App cho vay nặng lãi 'tái xuất giang hồ” truy sát cả người thân con nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Lê Minh Hải, CEO Tienngay.vn cho hay, dịp cận Tết, App tín dụng đen đang quay trở lại dội bom cuộc gọi vào con nợ và người thân của họ để đòi tiền.
Các App tín dụng đen sử dụng thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền online lãi suất thấp hoặc mạo danh các tổ chức ngân hàng có uy tín.
Các App tín dụng đen sử dụng thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền online lãi suất thấp hoặc mạo danh các tổ chức ngân hàng có uy tín.

Trong thời gian gần đây, có nhiều phản ánh của độc giả về tình trạng bị dội "mưa cuộc gọi" khi người thân của họ vay tiền qua app tín dụng đen. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền để nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Minh Hải, CEO Tienngay.vn cho hay, sở dĩ dịp cuối năm này nhiều người vay và người thân của họ bị dội bom cuộc gọi liên tục vì các app tín dụng đen đang quay trở lại. "Sau một thời gian bị cơ quan công an làm gắt gao các app tín dụng đen âm thầm rút lui khỏi thị trường. Thế nhưng hiện nay chúng đã quay trở lại để đòi tiền con nợ. Các app tín dụng đen sử dụng phần mềm truy vết từ Facebook và từ các số điện thoại liên lạc… để tìm ra mối liên quan.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Việt Vĩnh CEO của Fiin Credit – một công ty hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng (P2P) cho hay, các app tín dụng đen bắt đầu quay trở lại quấy đảo thị trường vào dịp cận tết để đòi tiền con nợ. Chúng tiến hành gọi điện khủng bố những người có liên hệ với con nợ để gây áp lực phải trả tiền.

Phân tích thêm về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo vay tiền online, ông Trần Việt Vĩnh, CEO của Fiin Credit cho hay, điểm mấu chốt là dụ khách hàng cài app của bọn chúng để làm thủ tục cho vay tiền online. Các app đã được cài mã độc để đánh cắp dữ liệu trong smartphone của khách hàng như danh bạ điện thoại và có thể là những nội dung nhạy cảm khác… Từ đó, các đối tượng ép khách hàng phải trả số tiền lớn hơn nhiều so với khoản vay mà bọn chúng chuyển vào tài khoản cho khách hàng. Nếu không làm theo yêu cầu, các đối tượng sẽ nhắn tin với nội dung xấu cho những người thân, bạn bè của nạn nhân.

"Việc cài mã độc để đánh cắp dữ liệu trong smartphone, ép khách hàng trả số tiền theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo là vấn đề rất nghiêm trọng. Vì vậy, khách hàng phải nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi này của tội phạm mạng. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông cảnh báo sớm cho người dùng để phòng tránh được các thủ đoạn lừa đảo đó", ông Trần Việt Vĩnh nói.

Để giải quyết vấn nạn này, nhiều người dân đang chờ lực lượng Công an mở chiến dịch trấn áp tín dụng đen cho vay nặng lãi vào dịp cuối năm. Như vậy, mới có thể giảm thiểu những hệ lụy cho xã hội vì tín dụng đen hoành hành.

Mới đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện nay nổi lên tình trạng những người vay nợ của các tổ chức tín dụng đen khi chưa thể thực hiện nhiệm vụ trả nợ, thì bị các nhóm này sử dụng nhiều giải pháp như khủng bố tinh thần người thân quen (dù không liên quan) để làm mất uy tín của họ.

Để ngăn chặn tình trạng tội phạm tín dụng đen, Công an TP.HCM đã tập trung lực lượng xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Thống kê từ 1/12/2020 đến nay, Công an TP.HCM đã xử lý 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa liên quan đến các đối tượng hoạt động tín dụng đen.

Lực lượng cảnh sát hình sự thành phố cũng đã phát hiện 120 vụ việc có liên quan đến tín dụng đen, trong đó, cơ quan CSĐT đã khởi tố 45 vụ án với 65 bị can...

Trong thời gian tới, Công an TP.HCM tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự, công an xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen.

Về việc người dân không liên quan mà bị khủng bố về mặt tinh thần, bị quấy rối, xúc phạm nhân phẩm, Thượng tá Hà tư vấn, người dân có thể khiếu nại công ty tài chính về biện pháp đôn đốc, đòi nợ.

Ngoài ra, người dân có thể gửi đơn tố cáo đến thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an nếu công ty tài chính tiếp tục sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện viễn thông để quấy rối, xúc phạm nhân phẩm…

Theo Vietnamnet