|
Apple cố tình không cho khách hàng mang điện thoại sửa chữa ở cửa hàng ngoài hãng |
Theo Cnet, mọi chuyện bắt nguồn từ việc một số chủ sở hữu iPhone 6 đã đến các tiệm sửa chữa không phải của Apple để sửa nút Home. Họ than phiền rằng sau khi cập nhật lên iOS 9 thì điện thoại của họ bị xóa sạch dữ liệu và hiện dòng chữ “Error 53” lên màn hình. The Guardian là tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin này vào 2/2016.
Trả lời phàn nàn của khách hàng, Apple nói rằng “Error 53 là một biện pháp kiểm tra an ninh được thiết kế để bảo vệ khách hàng của chúng tôi”. Apple sau đó đã phát hành một bản cập nhật iOS để sửa lỗi “Error 53”. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đã lên tiếng cảnh báo rằng Apple có thể đã hành động bất hợp pháp bằng cách cố tình vô hiệu hóa iPhone, trừ khi người dùng mang điện thoại đến sửa chữa tại các cửa hàng Apple – vốn đắt đỏ hơn rất nhiều.
Sau một cuộc điều tra, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia (ACCC) đã đưa ra kết luận: “Apple dường như đã thường xuyên từ chối xem xét hoặc sửa chữa iPhone bị lỗi nếu những thiết bị này đã được sửa chữa tại các cửa hàng ngoài Apple”.
Luật tiêu dùng của Australia bảo đảm người tiêu dùng có quyền sửa chữa hoặc hoàn trả nếu một sản phẩm không phù hợp với mục đích sử dụng, ngay cả khi sản phẩm đó đã hết hạn bảo hành.
Chủ tịch ACCC, ông Rod Sims phát biểu: “Việc Apple từ chối khách hàng chỉ vì họ đã đem điện thoại đi sửa chữa ở bên thứ ba là một hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những khách hàng có điện thoại bị hỏng, mà nó còn làm cho những người sử dụng khác không tiếp cận được với các cửa hàng có chi phí sửa chữa rẻ hơn nhiều so với Apple”.
ACCC đang tiến hành các thủ tục tố tụng tại Tòa án Liên bang. Cơ quan này hy vọng Tòa án có thể đưa ra các lệnh cấm hoặc phạt tiền đối với Apple. Về phía Apple, hãng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc nói trên.