Chia sẻ này của GS. TSKH Đặng Vũ Minh đã nhận được sự tán đồng của tất cả các khách mời và Hội viên có mặt tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ Ba và Gặp mặt đầu xuân năm 2018 của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), vừa diễn ra sáng nay (03/03/2018).
GS. TSKH Đặng Vũ Minh cho biết, ông rất ấn tượng về tuổi đời của các Hội viên Hội Truyền thông số Việt Nam, rất trẻ so với trung bình tuổi đời của hội viên các hội khác.
“Có thể nói, Truyền thông số là ngành chuyên môn rất mới và đã nhanh chóng ảnh hưởng tất các các ngành của nền kinh tế nước ta. Và chính vì thế, nó đòi hỏi những các hội viên trẻ tuổi, rất năng động, để nắm bắt những kỹ thuật mới, vấn đề mới”, ông nói.
Điều thứ hai khiến TS. Đặng Vũ Minh có ấn tượng mạnh mẽ, đó là công tác phát triển hội viên của Hội. Ông đánh giá, Hội đã làm rất tốt vấn đề kết nạp Hội viên mới, bởi người ta chỉ đến với Hội, mong muốn trở thành hội viên nếu Hội đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chân chính của mỗi hội viên và người ta cũng chỉ đến với Hội nếu Hội có những hoạt động chuyên môn, giúp đỡ lẫn nhau.
“Tôi rất mừng vì Hội đã kết nạp được nhiều hội viên tập thể và hội viên cá nhân. Và đó chính là minh chứng khách quan nhất thể hiện sức trẻ của Hội. Và tôi mong rằng các hội khác của Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam cũng làm được việc như Hội Truyền thông số đã làm”, ông bày tỏ.
Được biết, từ Đại hội II (ngày 20/5/2017) đến nay, Hội Truyền thông số Việt Nam đã kết nạp mới được 8 hội viên tập thể, gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật MobiFone, Công ty Cổ phần VCCorp, Cty Cổ phần Quảng cáo Tân Việt, Công ty Cổ phần Phần mềm ứng dụng di động Việt Nam (tại Hà Nội), Công ty Cổ phần Mekong Communications (tại TP. Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần Megacom Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường; Cửa hàng kinh doanh - Đơn vị Luxuy Club.
Cùng với đó là 8 hội viên cá nhân, gồm: Ông Nguyễn Việt Anh, ông Nguyễn Văn Việt ông Nguyễn Quang Đồng, ông Hoàng Trung Lương, ông Bùi Xuân Hải, ông Nguyễn Đắc Sơn, bà Trần Thanh Hương và bà Nguyễn Lê Linh.
Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội năm 2017, ông Lê Đức Sảo – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội cho biết, năm qua, Hội đã thành lập mới 2 đơn vị trực thuộc là Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông và Trung tâm Ứng dụng CNTT và Phát triển truyền thông số. Hội cũng đồng thời ra quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Đồng làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), ông Nguyễn Việt Anh làm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT và Phát triển truyền thông số.
Cùng với đó, Hội đã thành lập 2 đơn vị chức năng của Hội là: Ban Hội viên và Ban Pháp chế; bổ nhiệm ông Bùi Như Uyên làm Trưởng Ban Hội viên, ông Nguyễn Quang Ngọc làm Trưởng Ban Pháp chế; bổ nhiệm ông Nguyễn Nguyên Vũ làm Chánh Văn phòng Hội.
Các đơn vị mới đã khẩn trương xây dựng tổ chức bộ máy nội bộ, triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bước đầu đã có những kết quả tích cực.
Thêm nhiều đóng góp cho cộng đồng Truyền thông số Việt Nam
Trao đổi tại Hội nghị, TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá: “Nhìn lại công việc đã triển khai trong 2017, Hội đã làm được một số việc tạo dấu ấn nhấn định trong cộng đồng, được dư luận xã hội quan tâm. Thời gian tới, Hội sẽ có những hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn, đóng góp vào cho hoạt động chung của cộng đồng truyền thông số”.
Trước những công việc dự kiến triển khai trong năm 2018, Chủ tịch Hội yêu cầu cần giao đầu việc cụ thể, có người đảm nhận cụ thể để đảm bảo hiệu quả công việc. Theo đó,mỗi công việc dự kiến cần được phân công cho một nhân sự cụ thể trong Ban chấp hành Hội đảm trách.
