|
Ảnh minh họa: Reuters |
Hội đồng đánh giá an ninh mạng Huawei (HCSEC), đứng đầu là Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC), trực thuộc Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ), đã công khai những khiếm khuyết nghiêm trọng trong công nghệ Huawei.
Báo cáo của HCSEC chỉ ra những “khiếm khuyết cơ bản” trong quy trình bảo mật và kỹ thuật phần mềm của Huawei, mà tin tặc hoặc các chính phủ có thể khai thác, gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Các nhà chức trách Anh chỉ trích Huawei không có tiến bộ trong quá trình giải quyết các lỗ hổng bảo mật được phát hiện trong năm ngoái. Đồng thời, hội đồng giám sát đặt ra nghi vấn về chương trình vận động hành lang trị giá 2 tỉ USD tại Anh.
“Hiện tại, hội đồng giám sát vẫn chưa tin vào năng lực của Huawei, để đáp ứng các điều kiện bảo mật, do chính công ty đề xuất để giải quyết các khiếm khuyết cơ bản này”, báo cáo viết. “Công việc [của chúng tôi] là tiếp tục xác định các vấn đề liên quan đến phương pháp tiếp cận và phát triển phần mềm của Huawei”.
Mặc dù bản báo cáo không phải là lệnh cấm Huawei tham gia thị trường Anh, nhưng rủi ro bảo mật đã được xác nhận bởi cơ quan an ninh mạng hàng đầu quốc gia này. Hội đồng cũng cảnh báo các nhà mạng Anh nên cân nhắc lỹ lưỡng hợp tác với công ty Trung Quốc vì nhiều nguyên nhân, bao gồm thiết bị truyền sóng kết nối tới điện thoại của người dùng có tên eNodeB.
Báo cáo cho rằng: “Khi khiếm khuyết cơ bản trong kỹ thuật phần mềm và quy trình bảo mật của Huawei chưa được khắc phục, [chính phủ Anh] sẽ rất khó để kiểm soát rủi ro trên các sản phẩm [Huawei], nếu triển khai trong tương lai”.
|
Trụ sở Truyền thông Chính phủ Anh, nơi thiết lập Trung tâm Đánh giá An ninh mạng Huawei. Ảnh: Independent
|
Gần đây, Mỹ liên tục phát đi lời kêu gọi các nước đồng minh ban hành lệnh cấm đối với công ty Trung Quốc. Dưới sức ép gia tăng, Australia, Nhật Bản và New Zealand ngăn chặn Huawei tham gia triển khai 5G vì lo ngại về rủi ro bảo mật.
Báo cáo tiết lộ các nhà mạng Anh đã phát hiện hàng trăm lỗ hổng trong công nghệ Huawei và báo cáo lên cơ quan an ninh mạng. Mặc dù công khai chỉ trích, nhưng các chuyên gia NCSC khẳng định những khiếm khuyết trên thiết bị Huawei không phải là “kết quả của sự can thiệp từ Trung Quốc”.
Phát ngôn viên của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) cho biết: “Huawei đã phải trải qua cuộc giám sát chi tiết và tuân thủ luật pháp để tiếp tục hiện diện tại Anh. Báo cáo đại diện cho tất cả tiêu chuẩn cải thiện an ninh mạng viễn thông của Anh”.
Phát biểu trên The Guardian, Giám đốc điều hành quản lý chi tiêu R&D của Huawei, ông David Wang cho biết phần cứng và phần mềm là “các hệ thống rất phức tạp”, có thể bị lỗi do con người, nhưng không tồn tại bất kỳ “lỗ hổng back-door độc hại” nào.
Đồng thời, bản báo cáo của HCSEC cũng nhấn mạng mạng lưới viễn thông của Anh hiện nay dễ bị tấn công hơn năm 2017.
“Bản báo cáo đã mô tả chi tiết những lo ngại về khả năng kỹ thuật phần của Huawei”, phát ngôn viên của Huawei cho biết. “Chúng tôi hiểu được mối quan tâm này và nghiêm túc tham gia. Các vấn đề được xác định trong bản báo cáo là yếu tố quan trọng thúc đẩy Huawei liên tục đổi mới khả năng kỹ thuật phần mềm”.
Một số nhà phân tích cho rằng quyết định để ngỏ khả năng tham gia triển khai 5G của Huawei là hành động khôn ngoan của chính phủ Anh. Hiện nay, các nhà mạng lớn ở Anh như Everything Everywhere và O2 (thuộc sở hữu của Bristish Telecom), Vodafone, Three đã bắt đầu thử nghiệm 5G bằng công nghệ của Huawei. Lệnh cấm hoàn toàn đối với công ty Trung Quốc có thể kéo dài tiến trình ra mắt 5G thương mại và khiến các nhà mạng tốn hàng trăm triệu USD để thay thế cơ sở hạ tầng.
Hồi tháng 12, Tập đoàn truyền thông Bristish Telecom đã xác nhận loại bỏ hoàn toàn thiết bị Huawei khỏi thành phần cốt lõi của mạng 4G. BT cho biết đã áp dụng chính sách này kể từ khi mua lại Everything Everywhere với giá 12,5 tỷ USD vào năm 2015.
Đầu tháng 3, Huawei đã khởi kiện Mỹ vì cấm sản phẩm do công ty sản xuất một cách thiếu căn cứ. Đồng thời, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến ám chỉ chính quyền Trump muốn dùng Huawei và CFO Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi bị bắt ở Canada, để thương lượng với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.
Dự kiến, chính phủ Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho khả năng tham gia triển khai 5G của Huawei vào tuần tới.
Theo The Guardian