|
Tấm biển quảng cáo khổng lồ đặt tại một mặt khách sạn nhìn ra Trung tâm Hội nghị Las Vegas, nơi tổ chức Hội trợ Triển lãm Tiêu dùng CES, kèm thông điệp: “Điều gì xảy ra trên iPhone, sẽ ở lại trên iPhone”. |
Thông điệp của Apple rõ ràng nhắm tới các đối thủ cạnh tranh đang tham dự CES 2019 như Google và Amazon. Apple muốn khẳng định phương châm của công ty là không kinh doanh dữ liệu người dùng, nhưng thực tế đó lời nói đó không truyền tải hết sự thật. Người dùng không biết được thực sự điều gì xảy ra trên chiếc iPhone của họ, cũng như những dữ liệu mà họ dùng trên iPhone sẽ đi những đâu.
Tất cả những loại dữ liệu rò rỉ ra khỏi iPhone, hầu như được người dùng cấp phép cho các nhà phát triển ứng dụng. Phần nhiều trong số đó cũng được chuyển về máy chủ và dịch vụ của Apple. Đó là những luồng dữ liệu tạo ra doanh thu cho cả Apple và nhà phát triển ứng dụng. Nó cũng chẳng mấy khác biệt so với mô hình kinh doanh của các đối thủ mà Apple đang chế giễu.
Cựu giám đốc chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Paul Manafort là người hiểu điều này nhất. Những đoạn tin nhắn WhatsApp gửi từ iPhone đã khiến ông Manafort bị tòa án liên bang Mỹ cáo buộc hơn 10 tội danh, bao gồm gian lận thuế và tín dụng.
Nghe có vẻ kỳ lạ bởi WhatsApp nổi tiếng cung cấp dịch vụ tin nhắn được mã hóa đầu cuối vô cùng an toàn, để ngăn chặn người thứ 3 đọc trộm nội dung hội thoại. iPhone cũng nổi tiếng về nổi tiếng về bảo mật, và theo lời Apple, dữ liệu trên iPhone vẫn nằm trên iPhone.
Nguyên nhân nằm ở cựu nhân viên chủ chốt của Tổng thống Donald Trump đã sao lưu tin nhắn WhatsApp bằng dịch vụ lưu trữ iCloud. Những tưởng bản sao trên iCloud an toàn, nhưng Apple là người giữ chìa khóa. Khi công tố viên liên bang yêu cầu, công ty đã mở cánh cổng tới kho dữ liệu của ông Manafort.
Các công ty khác sẽ phải làm điều tương tự Apple trong trường hợp này. Doanh nghiệp có nghĩa vụ pháp lý cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật.
|
Cựu giám đốc chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Paul Manafort bị buộc tội dựa vào đoạn tin nhắn Whatsapp gửi bằng iPhone. Ảnh: NY Post.
|
Vụ việc của Paul Manafort là ví dụ điển hình về thói quen của người dùng iPhone, đồng bộ mọi thứ lên iCloud vô tình khiến dữ liệu trên iPhone không còn ở lại với họ. Nhưng chắc chắn đó không phải là nguồn thông tin rò rỉ duy nhất.
Trên lý thuyết, luồng dữ liệu trên iPhone liên tục di chuyển. Đó không phải điều xấu, mà là bản chất của điện thoại và máy tính kết nối mạng. Khi người dùng thực hiện cuộc gọi hoặc truy cập Internet, họ sẽ chuyển thông tin qua các tháp di động hoặc bộ định tuyến của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hay thậm chí người điều hành trang web mà iPhone đang truy cập. Loại siêu dữ liệu này hoàn toàn không tồn tại trên iPhone của người dùng.
Các nhà phát triển ứng dụng cũng nhận được nhiều loại dữ liệu từ iPhone. Ví dụ, ứng dụng bản đồ tích hợp tính năng báo cáo tình hình giao thông theo thời gian thực hoạt động dựa vào dữ liệu của chính người dùng. Nhiều chiếc iPhone còn được tùy chỉnh để tự động gửi dữ liệu chẩn đoán để phát hiện lỗi trên hệ điều hành. Và khi tương tác với trợ lý ảo Siri, thiết bị ngay lập tức sẽ gửi truy vấn đến máy chủ và sử dụng thông tin đó để hiểu rõ hơn thứ người dùng muốn tìm kiếm.
Apple luôn tự hào về công nghệ mã hóa tích hợp và xác thực tiên tiến như hệ thống nhận diên khuôn mặt Face ID. Xét một cách khách quan, công nghệ bảo mật sinh trắc học của Apple vẫn mạnh mẽ hơn phần còn lại. Tuy nhiên, tương tự trường hợp của ông Paul Manafort, iPhone có được khóa kỹ đến đâu thì vẫn còn một “cửa hậu” là iCloud.
Nếu như trong quá khứ, hầu hết khách hàng vẫn sao lưu dữ liệu từ điện thoại vào máy tính thông qua iTunes, thì hiện nay tùy chọn mặc định là iCloud (dịch vụ lưu trữ vẫn đang được Apple thúc đẩy phát triển). Đúng là đồng bộ bằng iCloud thì thuận tiện và thân thiện hơn nhiều so với dùng iTunes, nhưng nó lại đang làm giàu cho Apple. Biểu tượng công nghệ Mỹ đang tính phí đắt hơn nhiều so với chi phí thuê máy chủ của bên thứ 3.
Tất cả những dữ liệu đó, bao gồm các nội dung nhạy cảm như các cuộc hội thoại và email, được đồng bộ thông qua dịch vụ lưu trữ iCloud. Mặc dù chính sách của Apple là không truy cập cơ sở dữ liệu người dùng, nhưng sẽ không chính xác nếu khẳng định dữ liệu sẽ “ở lại” trên iPhone của khách hàng.
