|
Dẫu Epic, nhà phát hành tựa game đình đám Fortnite, chỉ "chằm chằm" vào mức hoa hồng 30% mà kho ứng dụng của Apple thu, thế nhưng, nỗi lo này của các hãng game Nhật Bản lại to lớn hơn rất nhiều. Theo nhiều người có liên quan, từ lâu, họ đã không hài lòng với những sự không nhất quán trong việc thực thi các nguyên tắc trên App Store của Apple, cùng nhiều quyết định không thể lường trước được và lờ đi trong giao tiếp.
Cơ quan chống độc quyền của Nhật Bản cho biết, họ sẽ tăng cường chú ý đến các hoạt động của Apple sau cuộc xung đột pháp lý lớn gần đây. Điều này khiến nhiều giám đốc điều hành lớn bắt đầu lên tiếng, dẫu ban đầu họ chọn cách im lặng vì sợ bị trả thù.
"Từ tận đáy lòng mình, tôi muốn Epic chiến thắng", Hironao Kunimitsu, người sáng lập và là chủ tịch của nhà sản xuất trò chơi di động Gumi có trụ sở tại Tokyo, viết trên trang Facebook của mình.
"Hai ông lớn" Apple và Google độc quyền nắm trọn thị trường ứng dụng di động bên ngoài Trung Quốc. Bất kỳ nhà phát triển nào muốn trò chơi của mình có thể chơi được trên iPhone hoặc những thiết bị Android đều buộc phải phân phối thông qua cửa hàng ứng dụng tương ứng, chia sẻ doanh thu với "hai ông trùm" này đối với các giao dịch có liên quan đến sản phẩm của họ.
Epic, vốn thu về hơn 1 tỉ USD hàng năm từ việc bán các skin ảo cũng như những tiện ích bổ sung trong tựa game Fortnite của mình, đã kiện 2 gã khổng lồ công nghệ này vì cho rằng mức phí hoa hồng mà họ thu là quá cao và công ty có quyền bán trực tiếp những phần bổ sung trong game đến người chơi. Cả Apple lẫn Google đều bác bỏ những cáo buộc đó trước tòa. Nhà sản xuất iPhone cho rằng, việc thu phí hoa hồng này của mình là hoàn toàn hợp lý bởi họ cung cấp sự an toàn, bảo mật, hỗ trợ phát triển và đưa mọi ứng dụng đến với 1 tỉ người dùng.
iPhone tạo ra doanh thu khổng lồ cho những người sáng tạo game ở Nhật Bản, bao gồm nhiều công ty tên tuổi lâu đời như Square Enix Holdings (40% lợi nhuận của tập đoàn đến từ game trên smartphone) hay Bandai Namco Holdings khi thu được hàng tỉ USD với tựa game bom tấn Fate/Grand Order.
|
Với 702.000 nhà phát triển đăng ký, Nhật Bản là một trong những nơi có cộng đồng phát triển sáng tạo bậc nhất thế giới. Một nghiên cứu gần đây do Apple ủy quyền ước tính, hệ sinh thái App Store ở Nhật Bản đã tạo ra 37 tỉ USD doanh thu trong năm 2019, trong đó, 11 tỉ USD đến từ hàng hóa và dịch vụ số, 24 tỉ USD đến từ hàng hóa và dịch vụ vật lý và 2 tỉ USD từ quảng cáo trong ứng dụng.
Tuy nhiên, theo các nhà phát triển game, App Store thường gây nhiều khó khăn hơn so với Google Play Store, vốn có quy trình phê duyệt trơn tru hơn hơn và giao tiếp tốt hơn. Thậm chí, còn có 1 dịch vụ bên thứ ba có tên là iOS Reject Rescue được tạo ra nhằm mục đích giúp các nhà phát triển có thể vượt qua quy trình phê duyệt không thể lường trước được của Apple.
"Quá trình đánh giá ứng dụng cảu Apple thường mơ hồ, chủ quan và không hợp lý", Makoto Shoji, người sáng lập PrimeTheory, công ty cung cấp dịch vụ từ chối cho hay. "Câu trả lời của Apple cho các nhà phát triển thường cộc lốc và phiến diện, nhưng ngay cả khi nhận được điều đó, bạn vẫn phải lịch sự trong nhiều trường hợp, giống như một người hầu hỏi xem chủ muốn gì tiếp theo."
