Theo đại diện bồi thẩm đoàn tòa án liên bang Mỹ ở Texas, Apple đã vi phạm sáng chế liên quan đến quản lý quyền kỹ thuật số được áp dụng trên iTunes. Số tiền "Quả táo" phải trả dựa trên số lượng sản phẩm và dịch vụ đã vi phạm.
CEO Apple, Tim Cook, tại một cuộc họp với Thượng viện Mỹ trong vai trò nhân chứng trên Đồi Capitol năm 2013. Ảnh: AP. |
PMC - một công ty chuyên "săn lùng" bằng sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Sugarland, Texas - lần đầu kiện Apple năm 2015 với cáo buộc iTunes - dịch vụ bị " khai tử " năm 2019 - vì vi phạm bảy bằng sáng chế của họ. Apple kháng cáo thành công tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO). Tuy nhiên, phiên phúc thẩm tháng 3/2020 đã đảo ngược quyết định, mở đường cho phiên tòa được tổ chức tại Texas.
Trong một phát biểu với Bloomberg, Apple đã "bày tỏ thất vọng" với phán quyết và tuyên bố sẽ kháng cáo. "Những trường hợp kiện cáo được đưa ra bởi các công ty không tham gia sản xuất hoặc bán bất kỳ sản phẩm nào sẽ kìm hãm sự đổi mới và ảnh hưởng đến người tiêu dùng", đại diện Apple nói với Bloomberg.
Ngoài Apple, PMC đang kiện các công ty lớn khác như Netflix, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon.
Apple liên tục dính vào các vụ kiện tụng. Gần nhất, hãng đã bị Procon-SP, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil, phạt 2 triệu USD vì bán iPhone 12 không có củ sạc và quảng cáo gây hiểu nhầm. Công ty còn bị Cơ quan Chống độc quyền Italy (AGCM) phạt 11,95 triệu USD vì quảng cáo tính năng chống nước trên iPhone nhưng lại không bảo hành khi máy bị hỏng do ngấm nước. Đầu năm ngoái, chính quyền Pháp cũng tuyên phạt khoản tiền kỷ lục 1,23 tỷ USD do vi phạm luật chống cạnh tranh đối với mạng lưới phân phối và bán lẻ.
Theo VnExpress