Ông Johnson đã có cuộc gặp với ông Macron tại Điện Elysee chỉ một ngày sau khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đã thách thức Anh đưa ra các điều khoản Brexit có thể chấp nhận được để thay thế cho thỏa thuận có điều khoản về biên giới UK-Ireland vốn gây bất đồng hiện nay.
Sau hơn 3 năm kể từ khi Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU, hiện vẫn chưa rõ về các điều khoản mà nền kinh tế lớn thứ hai của khối này phải tuân thủ khi rời khỏi CLB mà họ đã gia nhập vào năm 1973.
Reuters dẫn lời một quan chức Pháp giấu tên cho hay, các cuộc đối thoại trong bữa trưa giữa hai nhà lãnh đạo "mang tính xây dựng". Ông Macron đã để ngỏ cánh cửa để Anh tìm một giải pháp mới đối với điều khoản "chốt chặn" Ireland, nhưng cho rằng điều khoản thay thế cần phải tôn trọng cả sự toàn vẹn của thị trường đơn EU cũng như sự ổn định của Ireland.
"Tôi muốn nêu rất rõ ràng" - ông Macron nói - "Trong tháng tới đây, chúng ta sẽ không tìm được một thỏa thuận (Brexit) mới khác xa khỏi thỏa thuận gốc".
Trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức cách đây 1 tháng, ông Johnson đã cảnh báo bà Merkel và ông Macron rằng họ sẽ đối diện với khả năng Brexit không thỏa thuận vào ngày 31/10 tới đây, trừ khi EU chấp nhận một thỏa thuận mới. Phát biểu tại The Hague (Hà Lan), bà Merkel khẳng định bà không có ý đặt ra thời hạn chót khi mới đây nói rằng một giải pháp cho vấn đề biên giới Ireland có thể xuất hiện trong vòng 30 ngày.
Thủ tướng Johnson nói ông tin rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận trước ngày 31/10, và rằng ông cảm thấy "được thôi thúc" bởi điều mà bà Merkel đã nói trong hôm thứ Tư về một giải pháp cho vấn đề Ireland.
"Hãy cùng thực hiện Brexit, hãy thực hiện nó một cách có ý nghĩa và thực tế, phù hợp với lợi ích của các bên mà không cần chờ đợi tới ngày 31/10" - ông Johnson nói - "Hãy cùng tăng cường và thắt chặt quan hệ bằng hữu và đối tác giữa chúng ta".
Ông Johnson, người mãnh liệt trong vấn đề Brexit, đang đặt cược rằng lời cảnh báo Brexit không thỏa thuận của ông sẽ thuyết phục bà Merkel và ông Macron rằng EU nên chấp nhận thỏa thuận mới vào phút chót sao cho phù hợp với các yêu cầu của ông. Ông Johnson trước đó cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU vào đúng ngày 31/10 - dù có hay không có thỏa thuận.
Tuy nhiên, ông Macron khẳng định rằng vận mệnh của nước Anh chỉ nằm trong tay ông Johnson. Ông nói rằng EU không muốn viễn cảnh "không thỏa thuận" xảy ra, nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận nếu nó thực sự xảy ra. Ông Macron còn thêm rằng, nếu có bất kỳ giải pháp mới nào cho vấn đề "chốt chặn" Ireland, nó sẽ xuất hiện trong tháng tới, trước khi quá muộn.
Đánh tín hiệu rằng trái bóng giờ đang ở phần sân của Anh, ông Macron nói: "Nếu chúng ta không thể tìm được điều khoản thay thế, vậy thì đó là do vấn đề quá nghiêm trọng, vấn đề chính trị, và là vấn đề chính trị của nước Anh. Bởi vậy, các vòng đàm phán cũng không thể giải quyết gì. Mọi lựa chọn đều nằm trong tay Thủ tướng (Anh) chứ không phải chúng tôi".
Sau Brexit, khu vực biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland (thuộc UK) sẽ là vùng biên giới trên đất liền duy nhất giữa thị trường đơn của EU và Anh. EU muốn đảm bảo rằng khu vực không trở thành một "cổng hậu" để hàng hóa tuồn vào thị trường đơn. Về phần mình, Ireland nói việc thiết lập các trạm gác ở khu vực này có thể gây tổn hại tới thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành - từng đem tới hòa bình cho Bắc Ireland sau cuộc xung đột kéo dài 3 thập kỷ.
Điều khoản chốt chặn, từng được đàm phán bởi người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May, cho phép Anh duy trì tư cách thành viên của một liên minh hải quan tạm thời với EU sau Brexit, tránh viễn cảnh biên giới "cứng" cho tới khi hai bên tìm được một giải pháp tốt hơn.
Theo Reuters