Thông điệp của Apple đã tạo ra quan niệm sai lầm và đặc biệt nguy hiểm đối với những người dùng thiếu kiến thức về kỹ thuật.
Giống như người dùng thông thường khác, ngôi sao của bộ phim “Hunger Games” Jennifer Lawrence đã sử dụng dịch vụ iCloud Photos để lưu trữ các bức ảnh chụp bằng iPhone lên hệ thống máy chủ của Apple. iCloud Photos là tính năng sao lưu tuyệt vời, cho phép người dùng truy cập thư viện ảnh từ nhiều thiết bị khác nhau của Apple.
|
Jennifer Lawrence và nhiều mỹ nữ Hollywood khác là nạn nhân của vụ tin tặc tấn công iCloud năm 2014. Ảnh: Hartford Courant.
|
Tuy nhiên, nhược điểm của iCloud là ảnh không chỉ “ở lại” trên iPhone, mà còn có khả năng rò rỉ ra bên ngoài. Hậu quả là năm 2014, cô cùng và hàng loạt ngôi sao nữ của Hollywood đã bị tin tặc tấn công tài khoản iCloud, xâm nhập vào thư viện ảnh và phát tán hàng trăm bức ảnh “nóng”.
Trong những năm qua, khi doanh số iPhone bắt đầu có dấu hiệu đình trệ, Apple đã bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và nội dung số. Công ty đã giành được hợp đồng kỷ lục trị giá hàng tỷ USD với Google để tiêp tục dùng Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari.
Bằng việc đạt được thỏa thuận với Apple, Google sẽ có cơ hội tiếp cận tất cả người dùng iPhone, thu thập vô số thông tin và sử dụng chúng để quảng cáo. Đó là cốt lõi trong mô hình kinh doanh của Google, đối thủ Apple đang ngấm ngầm chỉ trích. Song chính Apple lại đang tiếp tay cho Google thông qua thỏa thuận trên. Vậy công ty lấy gì đảm bảo họ không "xấu" như Google?
Ngoài Google, mục tiêu chỉ trích khác của Apple về vấn đề quyền riêng tư là Facebook. Nhưng người dùng cần thiết bị để truy cập mạng xã hội, và có một bộ phận không nhỏ trên toàn cầu dùng iPhone để làm nhiệm vụ chính là lướt Facebook. Vậy những gì xảy ra trên Facebook của người dùng iPhone có “ở lại trên iPhone” không?
Chắc chắn Apple không thu thập dữ liệu, nhưng công ty đang hưởng lợi từ ứng dụng Facebook cho nền tảng iOS, và gián tiếp hưởng lợi từ dữ liệu mà Facebook thu thập.
Và không chỉ Facebook, dữ liệu trên iPhone còn rò rỉ thông qua phần lớn các ứng dụng trên cửa hàng App Store. Apple rõ ràng biết điều đó vì chính họ đã xây dựng nên hệ điều hành iOS. Những liên kết tích hợp sẵn cho phép các nhà phát triển truy cập và sử dụng tất cả các loại thông tin; bao gồm vị trí, ảnh, danh bạ, hay thậm chí tình trạng sức khỏe của người dùng.
Tất nhiên, một số ứng dụng hoạt động dựa vào dữ liệu trên iPhone. Apple cũng cung cấp một số cài đặt tương đối tốt để cung cấp biện pháp kiếm soát quyền truy cập và sử dụng thông tin. Nhưng thật không phù hợp khi khiến người dùng tin rằng toàn bộ dữ liệu vẫn “ở lại trên iPhone”.
Hơn nữa, ngay cả khi đã cung cấp công cụ kiểm soát quyền truy cập, người dùng đôi khi vẫn không biết dữ liệu trên iPhone của họ được thu thâp như thế nào. Cách đây 1 tháng, tờ New York Times đã phát hiện hàng chục công ty đang thu thập thông tin vị trí của người dùng thông qua điện thoại, bao gồm iPhone. Mặc dù dữ liệu được thu thập dưới dạng ẩn danh, nhưng cơ sở dữ liệu của các công ty thường chứa đủ thông tin về điểm đến và đi, để từ đó xác định cá nhân và dự đoán hành vi cụ thể. New York Times nhấn mạnh rằng một bộ phận người dùng bị ảnh hưởng không hề nhận thức được thông tin vị trí của họ đang bị đem ra kinh doanh và sử dụng cho mục đích khác.
|
Dữ liệu trên iPhone vẫn đang rò rỉ thông qua vô số ứng dụng trên cửa hàng Apple App Store. Ảnh: DNA India.
|
Công bằng mà nói, cam kết về quyền riêng tư của Apple vẫn được đánh giá cao. Một trong những điều người dùng thích khi chọn mua sản phẩm Apple là mô hình kinh doanh của công ty. Ít nhất thì “Táo khuyết” không duy trì hoạt động nhờ vào việc theo dõi mọi hành động của người dùng để bán quảng cáo. Công ty cũng lưu trữ dữ liệu dưới dạng ẩn danh và cho phép người dùng lựa chọn đối tượng chia sẻ dữ liệu.
Nhưng sau tất cả, iPhone không phải là một chiếc hộp đóng kín. Nhiều “điều xảy ra trên iPhone” nhưng chưa chắc đã “ở lại trên iPhone”. Đánh giá thế nào tùy bạn, nhưng với tôi, thông điệp trên tấm biển quảng cáo của Apple là thiếu trung thực và đang gây hiểu lầm cho người dùng.
Theo Business Insider