Anh, Nhật Bản điều lực lượng hùng hậu tập trận ở vị trí "cực kỳ nhạy cảm" dằn mặt Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhóm tác chiến Hải quân Hoàng gia Anh đã tổ chức cuộc tập trận đầu tiên với phía Nhật Bản ở ngoài khơi Okinawa, một phần trong nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm mở rộng vai trò an ninh.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh (Ảnh: SCMP)
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh (Ảnh: SCMP)

Cuộc tập trận này có sự tham gia của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, tàu HMS Defender và HMS Kent của Anh, được hộ tống bởi chiến hạm HNSMS Evertsen của Hà Lan, tàu USS The Sullivans và USS New Orleans của Mỹ, cùng với khu trục hạm Asahi của Nhật Bản.

Cuộc tập trận diễn ra trong hôm thứ Ba tuần này còn bao gồm nhiều chiến đấu cơ F-35 của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay trọng tải 64.000 tấn của Anh, ngoài ra còn có các bài huấn luyện trực thăng chiến đấu của Anh và máy bay chuyên chở Osprey của Mỹ.

Đô đốc Yasushige Konno cho hay việc tham gia tập trận chung cùng nhiều quốc gia sở hữu F-35 như vậy là “rất có ý nghĩa”. Mỹ và Anh là hai nước duy nhất đem ra sử dụng mẫu máy bay này, mặc dù Nhật cũng đã mua một số lượng F-35 và dự kiến sẽ vận hành khoảng 42 chiếc F-35B trong tương lai – có khả năng sẽ được trang bị cho tàu sân bay hạng nhẹ Izumo.

“Tăng cường hợp tác với các quốc gia cùng chia sẻ giá trị chung là điề rất quan trọng, bất chấp khoảng cách về mặt địa lý” – ông Konno nói.

Toshimitsu Shigemura – Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Waseda, Tokyo – đã nêu bật vị trí mà các nước tổ chức cuộc tập trận, đó là vùng biển nằm giữa Nhật Bản và đảo tự trị Đài Loan, cách không xa quần đảo Điếu Ngư và ở khoảng cách hợp lý so với Biển Đông.

Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư, nhưng nó là được quản lý bởi Nhật Bản và được Tokyo gọi tên là quần đảo Senkaku.

“Đây là hành động mang tính biểu tượng và nhằm gửi đi một thông điệp tới Trung Quốc về liên minh an ninh mà Tokyo đang xây dựng với các nước khác, cả ở trong lẫn ngoài khu vực” – ông Shigemura nhận định.

“Đối với Nhật Bản, sự trở lại của quân đội Anh ở Viễn Đông là rất quan trọng, bởi nó có thể mang trở lại khối liên minh hùng mạnh giữa Anh và Nhật Bản như thời Meiji (Minh Trị)” – vị chuyên gia nói, nhắc tới giai đoạn từ 1868 đến 1912 khi mà Nhật Bản biến đổi từ một nhà nước phong kiến sang một nước công nghiệp và có nhiều đồng minh trên khắp thế giới.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã rời cảng Portsmouth từ ngày 24/5 và tham gia cuộc tập trận cùng các đối tác NATO ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Nhóm tác chiến mà nó dẫn đầu đã băng qua Ấn Độ Dương vào đầu tháng 7, tham gia tập trận cùng Hải quân Ấn Độ trước khi đi qua Singapore và đến Biển Đông để tham gia tập trận tự do hàng hải cùng với Mỹ.

Hạm đội của Anh neo đậu tại đảo Guam trước khi tham gia tập trận chung với Nhật và sau đó sẽ tham gia cuộc tập trận Bersa Lima 21 cùng với Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore trước khi hoàn thành đợt triển khai kéo dài 7 tháng.

James Brown, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Temple Nhật Bản, cũng đồng quan điểm rằng vị trí diễn ra cuộc tập trận “chắc chắn không phải sự trùng hợp”.

“Mối quan ngại chính của Anh chính là Biển Đông, và rõ ràng Okinawa là khu vực của Nhật Bản nằm sát Biển Đông nhất, thêm vào đó là nhiều yếu tố khác, như các căn cứ của Mỹ cũng nằm ở Okinawa” – ông nói.

“Từ góc nhìn của Nhật Bản, cuộc tập trận này phục vụ cho chính sách phát triển an ninh quốc gia của họ. Cho đến mãi gần đây, Nhật Bản vẫn phải dựa hoàn toàn vào Mỹ về vấn đề an ninh, nhưng giờ họ đã quyết định phải bổ sung thêm – chứ không phải thay thế - mối quan hệ đó” – Brown nhận định – “Australia có thể là quốc gia cùng chí hướng số 1 của họ trong khu vực. Nhưng cuộc tập trận kiểu này cho thấy Nhật Bản nỗ lực như thế nào trong việc xây dựng quan hệ an ninh với các nước châu Âu”.

Ông Brown cũng thêm rằng, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi sát sao cuộc tập trận chung này. “Họ sẽ sử dụng mọi thứ mà họ có để quan sát xem điều gì đang diễn ra”, ông nói.

Ông Brown cho rằng, các tàu ngầm của Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi động thái của nhóm tàu sân bay của Anh, mặc dù Bắc Kinh đã bác bỏ một số báo cáo rằng hạm đội Anh phát hiện ít nhất 1 tàu ngầm Trung Quốc đang theo đuôi họ vào thời điểm đầu hành trình bằng qua Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc cho rằng báo cáo này “không đáng tin”.

Trong tuần tới, nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh dự kiến tập trận cùng với các đơn vị hải quân và không quân của Hàn Quốc, mặc dù kế hoạch tới thăm cảng ở Busan đã bị hủy do đại dịch COVID-19.

Phía Triều Tiên chắc chắn sẽ không lấy làm hài lòng trước cuộc tập trận chung giữa Anh và Hàn Quốc. Hôm 26/8, Bình Nhưỡng đã lên án cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, mô tả cuộc tập trận thường niên này là “đùa với lửa”.