiều đối tác trong số đó không hề thích một gã khổng lồ công nghệ, hoặc đã ký hợp đồng với Netflix, Amazon hay Google.
“Họ đã chứng minh mình là bậc thầy trong lĩnh vực phần cứng, nhưng mọi chuyện sẽ rất khác đối với mảng giải trí”, Mike Bloxham, phó chủ tịch công ty tư vấn truyền thông và giải trí Magid nhận xét.
Trong phần giới thiệu dịch vụ TV+, Apple đã mời những ngôi sao Hollywood như Oprah Winfrey, Steven Spielberg và Jason Momoa lên sân khấu để giới thiệu về những dự án mà họ đang hợp tác.
Đó là một cách để Apple chứng minh mình có thể mời những tài năng hàng đầu. Họ có một lợi thế lớn, đó là hơn 1 tỷ thiết bị đã bán ra, đồng nghĩa với lượng người xem tiềm tàng quá đông. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng Apple chưa thể thuyết phục họ khi chưa công bố mức giá sử dụng dịch vụ.
“Dịch vụ truyền hình trả tiền Apple TV+ mà Apple vừa giới thiệu, hay nói đúng hơn là bước đi của Apple vào ngành sản xuất nội dung, đem lại cho chúng tôi và những nhà đầu tư nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời”, Aaron Rakers, nhà phân tích tại Wells Fargo Securities chia sẻ.
Những đối tác khó tính với cái tôi lớn
Theo ông Colin Gillis, giám đốc nghiên cứu tại quỹ Chatham Road Partners, dịch vụ truyền hình mới của Apple sẽ không trở thành một “Netflix killer”, và nó cũng chẳng khiến triển vọng của nhà đầu tư Apple thay đổi. Sau sự kiện, giá cổ phiếu Apple đã giảm 1,2%, trong khi giá cổ phiếu Netflix tăng 1,5%.
Theo Mike Bloxham của Magid, thị trường xem phim trực tuyến giờ đã có quá nhiều tay chơi, chưa kể những ông lớn như Walt Disney sắp gia nhập. Netflix và Amazon đều ký kết hợp đồng với những studio lớn để phân phối lại nội dung, do đó họ có rất nhiều nội dung gốc, bao gồm cả nội dung tự sản xuất và nội dung phân phối lại.
Apple, với vị thế là một tay chơi mới trong thị trường, rất khó ký kết những hợp đồng như vậy. Apple sẽ gặp khó khăn khi muốn phá vỡ những hợp đồng, các mối quan hệ và cái tôi cực lớn của giới nghệ thuật. Dịch vụ Apple TV+ sẽ chỉ gồm những gì họ bỏ tiền sản xuất.
“Apple không thuộc về nơi này. Giống như nhiều công ty công nghệ khác, họ sẽ thấy rằng không hề đơn giản để tạo những mối quan hệ trong ngành nghệ thuật”, ông Bloxham nhận xét.
Do đó, Apple sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nội dung do chính mình sản xuất. Như vậy là không đủ để thu hút khách hàng lâu dài, bởi theo nghiên cứu của Magid, có tới 4/10 khách hàng đăng ký một dịch vụ truyền hình rồi bỏ đi chỉ sau vài tháng.
“Họ đăng ký để xem hết một lượt những show truyền hình hay nhất, sau đó bỏ đi”, ông Bloxham chia sẻ.
Dịch vụ đọc tin Apple News+ cũng là một ví dụ khác cho thấy Apple không dễ dàng đạt được thỏa thuận với những tên tuổi trên thị trường. New York Times, Washington Post đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Apple.
Wall Street Journal và Los Angeles Times là 2 cái tên lớn được CEO Tim Cook nhắc tới, nhưng họ cũng không cung cấp toàn bộ nội dung cho Apple News+. Nói cách khác, để đọc những nội dung hay nhất, nhiều khả năng người dùng đã mua gói dịch vụ Apple News+ vẫn sẽ phải bỏ thêm tiền.