|
CEO Apple, Tim Cook đã nỗ lực không ít để dàn xếp căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: CNBC |
Hãy cùng theo dõi bài phân tích dưới đây của 2 cây bút Tripp Mickler và Yoko Kubota từ Wall Street Journals (WSJ) để làm rõ vấn đề này.
Nếu bạn để ý, phía sau mỗi chiếc iPhone đều có dòng chữ: “Thiết kế bởi Apple California, lắp ráp tại Trung Quốc” (Designed by California Apple, assembled in China).
Dòng chữ này phản ánh một trong những lý do quan trọng dẫn tới thành công của Apple. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày một leo thang, chính Apple sẽ phải đối mặt với những rủi ro vô cùng lớn.
Nhờ vào việc gia công thiết bị tại Trung Quốc, Apple đã tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ từ lực lượng gia công giá rẻ. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho các sản phẩm có lợi nhuận cao nhất của Apple trở thành hàng xuất khẩu của Trung Quốc và sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hàng rào thuế quan trong cuộc tranh chấp thương mại.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Apple. Nếu chính phủ Trung Quốc quyết định đưa ra chính sách đàn áp doanh số bán hàng của Apple để trả đũa chính phủ Mỹ, thì công ty sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Học viện Brookings - David Dollar - cho biết Apple có lý do chính đáng để lo lắng trước thực tế này.
Ngày 6/7, Mỹ bắt đầu áp lượng thuế trị giá 34 tỷ USD đối với các sản phẩm Trung Quốc. Chính quyền Trump dự kiến sẽ thực hiện hàng rào thuế quan thứ 2 đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD trong tháng 8. Danh sách các sản phẩm bị ảnh hưởng công bố đầu tháng vừa qua nhắm vào mục tiêu hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ USD, nhưng không có smartphone.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa tiếp tục áp thuế nhập khẩu vào số hàng hóa Trung Quốc có trị giá 500 tỷ USD. Các chuyên gia thương mại cho rằng danh sách sẽ bao gồm hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, trong đó có iPhone.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế, cơ quan chung của Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hợp Quốc, Mỹ đã nhập khẩu tổng số smartphone trị giá 45 tỷ USD từ Trung Quốc trong năm 2017.
Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, coi Trung Quốc như thị trường chiến lược, giống như tại sân nhà Mỹ. Ông Cook luôn cố gắng duy trì sự cân bằng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày một leo thang, bằng cách vận động chính phủ Trung Quốc và Mỹ.
Ông đã viếng thăm Bắc Kinh vào hồi tháng 3, và kêu gọi mở cửa thương mại, trong sự kiện do chính phủ Trung Quốc tổ chức.
Ông Cook cho biết: “Những quốc gia nắm bắt được cởi mở, nắm bắt được cơ hội thương mại và nắm bắt sự đa dạng là những quốc gia đạt được những thành tựu nổi bật”.
|
CEO Tim Cook trong chuyến thăm Nhà Trăng hồi tháng 4/2018. Ảnh: CNBC
|
Vào tháng 4/2018, ông Cook đã tới thăm Nhà Trắng và trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông nói với Tổng thống Donald Trump rằng thuế quan không phải biện pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề về thương mại.
Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp CNTT Mỹ, Dean Garfield cho biết: “Apple đang cố gắng liên hệ với chính phủ Mỹ để đảm bảo không xảy ra hậu quả ngoài ý muốn, dù từ Mỹ hay Trung Quốc”.
Ở thị trường Trung Quốc, iPhone phải chịu mức thuế VAT 16%. Tuy nhiên, ngoài doanh thu của Apple thì nhiều tài sản khác của công ty cũng bị ảnh hưởng, bao gồm chuỗi 40 cửa hàng bán lẻ hoạt động tại Trung Quốc, và cửa hàng ứng dụng lớn nhất thế giới Apple Store.
Bộ Thương mại Trung Quốc và Văn phòng Thông tin của Hội đồng Mỹ cũng từ chối trả lời câu hỏi của WSJ xung quanh vấn đề này.
Và cho dù đó là hàng rào thuế quan từ Mỹ hay Trung Quốc thì Apple cũng không thể tránh khỏi kéo vào cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia, kèm theo đó là những rủi ro nhất định.
Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng mức thuế đối với các sản phẩm của Apple thì nó sẽ ảnh hưởng tới mức giá bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng Mỹ. WSJ cho rằng chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn tới gã khổng lồ công nghệ khi “Táo khuyết” đã cam kết đóng góp 350 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong vòng 5 năm tới, bao gồm khoản thuế trả 1 lần cho dòng tiền đổ về từ nước ngoài sau cải cách thuế lớn của Mỹ, trị giá 38 tỷ USD.
|
Apple đang cung cấp hàng triệu việc làm cho người dân Trung Quốc. Ảnh: WSJ
|
Với hàng triệu việc làm mà Apple mang lại, tình hình êm ấm giữa 2 quốc gia cũng có lợi cho Bắc Kinh. Apple từng cho biết có khoảng 10.000 lao động Trung Quốc đang trực tiếp làm việc cho công ty. Ngoài ra, Apple cũng bóng gió rằng có 3 triệu người Trung Quốc đang phục vụ trong các chuỗi cung ứng, bao gồm số lượng lớn nhân công của công ty gia công theo hợp đồng Foxconn Technology Co. Đó là chưa kể tới khoảng 1,5 triệu nhà phát triển ứng dụng ăn theo các sản phẩm của công ty.
So với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường, Apple có lẽ là công ty dễ tổn thương nhất nếu hàng rào thuế quan được Mỹ và Trung Quốc áp đặt đối với smartphone, bởi các sản phẩm của họ vẫn chưa đa dạng.
Một nguồn tin của WSJ nói rằng Apple đã thử tìm cách lắp ráp iPhone tại các quốc gia khác ngoài Trung Quốc trong vài năm gần đây, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất quá cao khiến Apple không có sự lựa chọn khả dĩ nào khác.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, nếu Mỹ áp dụng mức thuế suất 10% trên mỗi chiếc iPhone X được sản xuất tại Trung Quốc thì chi phí để nhập khẩu iPhone X vào Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 37 USD (trước đó là 368 USD). Nhà phân tích thuộc Tập đoàn Quốc tế Susquehanna, Mehdi Hosseini nhận định rằng Apple đã tính trước mức thuế sẽ tăng thêm của mỗi chiếc iPhone X (vốn đã có giá 999 USD) và đẩy phần chi phí phát sinh thêm sang cho những nhà bán lẻ và người tiêu dùng gánh chịu.
Trong khi đó, đối thủ của Apple là Samsung - đang sản xuất hơn 80% sản lượng smartphone bên ngoài Trung Quốc - sẽ tránh được mức thuế quan tương tự.
Ở Trung Quốc, công việc kinh doanh của Apple đã bị giáng đòn nặng nề vào năm 2016, khi chính phủ Trung Quốc quyết định chặn dịch vụ cung cấp sách điện tử và âm nhạc trực tuyến của công ty. Các chuyên gia thương mại và nhà phân tích cho rằng các biện pháp như vậy cho thấy Trung Quốc có thể làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ như Apple như một biện pháp trả đũa chính quyền Trump.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc và các vấn đề thương mại của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Nicholas Lardy cho rằng nếu diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở nên xấu đi, Bắc Kinh có thể thẳng tay đàn áp các doanh nghiệp Mỹ.