|
Ông Phó Đức Sơn - Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam thuyết trình tại hội thảo |
Giới thiệu tổng quan về mã số, mã vạch (MSMV), ông Phó Đức Sơn - Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam - cho biết, MSMV lần đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ năm 1974 và đánh dấu việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả. Sau đó, nhiều tổ chức quốc tế về MSMV đã được thành lập, trong đó tổ chức toàn cầu GS1 thu hút được 160 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, cùng một cộng đồng hơn 1,6 triệu doanh nghiệp tham gia ứng dụng MSMV cho sản phẩm, hàng hóa của mình.
Việt Nam chính thức là thành viên của GS1 từ năm 1995 và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ cử làm đại diện. Còn về hành lang pháp lý cho MSMV tại Việt Nam, đã có nhiều văn bản được Chính phủ ban hành và mới nhất là Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 19/1/2019 để phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG). Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 có tối thiểu 30% doanh nghiệp sử dụng MSMV có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Cùng với việc đó, các cơ quan quản lý phải hoàn thiện, nâng cấp Cổng Thông tin Truy xuất Nguồn gốc Sản phẩm Hàng hóa Quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống của các các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Ông Phó Đức Sơn khẳng định, truy xuất nguồn gốc (TXNG) là xu thế tất yếu của thị trường, tạo cơ hội để doanh nghiệp thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm. TXNG cũng là bằng chứng để các cơ quan nhà nước xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chống gian lận thương mại. TXNG cũng tạo lòng tin của khách hàng thông qua sự minh bạch thông tin về sản phẩm, hàng hóa.
Còn theo ông Phạm Thế Quế - Chánh văn phòng Hội Mã số Mã vạch Việt Nam - ứng dụng MSMV là một trong các công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động được thế giới sử dụng rộng rãi hiện nay. MSMV giúp cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thêm công cụ xác thực nguồn gốc hàng hóa, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống hàng giả. Nói đến MSMV là nói đến việc ứng dụng CNTT trong quản lý hàng hóa, sản phẩm và công nghệ ngày nay là điện toán đám mây - giải pháp tích cực, thông minh rất đáng quan tâm, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - nhận định rằng, trong sự phát triển của thương mại điện tử thì MSMV là không thể thiếu. Theo đó, mọi sản phẩm, hàng hóa đều phải có MSMV riêng và tốt nhất thì đó phải là các mã được phân theo quốc tế chứ không thể là riêng rẽ của từng hệ thống vì khi đó dễ bị trùng lặp.
|
Mã số, mã vạch được in ra để dán vào sản phẩm, hàng hóa (Ảnh: ST)
|
Đứng trên góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch Công ty Vina CHG - nêu bật một số khó khăn: Chưa có chuẩn chung về hệ thống dữ liệu TXNG, chưa có sự đồng bộ về dữ liệu giữa các địa phương; thiếu nhân sự thực hiện và hệ thống phần mềm quản lý mã QR để TXNG cũng chưa được chuẩn hóa. Bên cạnh đó là những hạn chế như: doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa nhìn thấy hiệu quả thực sự của việc TXNG; chưa có sự giám sát và quản lý của Nhà nước đối với thông tin được truy xuất; tình trạng làm giả/sao chép tem truy xuất/mã QR trên bao bì...
Tổng kết hội thảo, ông Phó Đức Sơn đánh giá cao các báo cáo tham gia cùng những thảo luận tích cực của các đại biểu tham dự. Theo ông, để MSMV thực sự đem lại hiệu quả cho nền kinh tế nước nhà thì có rất nhiều việc phải làm của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp. Bên cạnh việc Nhà nước phải hoàn thiện các văn bản pháp lý cho MSMV và TXNG, việc xây dựng kho dữ liệu chung về MSMV thống nhất với quốc tế cũng là hết sức quan trọng.