Đồng thời, ông cũng gợi ý về việc lựa chọn ngày cố định, hoặc dấu ấn nào đó của lĩnh vực Truyền thông số để tổ chức hoạt động Ngày Truyền thông số Việt Nam. Cùng với đó, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về lĩnh vực Truyền thông số tại Việt Nam.
Đồng thuận với gợi ý này, ông Đặng Vũ Tuấn – Ủy viên Thường vụ VDCA, Phó GĐ Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hầu như các Hội, các ngành đều có Ngày truyền thống của mình và thường được coi là sự kiện tiêu biểu ngành – lĩnh vực. Đây không chỉ là việc tạo thương hiệu hay dấu ấn cho Hội, mà còn là việc tuyên truyền, lan tỏa thông điệp về vai trò Hội tới cộng đồng.
Theo ông, Hội Truyền thông số nên gắn kết và tiến hành các hoạt động xã hội, chuyên môn và kết nối cộng đồng để tập hợp hội viên, như tổ chức giải Tennis VDCA, phát huy kết quả giải golf Hội đã tổ chức năm 2017 để gắn kết và phát triển hội viên.
Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Ông Tuấn cũng gợi ý Hội nên tập trung hơn vào các hoạt động gắn với sự phát triển SmartCity và Startup của Việt nam và thế giới.
Không chỉ hoàn thiện công tác tổ chức, ông Lê Đức Sảo cho biết, Hội Truyền thông số Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể, đạt được những hiệu quả nhất định. Trong đó phải kể tới việc tổ chức thành công Hội thảo khoa học về Luật An ninh mạng và tác động đến doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số.
Ông Lê Đức Sảo – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội báo cáo Hội nghị về đánh giá kết quả và phương hướng hoạt động của VDCA năm 2018.
Hội cũng đã hợp tác với IDG nghiên cứu, khảo sát thị trường và đánh giá chính sách về dịch vụ Internet băng rộng di động, Internet cố định, Truyền hình trả tiền; và Hợp tác với Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam nghiên cứu về điểm nghẽn chính sách trong ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam.
Cũng với đó, ông Nguyễn Quang Đồng -- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), một trong những đơn vị nghiên cứu khoa học và phản biện xã hội của Hội cho biết, trong năm 2018, Viện sẽ hoàn thành đánh giá và xếp hạng Chính quyền điện tử cấp tỉnh ở Việt Nam (dự kiến công bố kết quả vào tháng 4/2018), thực hiện chương trình nghiên cứu dài hạn tập trung vào đánh giá thể chế và bộ máy điều tiết thị trường và đánh giá chính sách về Đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực, Hội đặt mục tiêu tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho các hội viên, trong đó tập trung vào viễn thông và công nghệ thông tin; công nghiệp phần mềm, nội dung số; công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao; sản phẩm từ công nghệ mới.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng sẽ được chú trọng. Năm 2018, Tạp chí Điện tử VietTimes – Cơ quan ngôn luận của Hội sẽ mở văn phòng thường trú tại TP. HCM và Đà Nẵng, tăng số lượng phóng viên cơ hữu; cải tổ giao diện của tạp chí cho đơn giản, thuận tiện với bạn đọc. Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác giúp đỡ và hợp tác với các hội viên VDCA.
Ý kiến về việc tái khởi động Dự án Nghĩa trang trực tuyến cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực của các Ủy viên Ban chấp hành Hội. Theo đó, Hội dự kiến sẽ tiếp nhận dự án Đài tưởng niệm Liệt sĩ của Trung tâm Thông tin liệt sĩ (MARIN) do cá nhân bà Ngô Thúy Hằng xây dựng, đến nay đã hoạt động được 10 năm, bàn giao lại cho Hội. Hội sẽ kết hợp với Nghĩa trang trực tuyến trian.vn, do VTC trước đây để thành một dự án hoàn chỉnh. Ban chấp hành Hội đang sẽ thành lập tổ nhân sự để xây dựng và phát triển dự án này.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Ban chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam đã bầu bổ sung ông Vũ Đình Ánh -- Ủy viên Ban Chấp hành trở thành Ủy viên Ban thường vụ Hội; ông Nguyễn Quang Đồng và ông Nguyễn Việt Anh trở thành Ủy viên Ban chấp hành Hội.
Nhân dịp tổng kết hoạt động năm 2017 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2018, Ban chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam đã ra quyết định khen thưởng để ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác năm 2017 cho 01 Tập thể là Tạp chí điện tử VietTimes và 4 cá nhân, gồm: Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Nguyễn Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam và ông Trần Hữu Vinh, Phóng viên Tạp chí điện tử VietTimes.