Động thái nhằm vào một nhân vật quan trọng của đảng Bảo thủ đánh dấu một trong những bước ngoặt kịch tính nhất trong cuộc khủng hoảng Brexit kéo dài 3 năm, đã khiến cho đất nước từng được xem là cột trụ của sự bình ổn chính trị - kinh tế của phương Tây suy yếu.
Ông Soames là một trong số 21 nhà lập pháp đảng Bảo thủ đứng ra phản đối kế hoạch Brexit của Thủ tướng Johnson, cùng với những nhân vật đáng chú ý khác như Ken Clarke – 79 tuổi, nhà lập pháp có thời gian làm việc tại Hạ viện Anh lâu nhất từ trước đến nay – và cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond. Tất cả các nhà lập pháp này đều sẽ bị khai trừ khỏi đảng.
Khi nhận được câu hỏi từ báo giới rằng liệu đây có phải dấu chấm hết của đảng Bảo thủ mà ông của ông từng biết tới hay không, ông Soames nói: “Không, nhưng đó là một đêm tồi tệ. Đó thực sự là một điều đáng tiếc bởi theo quan điểm của tôi thì tất cả đã được lên kế hoạch trước. Đây chính xác là điều họ muốn và họ sẽ cố gắng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mà họ muốn”.
Kể từ khi nhậm chức cách đây 6 tuần, Thủ tướng Johnson đã hành động khá thô bạo: Ông thực hiện một trong những cuộc “thay máu” nội các lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Anh và cắt giảm thời gian họp của Quốc hội để làm tăng khả năng Anh rời khỏi EU, dù có hay không có thỏa thuận.
Sau khi bị đánh bại bởi một nhóm các nhà lập pháp đối lập và những “kẻ nổi dậy” trong đảng của mình, ông Johnson sẽ chỉ đạo cấp dưới nói chuyện với những người chống lại chỉ thị của ông và khai trừ họ khỏi đảng – theo một phát ngôn viên của Phố Downing.
Xét tổng quan, các nhà lập pháp có tổng thời gian làm việc trong Quốc hội Anh lên tới 330 năm sẽ bị khai trừ khỏi đảng của ông Johnson – đảng cũng để mất luôn thế đa số trong Quốc hội trong hôm 3/9.
“Người phụ trách kỷ luật đảng – cũng là bạn thân của tôi – đã nói với tôi rằng trách nhiệm không mấy vui vẻ của ông ấy là viết cho tôi một bức thư vào ngay mai để nói rằng tôi đã bị khai trừ sau 37 năm là thành viên của đảng Bảo thủ trong Quốc hội” – ông Soames nói – “Đó là kết quả một cuộc chiến. Tôi biết rõ điều mình đang làm”.
Ông Soames, 71 tuổi, từng được Nữ hoàng Elizabeth phong tước hiệu Hiệp sĩ vào năm 2014, đã là một thành viên của Quốc hội Anh từ năm 1983. Ông là con trai của bà Mary Soames, con út trong số 5 người con của cố Thủ tướng Churchill.
Thủ tướng Churchill chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của nước Anh, ông được xem là người chiến thắng trong Thế chiến II và tính đến nay vẫn là chính khách quyền lực nhất ở nước Anh trong thế kỷ 20 – có thể sánh ngang với Josef Stalin và Harry Truman.
Đương kim Thủ tướng Johnson từng nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông với Churchill, và trong năm 2014 đã xuất bản một cuốn tự truyện có tên “Nhân tố Churchill: Cách một người tạo nên lịch sử”. Trong đoạn giới thiệu, ông Johnson – lúc bấy giờ là Thị trưởng London – viết: “Vào thời điểm tôi đang lớn lên thì điều đó không có gì phải bàn. Churchill là chính khách vĩ đại nhất mà nước Anh từng sản sinh”.
Khi còn là một cậu bé, ông Soames không hề biết về tầm ảnh hưởng của người ông của mình. Ông kể rằng, khi lên 5 tuổi, có lần ông tới thăm ông mình và hỏi: “Thưa ông, có phải ông là người vĩ đại nhất thế giới?” Churchill trả lời: “Đúng vậy, giờ thì hết rồi”.
Andrew Adonis – thành viên của Công đảng đối lập – nói rằng Churchill chắc chắn cũng sẽ bị khai trừ khỏi đảng Bảo thủ nếu như đảng này vận hành như hiện nay, bởi ông từng phản đối Thủ tướng Neville Chamberlain ký hiệp ước hòa bình với Adolf Hitler vào thời điểm chỉ 1 năm trước khi Thế chiến II bùng nổ.
“Có khi ngay cả Churchill cũng sẽ bị khai trừ” – ông Adonis nói – “Chamberlain từng công kích kịch liệt ông ấy vì làm ảnh hưởng tới vị trí đàm phán tại Munich và từng cố gắng khai trừ ông ta”.
Reuters dẫn một nguồn tin thân với nhóm lập pháp bỏ phiếu chống lại Chính phủ của Thủ tướng Johnson nói rằng, cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba vừa qua chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch đảo ngược viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.
Theo Reuters