Apple cho biết, họ cố gắng cung cấp cho các nhà phát triển sự hỗ trợ có chất lượng cao nhất thông qua điện thoại hoặc email, thông qua bao gồm 1.400 cố vấn và nhân viên dịch vụ khách hàng có trụ sở tại Nhật Bản. Họ đã dịch các nguyên tắc đánh giá App Store và trong tuần này cũng đã phát hành phụ đề tiếng Nhật cho những video hội nghị nhà phát triển từ mùa hè, đưa ra các ý tưởng mới nhất về việc thiết kế ứng dụng tối ưu. Apple cho biết, mục tiêu của họ là cung cấp nơi tốt nhất cho khách hàng cũng như nhà phát triển trong việc tải và tạo ứng dụng.
Ngành công nghiệp game Nhật Bản đã quá quen với việc chia sẻ doanh thu 30%, kể từ khi các băng game cho chiếc máy chơi game Nintendo xuất hiện vào những năm 1980. Hầu hết các nhà phát triển không bận tâm về điều đó, nhưng họ muốn thấy dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là từ Apple.
Các nhà phát triển phàn nàn rằng, đôi khi, họ phải chờ hàng tuần mới có thể biết được App Store chấp thuận hay không các tựa game của mình. Một studio game tại đây cho biết, họ đã từ bỏ việc tổ chức các sự kiện trong game theo mùa, vốn là một yếu tố có thể thúc đẩy doanh cao lớn, bởi Apple đã không phản hồi yêu cầu xem xét cập nhật của họ trong hơn 1 tháng.
Shoji tiết lộ: "Dù Apple sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng, có những lúc họ chỉ đơn giản là để quên một mục trong hàng đợi đánh giá, hoặc họ cố tình giữ nguyên vậy như một biện pháp trừng phạt đối với nhà phát triến có thái độ không đúng mực."
Apple cho biết, nhóm đánh giá ứng dụng của họ hoạt động trên 2 múi giờ, và các đại diện sẵn sàng thảo luận về ứng dụng cụ thể bằng tiếng Nhật với những nhà phát triển thông qua điện thoại trong giờ hành chính tại địa phương.
Một số nhà sản xuất game tiết lộ, hồi tháng 11 năm ngoái, máy chủ của Apple đã ngừng hoạt động hơn 1 ngày mà không có bất kỳ thông báo nào gửi đến các nhà phát triển, khiến việc chẩn đoán sự cố của họ trở nên khó khăn hơn. Màn hình trạng thái hệ thống của "nhà Táo" cũng rất chậm chạp trong việc chỉ rõ các sự cố diễn ra. Những trục trặc như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí kinh tế của người sáng tạo, mà Apple cũng chẳng bao giờ hoàn trả. Dẫu vậy, Apple lại xác nhận rằng, họ làm việc cật lực để giữ cho hệ thống App Store của mình luôn hoạt động ổn định.
Các công ty Nhật Bản cũng cho biết, đôi khi Táo khuyết rất ‘lồi lõm' khi giải thích những nội dung phù hợp và thay đổi chính sách của mình mà không báo trước. Một số hãng game cho biết, có những nhân vật được chấp thuận theo cách giải thích rằng họ mặc đồ bơi, sau đó lại bị Apple bác bỏ bằng cách nhận định đó là đồ lót, dẫn đến lý do khiêu dâm. Một nhà phát triển khác triển khai hệ thống trong game mà Apple đã phê duyệt, nhưng với tựa game tiếp theo của mình, nó lại bị từ chối dù dùng chung mã với game lần trước được chấp thuận.
Apple chỉ ra rằng, các nguyên tắc của họ nghiêm cấm "những tài liệu khiêu dâm hoặc tình dục công khai" và nhấn mạnh, họ có trách nhiệm cung cấp 1 nơi an toàn và đáng tin cậy để người dùng cài đặt ứng dụng.
Nhà tư vấn game Hisakazu Hirabayashi có trụ sở tại Tokyo đã tận mắt chứng kiến những thách thức này. Một nhóm phát triển đã phải kiểm tra chiến lược tạo doanh thu cho các tựa game của mình với Apple vài lần trước khi phát hành, đảm bảo rằng Apple luôn chấp thuật. Nhiều tuần sau khi ứng dụng ra mắt, chủ sở hữu App Store đã thay đổi lập trường, nói rằng, nhà phát triển nên loại bỏ chức năng đó khỏi ứng dụng, nếu không, ứng dụng sẽ không còn có thể phân phối được nữa.
"Apple là một cảnh sát trưởng, nhưng đôi khi giải thích không nhất quán về các nguyên tắc vì những lợi ích của chính mình", Hisakazu Hirabayashi cho hay.
Theo Diễn đàn đầu tư